Sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên doanh nghiệp |
Tổ chức WWO viện trợ dự án hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên dễ bị tổn thương tại TP Cần Thơ |
Nhiều hoạt động hỗ trợ Bến Tre
Đoàn gồm 34 thành viên thuộc các nhóm kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, chuyên gia về ngôn ngữ trị liệu, bác sĩ nhi khoa, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, chậm phát triển, bệnh Down, tăng động… mỗi nhóm sẽ hoạt động ở lĩnh vực riêng nhằm hỗ trợ các đơn vị của tỉnh Bến Tre.
Bà Akemi Bando - Tổng Thư ký Hội cho biết, trong chuyến thăm Bến Tre lần này, đoàn sẽ có các hoạt động hỗ trợ tỉnh như: hỗ trợ tập huấn cho cán bộ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu; tập huấn cho nhân viên y tế về ngôn ngữ trị liệu sau mổ hở môi hàm ếch; hỗ trợ khoa nhi trong theo dõi, chăm sóc trẻ sinh non, cách quản lý theo dõi trẻ thông qua sổ hồng và quảng bá, nhân rộng sổ hồng quản lý trẻ em đến các đơn vị y tế cơ sở tuyến huyện, xã; hướng dẫn cách sử dụng bộ test tâm lý cho trẻ tại Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh.
Đoàn công tác Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản làm việc tại Bến Tre. Ảnh: Liên hiệp hữu nghị tỉnh Bến Tre |
Theo bà Akemi Bando, đoàn sẽ tiếp tục khảo sát, ghi nhận đề xuất của Bến Tre và đồng hành cùng Bến Tre cũng như tiếp tục vận động tài trợ, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, nhân rộng các mô hình chăm sóc phục hồi chức năng, các lớp dạy học dành riêng cho trẻ khuyết tật đến nhiều địa phương hơn, tạo điều kiện cho nhiều trẻ khuyết tật được điều trị phục hồi, được đến trường, hòa nhập cộng đồng.
Ông Shigeru Sekiya - Chủ tịch Hội đã chia sẻ những tình cảm đặc biệt dành cho tỉnh Bến Tre thời gian qua, cũng như bày tỏ mong muốn tiếp tục có sự kết nối và có nhiều chương trình ý nghĩa hơn nữa tại tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn mong rằng trong thời tới, Hội và Bến Tre sẽ tiếp tục giữ được mối liên hệ gắn kết này để Bến Tre được học hỏi nhiều hơn về kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn của các chuyên gia từ Nhật Bản, phát triển tốt hơn các lĩnh vực phục hồi chức năng, ngôn ngữ trị liệu cho Bến Tre, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh rất lớn của người dân hiện nay.
Điểm tựa của những trẻ em khuyết tật
Bà Akemi Bando - Tổng thư ký Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản cho biết, bà đến thăm Bến Tre lần đầu tiên vào ngày 31/3/1990. Bà đã đi thăm Sở Y tế, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, xem tài liệu về sự ảnh hưởng của chất độc màu da cam của quân đội Mỹ, đã đi thăm 4 gia đình có con khuyết tật tại Bến Tre. Bà mong muốn có địa điểm để xây dựng một trường học dành cho học sinh khuyết tật.
Khi trở về Nhật Bản, bà Akemi Bando cùng một số thành viên sáng lập ra Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản. Với vai trò là Tổng thư ký, bà đã cùng với các thành viên điều hành Hội, thực hiện các chương trình, các hoạt động trợ giúp trẻ em Việt Nam nói chung và trẻ em Bến Tre nói riêng, đã tham gia các hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại tỉnh Bến Tre.
Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản thăm, làm việc tại Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật Bến Tre vào tháng 3/2023. Ảnh: Liên hiệp hữu nghị tỉnh Bến Tre |
Năm 1991, Hội đã cùng tỉnh Bến Tre xây dựng nên Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật, ngôi trường đầu tiên cho trẻ khuyết tật tại Bến Tre. Tiếp theo đó, bà cùng các thành viên của Hội tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho trường, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho giáo viên trường trong việc dạy học, tập luyện cho trẻ em khuyết tật.
Hơn 30 năm qua, bà Akemi Bando và Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khác tại tỉnh. Từ năm 1997, triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, nhằm mang đến cho người khuyết tật cơ hội phục hồi, nâng cao sức khỏe, học tập, hòa nhập xã hội, đến nay đã phủ khắp 164/164 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chương trình đã được Hội đầu tư 51 phòng tập vật lý trị liệu ngay tại các xã, phường với mục tiêu điều trị, phục hồi chức năng thần kinh vận động cơ bắp cho trẻ em khuyết tật.
Từ năm 1998, triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ và trẻ em, nhằm giảm thiểu việc sinh ra số trẻ bị dị tật, khuyết tật hoặc chậm phát triển về trí tuệ bằng việc chăm sóc bà mẹ ngay từ khi mang thai đến tận khi sinh nở, chăm sóc trẻ sơ sinh từ lúc mới ra đời đến khi tròn tuổi thông qua Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Hội đã giúp tỉnh Bến Tre lập Sổ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Và tất cả các xã của tỉnh Bến Tre đã sử dụng sổ vào năm 2004.
Đến năm 2015, trước nhu cầu cấp thiết của các bậc cha mẹ có con em khuyết tật, trong việc chăm sóc và dạy học cho trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, Hội đã tài trợ kinh phí thành lập ra Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre. Các chuyên gia của Hội đã và đang tập huấn và tiếp tục làm cố vấn cho trung tâm hoạt động có hiệu quả nhất.
Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ các bệnh viện khác trong tỉnh nhiều trang thiết bị y tế, đầu tư kinh phí xây dựng khoa phục hồi chức năng để có thể tập luyện phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Trong chuyến thăm, khảo sát tại Bến Tre vào tháng 3/2023 vừa qua, Đoàn công tác Hội trợ giúp trẻ em Việt Nam - Nhật Bản đã hỗ trợ Bến Tre 16.000 USD, tương đương hơn 372 triệu đồng thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, hỗ trợ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu mua trang thiết bị, dụng cụ cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ Khoa Nhi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu in ấn tài liệu dành cho trẻ sinh non…
Cần Thơ phê duyệt dự án hỗ trợ cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn do Grandis et Deviens tài trợ |
Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ trẻ khuyết tật |