Một số đại diện doanh nghiệp đã đưa ra đề nghị rút ngắn thời gian cấp phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc; có đơn vị giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên áp dụng cơ chế giãn thuế; cơ quan chức năng sớm có giải pháp về vấn đề chồng chéo chi phí logistics...
Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại châu Âu cũng đề xuất điều chỉnh mô hình “3 tại chỗ” cho phù hợp hơn; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để thông quan nhanh thuốc và các hàng hóa phục vụ ngành y tế; đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công Thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Products Việt Nam cho biết, từ khi TPHCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đến nay, nhà máy Intel đã áp dụng phương án “1 cung đường 2 địa điểm”, bố trí chỗ ở cho gần 1.870 lao động trực tiếp và khoảng 1.500 lao động gián tiếp từ các nhà thầu lưu trú tập trung tại rất nhiều khách sạn. Chi phí phát sinh tạm tính từ 15/7-15/8 hơn 140 tỷ đồng. Nếu tính tới 15/9 khoản chi phí này không phải là gấp đôi mà sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn.
Ghi nhận, nắm bắt được nguyện vọng của các doanh nghiệp, thời gian qua các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch COVID-19.
Cho phép người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác với thời hạn không quá 06 tháng và người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc mà không phải làm lại giấy phép lao động.
Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn quản lý các trường hợp đề nghị nhập cảnh Việt Nam đề phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có quy định 5 đối tượng được xem xét đề nghị nhập cảnh.
Theo công văn này, Bộ Y tế đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc xem xét phê duyệt các đối tượng xin nhập cảnh, trong đó chú ý việc xác nhận, xác thực đối tượng nhập cảnh của các doanh nghiệp phải bảo đảm đúng đối tượng ưu tiên đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia chỉ đạo.
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên và các trường hợp nhập cảnh trái phép.
5 đối tượng được xem xét đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam, gồm: (1) Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý kinh doanh, lao động kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên gia) và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con); (2) Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con); học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam; (3) Công dân Việt Nam: doanh nhân, trí thức, học sinh, sinh viên, người già, người đi thăm thân, du lịch hết hạn, lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài, người ra nước ngoài khám, chữa bệnh, người hết hạn visa; (4) Các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo và (5) Các trường hợp đặc biệt khác.
Hướng dẫn này cũng đề ra các yêu cầu đối với việc quản lý người xin nhập cảnh. Cụ thể, việc tổ chức đưa công dân Việt Nam về nước, người nước ngoài xin nhập cảnh phải đúng theo lộ trình kế hoạch được duyệt, phù hợp năng lực cách ly y tế và phòng chống dịch COVID-19; bảo đảm chặt chẽ, an toàn, công khai, minh bạch, tránh trục lợi.