Cuộc chiến tranh lạnh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên nóng hơn bao giờ hết sau khi Huawei bị cho vào danh sách cấm kinh doanh tại Mỹ. Lý do mà Tổng thống Donald Trump đưa ra là lo ngại an ninh quốc gia và công nghệ Huawei có thể bị lợi dụng để gián điệp. Việc ngăn chặn Huawei mua linh kiện và bộ phận từ các đối tác Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến smartphone và laptop Huawei.
Chiều ngược lại, nhiều hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ từ lâu đã bị chặn đứng tại Trung Quốc. Nước này cấm Facebook, Google, Dropbox tiếp cận hơn 800 triệu người dùng Internet của họ. Một số công dân Trung Quốc phải sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để dùng “chui” Facebook hay Google.
Facebook bị cấm tháng 7/2009, Instagram bị cấm tháng 9/2014 và tiếp đó là WhatsApp tháng 9/2017.
YouTube bị chặn/bỏ chặn liên tục từ cuối những năm 2000 và đến tháng 3/2009 bị cấm vĩnh viễn. Một số từ khóa trên Google cũng bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Google.cn bị đóng cửa năm 2010 vì các tranh cãi liên quan đến kiểm duyệt từ khóa. Các ứng dụng khác của Google như Gmail và Google Maps cũng bật-tắt nhiều lần.
Năm 2018, Google được báo cáo đang phát triển công cụ tìm kiếm kiểm duyệt dành riêng cho Trung Quốc có tên Dragonfly. Dự án nhận nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động và cả nhân viên Google.
Twitter bị cấm tháng 6/2009. Dù vậy, mạng xã hội này vẫn có khoảng 10 triệu người dùng tại Trung Quốc, những người dùng VPN để lách luật.
Snapchat không rõ bị cấm từ bao giờ nhưng ứng dụng chat vẫn có một văn phòng nhỏ tại Trung Quốc để phát triển kính thông minh trang bị camera Spectacles.
Diễn đàn Reddit bị cấm tháng 8/2018.
Tumblr bị cấm tháng 5/2016 dù nhiều trang chứa nội dung khiêu dâm bị kiểm duyệt gặt gao trước đó.
Pinterest bị chặn tháng 3/2017, khoảng thời gian Trung Quốc tổ chức kỳ họp Lưỡng hội (Two Sessions).
Twitch bị chặn tháng 9/2018 sau khi người dùng Trung Quốc đổ xô tải ứng dụng để xem các trận thi đấu e-sport trong khuôn khổ 2018 Asian Games.
Ứng dụng chat nổi tiếng cho game thủ Discord không thể truy cập tại Trung Quốc từ giữa năm 2018.
Dịch vụ lưu trữ Dropbox bị chặn lần đầu tháng 5/2010, sau đó được tạm thời khôi phục tháng 2/2014. Tuy nhiên, website và ứng dụng Dropbox bị chặn tiếp vào tháng 6 cùng năm.
Mạng xã hội hỏi đáp Quora bị chặn vào tháng 8/2018.
Wikipedia bản tiếng Trung bị chặn năm 2015 nhưng gần đây, Trung Quốc đã cấm tất cả các phiên bản ngôn ngữ khác của bách khoa trực tuyến.
Trang chia sẻ Vimeo bị Trung Quốc cấm từ khá sớm, tháng 10/2009.
SoundCloud, dịch vụ chia sẻ âm nhạc, bị cấm lần đầu tháng 9/2013. Kể từ đó, nó bị gián đoạn liên tục.
DuckDuckGo, công cụ tìm kiếm tập trung vào quyền riêng tư, bị cấm tháng 9/2014.
Cũng như nhiều nền tảng video khác, Dailymotion bị cấm tại Trung Quốc nhưng không rõ từ bao giờ.
Nguồn bài viết : CR Thể Thao