Góp ý kiến Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Cần lấy người bị bạo lực là trung tâm

2024-12-21 13:21:43
Hình ảnh Đoàn Hội LHPN Việt Nam tham dự Đại hội Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế và làm việc tại Venezuela
Bình Định khai mạc lễ hội du lịch biển Quy Nhơn năm 2022
Các đại biểu dự hội nghị (Ảnh: Truyền hình Ninh Bình)

Sáng 6/5, tại Khách xá Chùa Bái Đính, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với Uỷ Ban xã hội của Quốc hội, Trung ương hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị góp ý kiến Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Chủ trì hội nghị gồm Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy và có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình và các cơ quan ban ngành ở Trung ương và địa phương Ninh Bình.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, sửa đổi và trình các cơ quan thẩm quyền, xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình gồm 6 chương, 62 điều, nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế Nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 5 nội dung chính của Dự thảo Luật, cụ thể như: Quy định về nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm để xây dựng các quy định, bảo vệ người bị bạo lực; Thảo luận, đề xuất, bổ sung về các hành vi bạo lực gia đình; Quy định về hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình, trong đó sửa Dự thảo Luật theo nguyên tắc hòa giải trước – trong – sau khi bạo lực xảy ra. Việc trao quyền cho người bị bạo lực được lựa chọn chỗ ở, trong thời gian cấm tiếp xúc. Đặc biệt là đề xuất, bổ sung các chế tài xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Nhiều đại biểu cho rằng: Cần tổ chức nghiên cứu thật kỹ lưỡng một số vấn đề liên quan đến việc xác định hành vi bạo lực gia đình cũng như quy định về công tác tuyên truyền, tư vấn, hòa giải; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định mở để nhận diện rõ hơn những hành vi bạo lực gia đình trên thực tế mà chưa thể mô tả đầy đủ trong dự thảo; bổ sung mở rộng đối tượng bạo lực gia đình là người đã từng sống chung với nhau như: vợ chồng, từng có có quan hệ nuôi dưỡng. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn hòa giải viên thuộc tổ hòa giải ở cơ sở về hòa giải bạo lực gia đình, cũng như quy định rõ phạm vi vụ việc bạo lực nào thì áp dụng nguyên tắc hòa giải.

Các ý kiến đóng góp là cơ sở để Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới.

Theo kết quả điều tra về BLGĐ năm 2019 do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện, có 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng hình thức bạo lực;

Có 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức trên.

Ngoài ra, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình. Theo đó, trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam và Cuba trong sự nghiệp cách mạng
Bình Định tổ chức “Lễ hội du lịch biển Quy Nhơn năm 2022” vào ngày 29/4
Top