Món ăn không thể bỏ qua khi đặt chân đến Hà Giang

2024-12-21 13:24:39
Ăn gì khi đến đất Ninh Thuận?
Ăn gì khi đến Nam Định?

Món ngon Hà Giang - Thắng cố

Ăn gì khi đến đất Hà Giang?

Trời se se, lành lạnh, du khách đi tour Hà Giang có một bát thắng cố nhâm nhi vớt chén rượu ngô Bắc Hà thì còn gì bằng. Thắng cố là món ăn truyền thống của người H'Mông, sau trở thành món ăn phổ biến của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Nguyên bản món thắng cố là dùng thịt ngựa nhưng giờ người dân dùng cả thịt bò, thịt trâu, thịt lợn, mỗi nơi lại có cách nấu, công thức riêng nhưng ngon nhất có lẽ vẫn là thắng cố ngựa ở Hà Giang.

Từ “thắng cố” bắt nguồn từ “thang cốt”, có nơi còn cho là biến âm của “thoảng cố” nghĩa là canh hầm.

Chế biến thắng cố rất đơn giản nhưng để nấu được ngon thì đều phải có bí quyết. Mổ ngựa xong, nội tạng được làm sạch, cắt miếng rồi ướp cùng gia vị. Gia vị truyền thống thường là muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm rồi xắt nhỏ, có nơi còn cho cả sả đập dập. Sau đó cho tất cả lên cùng một chảo to, dùng chính “mỡ ngựa rán ngựa”, tức là chỉ dùng mỡ chảy từ chính thịt ngựa chứ không thêm dầu mỡ ngoài. Đến khi thịt se lại thì đổ nước vào, cứ thế ninh trên lửa to trong nhiều tiếng. Ăn đến đâu múc ra đến đó, chảo vẫn đun trên bếp.

Món ngon Hà Giang - Bánh cuốn trứng

Nơi miền đá lạnh Hà Giang, người ta phải ăn món gì thật nóng, thật cay để chống chọi không khí u ám tỏa ra từ đá núi. Nhưng bánh cuốn trứng, đặc sản của miền địa đầu tổ quốc này, lại là “món lạnh”, dùng cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, ngọt lừ.

Bánh cuốn trứng Hà Giang ngon là do sự kết hợp của bột bánh dẻo vừa đủ, nhân thịt đậm đà, đặc biệt là bát nước chấm có vị riêng biệt.

Đây là món “vừa ăn vừa đợi”, người bán khi có khách gọi mới tráng bánh, đập thêm trứng lên mặt lớp bột rồi dùng vỏ bánh gói lại. Trứng không chín hẳn mà chín lòng đào, có vị béo ngậy, nhanh tay chấm vào bát nước chấm được ninh từ xương, khác với nước mắm thường thấy. Thực khách cũng có thể lựa chọn thêm miếng giò trắng ăn kèm. Món bánh cuốn trứng chủ yếu được bán buổi sáng ở Tp Hà Giang, phố cổ Đồng Văn và trong một số chợ.

Món ngon Hà Giang - Phở chua

Món ăn này thực chất là bắt nguồn từ Trung Quốc và được tiếp thu tinh hoa bởi đồng bào dân tộc nơi đây. Thường thì người ta chọn ăn phở chua vào mùa hè bởi hương vị thanh mát nhưng cũng có những du khách muốn thưởng thức món ăn này vào mùa đông. Nhìn chung, đây là món ăn yêu thích của khách du lịch Hà Giang quanh năm.

Khác với những tô phở bình thường, bánh phở chua phải được làm riêng và làm theo công thức gia truyền. Sợi phở dai, mềm và trắng muốt không sử dụng hóa chất để tẩy. Sau đó, người ta cho lên chảo đảo mềm sợi phở chứ không trần qua nước sôi như thông thường. Về phần nước, nước phở trong, sánh cũng rất kỳ công theo bí quyết truyền tai nhau của đồng bào dân tộc nơi đây. Nước hầm xương phải có đủ vị chua, mặn, ngọt và ngậy béo. Nguyên liệu khác trong tô phở là lạc, dưa chuột, thịt lợn quay, trứng gà, rau thơm,…

Món ngon Hà Giang - Thắng dền

Thắng dền được làm từ bột gạo nếp, tuỳ vào sở thích cũng như khẩu vị của từng người mà người làm bánh sẽ cho thêm nhân bánh bằng đỗ hoặc để chay. Hình dáng của chúng trông giống như những chiếc bánh trôi tàu ở Hà Nội, nếu không hỏi người dân ở đây thì chắc chắn sẽ có du khách nhầm tưởng đó là bánh trôi thật. Những viên bánh thắng dền chỉ làm to hơn ngón tay cái một chút, được thả trong bát có hỗn hợp nước đường ngọt ngậy với nước cốt dừa và gừng. Chúng tạo lên một hương vị hỗn hợp ngọt, béo và cay cay. Trong mỗi bát thắng dền còn được cho thêm những viên lạc hay vừng đã rang chín, giòn giòn mà thơm phức, trông hấp dẫn hơn nhiều.

Món ngon Hà Giang - Bánh chưng gù

Bánh chưng gù được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người dân Hà Giang, bánh có kích thước khá nhỏ, không được gói theo hình vuông thông thường mà được gói giống như cái lu, cảm giác vừa tay và rất dễ mang theo. Sở dĩ bánh chưng gù được gói theo hình chiếc lu là bởi hình ảnh này tựa như người phụ nữ Dao tần tảo đeo gùi trên lưng hái lúa, bẻ ngô trên rẫy.

Bánh chưng gù được chế biến bởi các nguyên liệu như nếp dẻo, thịt heo, đậu xanh, hành củ. Khi mua bánh chưa gù đặc sản Hà Giang làm quà gia đình, bạn không nên luộc lại mà nên ăn luôn trong ngày tránh tình trạng bánh bị nhão, lớp vỏ bị sượng,...

Món ngon Hà Giang - Cháo ấu tẩu

Ở Hà Giang có nhiều món ăn độc đáo khiến du khách đã một lần tới đó đều không thể nào quên được. Cháo đắng, hay cháo ấu tẩu là một loại ẩm thực như thế.

Rất nhiều người khi đến với Hà Giang, nếu đã được thưởng thức một lần rồi sẽ tìm đến để ăn lại. Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là vị thuốc bổ giải cảm. Cháo đắng ở Hà Giang mùa nào cũng có, nhưng chỉ bán vào ban đêm. Mùa đông lạnh giá ở miền núi được ngồi trong không gian hàng quán ấm áp bếp hồng và thưởng thức món cháo ấu tẩu, cháo đắng Hà Giang cũng là một sự thích thú trong lối ăn chơi cho những người yêu thích khám phá điều mới lạ.

Món ngon Hà Giang - rêu nướng

Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là 1 loại thủy sinh không nhiều tác dụng. Nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang, thì rêu đá được coi là đặc sản trong ẩm thực của họ. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ.

Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món.

Món ngon Hà Giang - Thịt trâu gác bếp

Hà Giang là một tỉnh miền núi phía bắc với nhiều dân tộc anh em sinh sống với nhau nên tục gác thịt lên bếp đã trở thành thói quen (phong tục thông lệ) trong mỗi gia đình. Từ bao đời, thịt trâu, lợn gác bếp đã trở thành món ăn không thể thiếu và là đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây.

Thịt trâu, lợn gác bếp thường là những thớ thái dọc dài, từng miếng thịt trâu – lợn một được xiên vào những que to rồi treo lên gác bếp. Trước khi mang gác bếp, người dân đã tẩm các gia vị vào thịt như ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén.

Sau một thời gian, những miếng thịt sẽ khô lại nhưng vẫn giữ được gia vị quết lên đó, và có hương vị đặc trưng rất ngọt và thơm. Thịt gác bếp ăn ngon mà lại không có chất bảo quản, là món ăn khoái khẩu của du khách mỗi khi có dịp đến Hà Giang. Nhiều người đến đây không quên mua một ít về làm quà cho mọi người. Chính những du khách đến nơi đây là người đã truyền và mang thịt trâu, lợn gác bếp đến nhiều người biết hơn và làm món ăn đặc sản Hà Giang này có thương hiệu mạnh hơn.

Món ngon Hà Giang - Lợn cắp nách

Lợn cắp nách Hà Giang là một trong những điển hình của nghệ thuật chăn nuôi cùng cao Hà Giang. Nếu đến đây vào những ngày chợ phiên, bạn sẽ thấy những góc chợ bày bán món đặc sản Hà Giang này. Vì lợn nhỏ nên thường được đặt vào những chiếc giỏ và treo bên vai, vậy nên người ta gọi là lợn cắp nách.

Lợn cắp nách Hà Giang thịt thơm, chắc bởi chúng không có chuồng trại, được chăn thả tự nhiên, tự kiếm thức ăn trong rừng.. Từ những miếng thịt tươi sống được chế biến thành nhiều món khác nhau, hấp dẫn nên rất được ưa chuộng.

Món ngon Hà Giang - Bánh tam giác mạch

Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân địa phương sẽ thu hoạch hạt cây rồi bán lại cho các hợp tác xã với giá khá cao. Điều này giúp người dân có thêm thu nhập. Loại hạt này rất nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen. Vì được trồng trong tự nhiên nên tam giác mạch nơi đây không bị tác động bởi hóa chất độc hại.

Để làm được chiếc bánh thơm ngon như vậy, người dân phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Trước tiên, hạt tam giác mạch phải được phơi khô đủ độ rồi đem đi xay bằng tay. Quá trình xay cũng cần sự khéo léo để ra mẻ bột thật mịn, đều tránh bị lợn cợn sau khi chế biến. Người ta nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem đi nướng. Giá thành của sản phẩm sau khi ra lò nóng hổi là 10.000-15.000 đồng một chiếc bánh. Dù không cao giá như nhiều món hàng ở những nơi khác nhưng bánh tam giác mạch đang góp phần lớn vào sự phát triển ẩm thực, du lịch và kinh tế của vùng cao nguyên đá.

Ăn gì khi đến vùng đất Hậu Giang?
Ăn gì khi đến đất Bình Dương?
Ăn gì khi đến đất Bắc Ninh?
Top