Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia có nghĩa là gần 1 triệu thí sinh sẽ kết thúc 12 năm đèn sách để bước sang một trang mới của cuộc đời. Đó có thể là một trường đại học, một trường nghề hay cũng có thể là một lựa chọn khác.
Thế nhưng đến nay vẫn rất nhiều bạn vẫn đang vô cùng phân vân trong việc chọn trường, chọn ngành.
Nên chọn ngành theo xu hướng hay theo sở thích? Đại học có phải tất cả? Nghề nào thu nhập cao? Liệu với tính cách của bản thân thì có thể trở thành một nhà thiết kế hay một giáo viên, bác sĩ?
Hiểu được những băn khoăn này của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp diễn ra tại Hà Nội ngày 14/5, Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh – Nguyên phó vụ trưởng phát triển nguồn nhân lực – Phó ban Chương trình Quốc gia về việc làm của Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội mượn câu nói của cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama để khuyên thí sinh rằng: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Theo thống kê được công bố vào tháng 12/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cử nhân và thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người).
Các chuyên gia đánh giá, trong khi số lượng người thất nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm lại có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh – Nguyên phó vụ trưởng phát triển nguồn nhân lực
Nhìn nhận về con số này, Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh chỉ rõ, chưa bao giờ vào đại học dễ như hiện nay do tâm lý chung của người dân Việt Nam về vấn đề bằng cấp còn quá nặng nề, học vì hư danh nên mới có chuyện người người, nhà nhà đều muốn đi học đại học và kết quả là có tới 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông là vào đại học.
Mấy năm gần đây khi tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ở mức báo động thì nhiều thí sinh, phụ huynh mới nhận ra rằng, học làm sao để nâng cao được chất lượng sống của bản thân, gia đình chứ không phải học chỉ để lấy bằng cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 433 trường đại học, cao đẳng (bao gồm 247 trường công lập và 186 trường ngoài công lập), do vậy, theo quan điểm của ông Minh, việc mở rộng cửa vào đại học là rất nguy hiểm, đây là căn cơ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Ông Minh đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm cơ cấu lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng hiện nay.
Tuy nhiên vị này cũng khuyên thí sinh, các bậc phụ huynh rằng đừng nên phân biệt giữa trường công lập và tư thục vì thực tế tại Mỹ, những trường nổi tiếng nhất về chất lượng thuộc về các trường ngoài công lập.
Do vậy điều quan trọng mà thí sinh, phụ huynh cần lưu ý nhất khi chọn nơi học tập nên nhìn vào điều kiện cơ sở vật chất, thái độ của lãnh đạo, cán bộ nhà trường đối với mình và quan trọng là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngôi trường đó.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp gia tăng, lỗi một phần do nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước với những yêu cầu khó chấp nhận được thậm chí phải gọi là “dở hơi”.
Ông Minh nêu cụ thể, doanh nghiệp yêu cầu cử nhân kê khai lý lịch dài tới 8 trang A4 nào là từ lý lịch từ ông bà, cô dì, chú bác… nào là yêu cầu về kinh nghiệm, thử hỏi sinh viên vừa tốt nghiệp thì kinh nghiệm ở đâu? Hơn nữa, doanh nghiệp còn yêu cầu về ngoại hình phải đạt mức chiều cao, cân nặng…
“Theo tôi, khi tuyển dụng 1 nhân sự thì chỉ cần biết thông tin về điểm tốt nghiệp, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, điểm mạnh, điểm yếu, tài lẻ là gì và khi cần thì liên hệ với ai là đủ”, ông Minh nêu quan điểm.
Cũng theo vị này, ý kiến, quyết định kiên quyết của nhiều bậc phụ huynh cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Ông Minh ví von rằng: “Nếu con cái mình chỉ đủ sức vác khối lượng 50kg mà các vị cứ bắt chúng phải vác 100kg thì sao các cháu làm được.
Các em cần được đi theo đam mê của mình nên các vị cần bàn bạc cùng con trên tinh thần tôn trọng và không ép buộc”.
Tuy nhiên, nguyên Phó vụ trưởng phát triển nguồn nhân lực cũng chỉ ra 4 điểm yếu của thanh niên Việt Nam khiến cử nhân dễ rơi vào cảnh thất nghiệp. Đó là:
Thứ nhất, yếu về ngoại ngữ. Điều này thế giới nhận xét và các nhà giáo dục trong nước đã công nhận.
Thứ hai, tác phong công nghiệp kém.
Ông Kumi (Nhật Bản) từng nhận xét: “Tôi sang Việt Nam, thấy người Nhật làm việc quá sức. Người Việt Nam đi về khi chưa hết giờ, đi làm muộn, nghỉ trưa quá dài”.
Thứ ba, kỹ năng mềm (gồm khả năng thuyết trình, làm việc nhóm…) yếu.
Tổng giám đốc một ngân hàng tại Nhật Bản – ông Masaki Yamashita đã nhận định: “Hầu hết các công ty, doanh nghiệp nước ngoài bất mãn về kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm của lao động Việt Nam”.
Thứ tư, thể trạng người Việt kém.
Vậy học gì để ra trường không thất nghiệp?
Đó là nỗi lo lắng chung của rất rất nhiều quý vị phụ huynh học sinh và con em mình khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo VTV, trong ngày 14/5, Đối thoại Chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) đã đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến tương lai việc làm, thị trường lao động…
Tại Phiên toàn thể Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh:
Nguồn nhân lực có trình độ cao đang trở nên ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra.
Việc áp dụng công nghệ số một mặt giúp thúc đẩy năng suất lao động, tạo ra nhiều mô hình kinh doanh, thị trường và cơ hội việc làm mới; mặt khác cũng tạo ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế thành viên APEC và lực lượng lao động trong khu vực.
Một số ngành nghề truyền thống đã mất đi và ngày càng nhiều lực lượng lao động rơi vào nhóm dễ bị tổn thương và phi chính thức.
Theo những nghiên cứu gần đây, tự động hóa sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể tới những loại hình lao động truyền thống.
Những thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số sẽ đòi hỏi người lao động trẻ mới tham gia thị trường lao động phải đáp ứng được những bài kiểm tra về kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn nghề, ông Minh dự đoán, giai đoạn tới ngành công nghệ thông tin, an ninh mạng, bảo mật… sẽ thiếu hàng triệu nhân viên.
Cũng tại buổi tư vấn, một học sinh băn khoăn: “Em muốn theo đuổi nghề sư phạm nhưng qua các phương tiện truyền thông em được biết tỷ lệ thất nghiệp của ngành này rất cao. Vậy em có nên tham gia học tập nghề này nữa không?”.
Tiến sĩ Minh đưa ra lời khuyên: “Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng nếu em đam mê thì nên theo đuổi nhưng đã theo đuổi thì trong quá trình học phải thực sự giỏi vì cơ chế thị trường không có chỗ cho người năng lực kém”.
Theo Thùy Linh/GDVN