Ông Vũ Hoa Thảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An cho biết, khi tìm hiểu về lịch sử làng nghề ông đã thấy có những bài thơ viết về đầm sen ở Tây Hồ ở những năm 1650.
Như vậy, cách đây chừng 400 năm, sen đã được trồng ở Hồ Tây và cũng có thể từ thời điểm này, nghề ướp chè sen đã xuất hiện ở vùng đất này. “Gia phả của dòng họ tôi không ghi lại được thời điểm làm nghề, chỉ biết truyền từ đời cụ, kỵ và được lưu giữ đến bây giờ”, ông Thảo cho biết.
Phụ nữ đến tháng không được làm chè sen
Hiện tại, người già nhất còn làm nghề ở đây là cụ Trần Thị Ngó, hơn 90 tuổi. Nhưng chính cụ cũng không biết được nghề ướp chè sen có từ bao giờ. Theo các cụ già trong làng kể lại thì từ xa xưa người Tràng An đã biết ướp chè mộc với hoa sen Hồ Tây để thưởng thức hương vị thanh khiết của những bông hoa trong chén chè. Lúc đầu, người ta chỉ làm với số lượng ít, chủ yếu là cho quan lại và những người giàu có. Về sau số lượng tăng dần nhưng vẫn là thứ chè quý, chỉ đem ra tiếp khách tri âm hoặc là dùng làm thứ quà biếu thắm đượm nghĩa tình gia chủ mà lại gói trọn hương vị đất Hà thành.
Vào mùa thu hoạch sen (từ 19/5 đến 2/9), người dân ở Quảng An phải dậy từ lúc 3 – 4 giớ sáng để chuẩn bị cho một ngày ướp chè sen. Việc làm chè sen ở nơi đây phải tuân thủ luật tục của làng từ xa xưa. Khi thu hái sen phải kiêng gió Tây vì loại gió này sẽ khiến cho hoa sen thắt lại, ngọn sen dai, chất lượng hương suy kiệt. Thu hái sen thường vào ngày nắng to bởi trời mưa sẽ làm nhạt hương sen bay hết nhụy hoặc gạo sen.
Sen sẽ được hái gấp (từ 5 – 7 giờ sáng) để kịp lấy gạo sen khi hoa vẫn còn tươi, đượm hương nhất. Những chiếc thuyền chở sen cập bờ khi trời chưa đọt sào. Để làm ra được 1 kg chè sen phải sử dụng đến gạo của 1.400 bông hoa sen. Chè ướp trong 7 lần, mỗi lần 200 bông sen được tách lấy gạo. Cứ 3 ngày phải ướp 1 lần. Sau 7 lần ướp chè được sấy bằng nước nóng cho khô trong khoảng 3 ngày. Công đoạn cuối cùng là sàng sẩy và đóng bao bì cho chè sen.
“Đây là nghề khá đặc biệt, đòi hỏi những người cần cù, chịu khó, cần mẫn và có kinh nghiệm. Những người phụ nữ đến tháng, những người đi đám ma về… đều không thể làm được chè sen và sẽ khiến mẻ chè đó phải bỏ đi”, ông Thảo cho hay.
Giải thích thêm cho lời của ông Thảo, cụ Ngó kể: hơn 70 năm làm nghề này, đã có nhiều tháng vào vụ sen mà tôi không được làm vì không “trong sáng, tinh khiết”. Hồi xưa, ông nhà đi vắng, có lần cần ướp sen, tôi quên là đến tháng đã khiến cho mẻ chè hỏng hoàn toàn.
Công đoạn ướp chè sen cầu kỳ
Chính vì đặc điểm đó nên tại Quảng An đa phần đàn ông làm các công đoạn chính của mẻ chè sen. Họ cho gạo vào ướp, sấy chè, sàng sẩy, kiểm tra khi chè thành phẩm, đóng gói chè. Phụ nữ, lao động trẻ chủ yếu làm các phần việc phụ như tách bóc hoa, tách gạo, hái sen…
Một điểm đặc biệt ở làng nghề ướp chè sen Quảng An đó là chè phải ướp từ sen trồng ở Hồ Tây, giống sen bách diệp (trăm cánh) mới tạo ra được loại chè đặc biệt mang hương vị Hà thành.
“Về hình thức, dáng sen này giống với các loài sen khác song có màu hồng với nhiều lớp cánh hơn, hương sen đượm hơn. Tôi còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, khi các ao hồ xung quanh Hồ Tây bị ô nhiễm nặng do hậu quả từ việc thực hiện dự án kè Hồ Tây, dân Quảng An đã phải đi nhiều nơi tìm vùng nguyên liệu về cho làng nghề. Thật đáng tiếc là không có một địa phương nào có giống sen như Tây Hồ. Một số hộ dân đã thử mang giống sen Tây Hồ đi trồng ở một số đồng đất khác tại Đông Anh, Hà Tây, Hà Nam… nhưng không có kết quả vì hương sen kém thơm, bông nhỏ, thưa, chất lượng chè kém. Có thể do thổ nhưỡng ở đây được thiên nhiên ban tặng”, ông Thảo cho hay.
Linh Giang
Nguồn bài viết : AOG Đá Gà