Người A Rem xem rừng sưa như báu vật
Người A Rem được tìm thấy ở trong hang đá từ năm 1956, nhưng vì nhiều lý do mà năm lần, bảy lượt, họ lại quay về hang đá, và chỉ chính thức định cư ở bản 39, xã Thượng Trạch từ năm 1992. Hành trình đưa người A Rem hòa nhập cộng đồng là cả quá trình cam go, nhiều khi cười ra nước mắt.
Chỉ uống rượu sau 5h chiều, không được say
Khi bộ đội biên phòng tìm thấy, tộc người A Rem chỉ có vỏn vẹn 18 nhân khẩu. Những cán bộ cắm bản ngày đó còn nhớ, đã về định cư ở bản rồi, nhưng hễ thấy cán bộ là người A Rem lẩn trốn, họ không muốn tiếp xúc với người ngoài. Đến như Chủ tịch xã Đinh Đu, khi nghe tin Bí thư Tỉnh ủy lên thăm, ông bỏ trốn vào hang đá. Tìm được ông về, hỏi vì sao bỏ trốn, ông nói: “Mình sợ cán bộ to lắm”.
Họ lạ lẫm với tất cả các vật dụng đơn sơ nhất của nông dân thời đó. Cuốc cày cấp cho để làm ruộng, họ để ở góc nhà hoặc tháo ra để sử dụng vào việc khác. Ngay cả nấu cơm, họ cũng không biết. Thậm chí, nhà không ở, họ lại đi đào hang quanh vườn để ở. “Nói thiệt, hồi đó ai cũng muốn về hang thôi, quen rồi mà, nhưng nể cán bộ quá nên phải ở lại, phải đào hầm để đỡ nhớ hang thôi mà”, già làng Đinh Rầu tâm sự.
Người A Rem học cái gì cũng chậm, chỉ có uống rượu là học cực nhanh. Ban đầu, đàn ông con trai học uống rượu, đến phụ nữ, rồi ngay cả trẻ con mới 9-10 tuổi cũng say khướt cả ngày. Bao nhiêu gạo cơm, trâu bò Nhà nước cấp, họ đổi rượu uống hết. Ông Đinh Đu kể: “Uống rượu đoác khó say lắm, nhưng uống rượu người Kinh là đã nhất trên đời. Uống đến mô là biết đến đó, say rồi là quên nhớ hang thôi”.
Bản làng A Rem
Nói chuyện rượu, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Chi bộ xã Tân Trạch nhớ lại: Năm 2010, ông lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, được huyện điều động lên làm Bí thư chi bộ xã Tân Trạch. “Vừa bước chân xuống đầu bản, người dân đã bao vây mời rượu. Họ có trăm ngàn lý do để mời, mình không uống không được. Tuần đầu tiên, tui ngập chìm trong rượu của dân bản. Hết người này đến người khác, họ mang rượu đến tận giường ngủ để mời. Kể cả cán bộ xã, họ uống từ khi bảnh mắt, người cứ xiêu xiêu, vẹo vẹo không chịu làm việc, thậm chí còn trèo lên bàn làm việc nằm ngủ, nhắc nhở thì chỉ cười xòa. Đến Chủ tịch Hội Phụ nữ xã uống rượu say, đánh cả cán bộ biên phòng khi bị nhắc nhở”, ông Sỹ kể.
Ngày đó, cán bộ của xã Sơn Trạch chỉ một mình ông Sỹ là người Kinh, còn lại là người A Rem bản địa. Tiếng là Bí thư chi bộ nhưng ông phải kiêm hầu hết các công việc trong xã. Ông chọn ra những thanh niên trẻ bồi dưỡng vào Đảng rồi đưa đi đào tạo. Họ không chịu, vì “đi xa nhớ vợ lắm”, nếu bắt đi học là sẽ vào hang. Ông thuyết phục mãi, một số người đi học được một thời gian là bỏ về “Trả cái học cho cán bộ Sỹ”, mà nguyên nhân sâu xa là không có rượu để uống, chứ không phải nhớ vợ như cách họ nói.
Một chiến dịch “cải tạo” dân bản được ông lên kế hoạch chi tiết. Nạn rượu chè của dân bản được ông nhắm đến đầu tiên. Một cuộc họp, “bàn” về rượu được tổ chức. Ông Sỹ vừa nhắc đến câu bỏ rượu, dân bản ồ lên phản ứng: “Cái rượu cho ta ấm bụng, cho ta khỏi bị sợ, khỏi bị buồn... Cái rượu nó theo ta suốt đời rồi, bỏ sao được, nghĩ cách khác đi”.
Xe máy của người A Rem vứt dưới nhà sàn vì hết xăng, hoặc bị tháo phụ tùng
Ông Sỹ nói tiếp: “Cấp trên cử cán bộ Sỹ về đây là để cùng dân bản xây dựng đời sống mới. Nhưng nếu dân bản không bỏ rượu, cứ say sưa mãi thế, không chịu làm ăn thì cán bộ Sỹ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, cấp trên kỷ luật cán bộ Sỹ và bắt về xuôi. Nếu thương cán bộ Sỹ, muốn cán bộ Sỹ ở lại với dân bản lâu hơn thì phải bỏ rượu thôi”. Cả hội trường lặng im. Một giải pháp mang tính “thỏa hiệp” được thống nhất. Dân bản không được uống rượu vào buổi sáng, mà phải sau 5 giờ chiều, khi nào có kẻng mới được uống, nhưng cấm say...
Điện thoại, xe máy và báu vật giấu kín
Khác với người già chỉ thích hang đá, sảng khoái khi vào rừng, người trẻ A Rem bây giờ thích nhất là điện thoại di động và xe máy. Họ mê mẩn đến mức bán bò, bán trâu, thậm chí nhịn uống rượu để được sở hữu một chiếc điện thoại có màn hình màu. Cách dùng điện thoại của người A Rem cũng thật đặc biệt, không phải để liên lạc cho nhau mà là để xem phim, nghe nhạc. Một số người dưới xuôi biết được “điểm yếu” này của người A Rem, họ mua những chiếc điện thoại cũ nát, tải thật nhiều nhạc và phim vào, mang lên Tân Trạch kiểu gì cũng đổi được con bò hoặc con trâu mang về.
Để chiếc máy thường xuyên hoạt động, những thanh niên A Rem nghĩ ra cách dùng pin Con Thỏ, nối với nguồn điện thoại. Bao giờ cũng vậy, điện thoại luôn có một sợi dây nối với túi quần, nơi họ bỏ pin Con Thỏ. Điện thoại của người A Rem gần như không lúc nào ngơi nghỉ, lúc nhạc, lúc phim réo rắt suốt ngày. Nếu thanh niên A Rem mà tụ họp nơi đâu, thì ở đó như một dàn hợp xướng lạc phách, lạc nhịp, ai cũng cố mở thật to như để chứng minh “đẳng cấp” của mình.
Đinh Khinh, người cùng chuyến đi với chúng tôi, kể anh là một trong những người đầu tiên dùng điện thoại ở A Rem nhờ bán một con bò mộng. Anh mua điện thoại vì thích phim, nhạc chứ chẳng biết gọi cho ai. Ở bản chỉ cần đi vài bước chân là mất sóng, vào rừng lại càng không, nghe nhạc, xem phim một hồi đâm nghiện. Dùng nhiều nên phải chế pin, đi đâu mà không có điện thoại nheo nhéo bên mình là không chịu được.
Những chiếc xe máy đầu tiên người A Rem sử dụng cách đây 5 năm. Đận đó, sau trận lũ lớn, bỗng dưng con khe cạn ở sát bản dồn về rất nhiều gỗ sưa. Người A Rem khênh về bán, mỗi nhà có được vài chục triệu đồng. Họ thi nhau mua xe máy cũ dưới xuôi, nhưng cũng chẳng biết đi đâu, chỉ chạy loanh quanh trong bản. Từ chỗ có hơn 10 chiếc, giờ chỉ còn một vài chiếc cọc cạch, khói đen mù trời mỗi khi nổ máy. Họ chạy hết dầu, lột biên, xẹp lốp thì vứt dưới nhà sàn. Xe hỏng ít thì lấy phụ tùng của xe hỏng nhiều lắp vào đi tiếp. Xe máy hiện không còn là của riêng, ai có tiền đổ xăng thì cứ lấy đi, hết xăng lại vứt dưới nhà sàn. Chẳng ai có bằng lái.
Trong chuyến đi cùng chúng tôi, trên tay Đinh Kinh có chiếc điện thoại
Trong chuyến vào rừng tìm “người tiền sử”, chúng tôi được già làng Đinh Rầu ưu ái dẫn vào khu rừng bí mật mà người A Rem xem như báu vật của bản làng. Đó là khu rừng sưa chừng 8 ha xanh mướt, trồng đã nhiều năm. Ông Sỹ cho biết, khu rừng sưa này là của đồng chí bí thư chi bộ trước ông trồng cho dân bản. Nay mỗi cây sưa ở đây có giá vài chục đến vài trăm triệu đồng nhưng dân bản không bán, vì nhớ lời dặn của đồng chí bí thư trước. Già làng Đinh Rầu tiếp lời: “Bí thư Bình nói là khi nào dân bản khó khăn lắm thì chặt cành nhánh bán thôi, số cây này sẽ nuôi sống dân bản đến muôn đời sau”.
Ông Sỹ cho biết, ngoài ông ra, chúng tôi là những người may mắn được già làng Đinh Rầu dẫn vào đây. Rừng sưa được dân bản giấu kín, bảo vệ rất nghiêm ngặt, không cho người ngoài biết vì họ sợ mất trộm. Và ông tin rừng sưa này sẽ mang lại cơm no, áo ấm lâu dài cho tộc người A Rem.
Mỗi lần chuyện trò về cuộc sống của người A Rem, ông Phan Văn Gòn, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, cứ nắc nỏm khen hai ông bí thư tăng cường lên xã Tân Trạch. Ông nói, người A Rem được như bây giờ, biết trồng lúa nước, biết tổ chức cuộc sống là nhờ ông Bình, ông Sỹ. Sau đợt tăng cường, ông Bình lâm bệnh qua đời khi tuổi còn trẻ. Ông Sỹ lên thay, đã hết thời gian tăng cường nhưng tình nguyện ở lại vì dân bản không cho về.
Cách dùng điện thoại của người A Rem cũng thật đặc biệt, không phải để liên lạc cho nhau mà là để xem phim, nghe nhạc. Một số người dưới xuôi biết được “điểm yếu” này của người A Rem, họ mua những chiếc điện thoại cũ nát, tải thật nhiều nhạc và phim vào, mang lên Tân Trạch kiểu gì cũng đổi được con bò hoặc con trâu mang về. |
Theo Tiền Phong
Nguồn bài viết : KA Điện Tử