Người thổi âm sắc cho dừa!

2025-01-17 18:50:30

Nghệ nhân Võ Văn Bá bên những sản phẩm nhạc cụ làm từ dừa của mình. Ảnh: Internet

Trong giới đờn ca tài tử Bến Tre, không ai là không biết đến cái tên Võ Văn Bá- người sở hữu bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc làm từ… dừa. Tháng 4/2012, tại Festival Dừa trên quê hương Bến Tre, bộ sưu tập độc đáo này của ông đã được ghi vào Kỷ lục Guiness Việt Nam.

Sinh năm 1942 tại Nhơn Trạch- Bến Tre, nghệ nhân Võ Văn Bá đã “thấm” tiếng đờn dân tộc ngay từ nhỏ. Từ những buổi theo chân bà nội coi hát bội (thuở cải lương chưa phát triển), ông đã bị cuốn hút bởi tiếng đờn Xuân nữ nỉ non, nghe sao mà hay quá, rồi đâm ra mê đờn cò.

Lại có người chú biết đờn ca nên dần dà ông cũng “ham chơi”. Tuy theo nghề điện tử (từng học Trường Kỹ thuật Lê Văn Khương Sài Gòn) nhưng “cái máu đờn ca” luôn lôi kéo ông vào những cuộc giao du khắp chốn.

Ông cho biết chỗ nào mình cũng đã đi tới, từ Tây Nguyên, Lâm Đồng đến Bạc Liêu, Cà Mau… hễ “nghe tiếng” ngón đờn nào là lại tìm đến “chơi” cùng. “Chục năm nay già rồi thì mới đi ít lại. Chứ hồi trước mê chơi lắm, bỏ công ăn việc làm đi vài ngày là chuyện thường”- ông vui vẻ kể.

Mê đờn ca, ông cũng mê luôn việc đóng đờn. Với ông, làm nhạc cụ lại là một “thú chơi” mới. Không dừng lại ở những chất liệu truyền thống (quao, cẩm lai, thông, ngô đồng…), ông nảy ra ý tưởng làm nhạc cụ bằng dừa.

Ông nói: “Gia đình tôi sống ở xứ dừa Bến Tre từ thời ông cha, 4- 5 đời rồi nhìn quanh là thấy dừa, đều sống nhờ cây dừa. Chiến tranh bom đạn cũng dùng cây dừa đắp hầm tránh bom. Nhà cửa dựng bằng dừa; vật dụng tủ giường gì cũng làm bằng dừa… Tôi nhớ ơn cây dừa và muốn làm cái gì để cây dừa Bến Tre sống mãi”.

“So với những loại gỗ khác thì gỗ dừa cứng và giòn hơn, khoảng 37- 38 độ là bị nứt, nên sử dụng làm vật liệu đóng đờn rất khó. Phải rất kiên trì, không được vội vàng, phải thử đi thử lại nhiều lần, thử nhiều cách.

Như ban đầu, tôi làm toàn chất liệu từ thân dừa thì tiếng đờn kêu rất nhỏ. Sau đó, tôi đã thử thay mặt đờn bằng cây quao, chỉ giữ cần đờn và vỏ đờn bằng gỗ dừa thôi thì cho kết quả như ý, âm thanh không chênh lệch mấy với chất liệu thông thường”- ông Võ Văn Bá kể.

Sau khi thành công với các nhạc cụ được chế tác từ gỗ dừa và gáo dừa, ông Bá lại tiến thêm một bước khó hơn là sử dụng vỏ dừa: “Cái này tốn thời gian và công sức hơn nhiều khi phải móc ruột, phơi khô rồi xử lý keo cho cứng lại. Còn phải canh độ dày mỏng của vỏ dừa cho phù hợp với nhạc cụ. Tuy công đoạn làm có vất vả hơn nhưng đây lại là chất liệu bền và cũng không dễ bị nứt như thân dừa nữa...”

Để có được những sản phẩm này, ông Bá cho biết mình đã phải mày mò, thử nghiệm không biết bao nhiêu lần suốt cả năm trời và cũng phải tốn mươi bữa, nửa tháng mới hoàn thiện được một nhạc cụ thủ công.
Hiện nay, ông Bá sở hữu một bộ sưu tập khoảng hơn 40 nhạc cụ đủ loại: kìm, cò, tranh, bầu, sến, guitar, hạ uy di... làm từ thân, gáo và vỏ dừa. Nhưng ông lại không có ý định kinh doanh (dù đơn đặt hàng rất nhiều) mà chỉ làm chơi cho thỏa sở thích và tặng bạn bè.

Cũng với mục tiêu góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Bến Tre của mình nên: “Khi làm đủ 60 nhạc cụ bằng dừa rồi, tôi sẽ tiến tới đóng đờn bằng... tre. Xứ dừa là Bến Tre mà!”- nghệ nhân dân gian Võ Văn Bá hóm hỉnh chia sẻ.

Theo Ngọc Tuyết - VLO

Nguồn bài viết : Lịch thi đấu laliga

Top