Nhà thờ Thánh Basil: sự kết hợp tuyệt đỉnh của kiến trúc tôn giáo và thế tục |
Cung điện Mùa Đông - kiệt tác kiến trúc và lịch sử |
Cung điện Mùa Hè Peterhof. |
Cung điện Mùa Hè Peterhof là chuỗi các cung điện và khu vườn nằm bên bờ vịnh Phần Lan, cách thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga) khoảng 30km về phía Tây. Nơi đây nổi bật với sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc Baroque và phong cách cổ điển. Từ xa, toàn bộ khu phức hợp rộng hơn 800ha hiện ra như một bức tranh tuyệt mỹ với những tòa tháp, mái vòm và mặt tiền được mạ vàng rực rỡ, tỏa sáng dưới ánh mặt trời.
Những chi tiết mạ vàng bên ngoài Cung điện. (Ảnh: Larry Marchak) |
Cung điện Peterhof được mệnh danh là “Thành phố của đài phun nước” là bởi hệ thống Grand Cascade với 64 đài phun nước và 255 bức tượng mạ vàng nằm ở trung tâm cung điện. Nơi đây còn được trang trí bởi các bức phù điêu, bình hoa, tượng cá heo, sư tử… tạo nên không gian độc đáo và nghệ thuật. Có thể coi đây là một trong những đài phun nước xa hoa nhất thế giới.
Grand Cascade có 64 đài phun nước và 255 bức tượng mạ vàng. |
Hàng năm, vào khoảng tháng 5, toàn bộ vòi phun được sử dụng và mở xuyên suốt mùa hè. Tất cả các đài phun nước của Peterhof hoạt động không cần máy bơm. Nước được cung cấp bởi trọng lực từ dòng suối Rospha, cách cung điện lên đến 22km. Hàng trăm tia nước từ các tượng thần Hy Lạp cổ đại phun lên cao tạo thành những cột nước trắng xóa, sau đó chảy dọc xuống 7 bậc cầu thang làm tăng thêm vẻ đẹp lộng lẫy và trang nghiêm.
Bức tượng Samson - nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh với sức mạnh phi thường được đặt nổi bật ở trung tâm Grand Cascade với cột nước cao nhất lên tới 20m. Theo tư liệu ghi lại, tượng Samson đang dũng mãnh xé miệng sư tử tượng trưng cho chiến thắng của Peter Đại đế trước Thụy Điển trong trận Poltava năm 1709.
Bức tượng Samson xé miệng sư tử được đặt ở trung tâm của Grand Cascade. |
Ngoài Grand Cascade, khu vực Vườn Thượng và Vườn Hạ trong khuôn viên Cung điện Mùa Hè cũng được trang trí bởi các đài phun nước và tác phẩm điêu khắc. Trong vườn có các đài phun nước cracker - trò giải trí yêu thích của giới quý tộc trong thế kỷ 18. Những đài phun nước này được ngụy trang thành cụm hoa, cây cối và sẽ đột nhiên "sống dậy", nhẹ nhàng phun nước vào người qua đường. Nếu du khách muốn thư giãn và ngồi trên ghế đá công viên, hãy đón chờ một sự ngạc nhiên: băng ghế cũng có thể là đài phun nước.
Những cụm hoa, cây cối, ghế đá… trong khu vườn đều có thể là đài phun nước. (Ảnh: Larry Marchak) |
Phía sau khu vực đài phun nước là Grand Place (Cung điện Hoàng gia) - trung tâm của toàn bộ quần thể Peterhof. Grand Place có hai tầng, với 14 phòng, 2 bếp và 2 hành lang bên trong. Phòng của Hoàng đế Peter I nằm ở tầng trệt, trong khi tầng trên dành cho Hoàng hậu Catherine, vợ của ông.
Mỗi phòng mang một phong cách và chủ đề riêng biệt. Những vật liệu quý giá như đá cẩm thạch, đá hoa cương từ Ý, hay gỗ hiếm từ các khu rừng của Nga được sử dụng trong trang trí nội thất.
Nội thất của Cung điện mùa hè Peterhof mang sắc màu hoàng gia sang trọng. (Ảnh: peterhofmuseum.ru) |
Những phòng nghi lễ như Phòng Ngai vàng và Phòng Khánh tiết được trang hoàng lộng lẫy với tường và trần nhà phủ lụa cao cấp, tô điểm bởi những họa tiết chạm khắc và dát vàng tinh xảo. Phòng Chesma, nổi bật nhất cung điện, được thiết kế để kỷ niệm chiến thắng của Nga trong trận Chesma năm 1770, khi hải quân Nga đánh bại hạm đội Ottoman trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ (1768-1774). Nhiều bức tranh mô tả chi tiết diễn biến trận chiến được trưng bày trở thành biểu tượng của sức mạnh và vinh quang Đế quốc Nga thế kỷ 18.
Phòng Chesma trưng bày nhiều bức tranh mô tả chiến thắng lừng lẫy của Nga trong trận Chesma năm 1770. (Ảnh: saint-petersburg.com) |
Phòng Hổ phách là một thư viện khổng lồ chứa nhiều sách và vật phẩm được sưu tầm bởi Hoàng đế Peter I. Nổi bật là bộ sưu tập giải phẫu của nhà khoa học Hà Lan Frederik Ruysch - bộ sưu tập nổi tiếng nhất về giải phẫu thời kỳ đó. Những bức tranh mô tả chi tiết về cuộc sống và cái chết, cùng hàng trăm mẫu vật được bảo quản giữ lại màu sắc gần như nguyên vẹn vẫn còn được trưng bày cho đến ngày nay.
Vẻ đẹp và sự xa hoa của Grand Place đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật như bức tranh "Cung điện Mùa Hè" vào năm 1846 của họa sĩ người Đức Carl Timoleon von Neff; bức tranh "Cung điện Mùa Hè tại Tsarskoye Selo" vào năm 1920 của họa sĩ và nhà văn Nga Konstantin Yuon…
Tranh vẽ Cung điện mùa hè Peterhof vào thế kỷ 18, tác phẩm của một họa sĩ vô danh. (Ảnh: rusmuseumvrm.ru) |
Hiện Grand Place được sử dụng như một bảo tàng lịch sử và nghệ thuật thu hút khách du lịch. Để bảo vệ, duy trì sự toàn vẹn của các tác phẩm nghệ thuật quý giá và không gian hoàng gia, du khách không được chụp ảnh và quay video phía trong cung điện. Điều này cũng giúp du khách tập trung tận hưởng một trải nghiệm trực tiếp và độc đáo.
Hiện Grand Place được sử dụng như một bảo tàng lịch sử và nghệ thuật. (Ảnh: peterhofmuseum.ru) |
Ý tưởng về một cung điện nghỉ dưỡng vào mùa hè sang trọng ở ngoại ô, không thua kém Cung điện Versailles của Pháp, được Hoàng đế Peter I (1672-1725) nảy sinh vào năm 1714. Những tài liệu lịch sử cho thấy chính Peter I đã đóng vai trò là kiến trúc sư đầu tiên của Peterhof. Ông mong muốn thể hiện toàn bộ sức mạnh của đất nước thông qua một công trình tráng lệ, tạo nên quần thể dinh thự không chỉ hoành tráng mà còn đầy mê hoặc và tuyệt mỹ.
Do chỉ được sử dụng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, các bức tường của công trình được xây dựng mỏng và cửa sổ chỉ có một lớp kính để phù hợp với khí hậu mùa hè. Đặc biệt, hệ thống quạt gió của cung điện được đặt hàng từ Dresden (Đức), hoạt động nhờ một động cơ gió, đi kèm với bảng điều khiển hiển thị hướng và tốc độ gió. Ngoài ra, cung điện còn sở hữu các tầng ngầm với hệ thống thoát nước và chống thấm, bảo vệ công trình khỏi sự ăn mòn của khí hậu vùng vịnh Phần Lan.
Hoa tulip nở rộ phía trước Cung điện Mùa Hè. (Ảnh: AT Travel) |
Peter Đại đế cũng chú tâm vào việc xây dựng những khu vườn xung quanh cung điện. Rất nhiều đất đai màu mỡ đã được đưa đến đây. Hoa tulip, hoa hồng, cây bách tùng… được nhập khẩu từ các vườn hoa nổi tiếng ở châu Âu. Một số loài thực vật quý từ các vùng xa xôi như Siberia, Crimea và vùng Kavkaz cũng được mang về Peterhof. Những khu vườn rộng lớn với nhiều cây xanh cùng hàng loạt đài phun nước được xây dựng không chỉ để trang trí, mà còn đóng vai trò làm mát tự nhiên.
Ngoài ra, để phục vụ cho việc di chuyển của hoàng gia và khách quý, một kênh đào từ vịnh Phần Lan đã được xây dựng, cho phép tàu biển có thể vào tận cổng chính lâu đài. Lễ khai trương Cung điện Mùa Hè Peterhof đã diễn ra vào tháng 8/1723.
Những vị Sa hoàng kế vị đều coi việc tiếp tục xây dựng và cải tạo Peterhof là nhiệm vụ của mình, mỗi người lại thêm vào đó nét riêng biệt của thời đại. Đến thời Nữ hoàng Elizabeth, từ năm 1745 đến 1755, kiến trúc sư nổi tiếng Francesco Rastrelli đã tiến hành tái thiết và mở rộng quy mô cung điện. Mặc dù tăng đáng kể kích thước tòa nhà, ông vẫn giữ lại nét kiến trúc độc đáo từ thời Peter I, tạo nên một cung điện trải dài 268m, với mặt tiền nhìn ra vịnh Phần Lan đầy lộng lẫy, uy nghi.
Peterhof không chỉ chứng kiến những thời kỳ thịnh vượng mà còn phải trải qua nhiều biến động lịch sử. Cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ quân chủ Nga và sự thiết lập của chính quyền Bolshevik. Việc chính phủ mới tuyên bố các tài sản Hoàng gia, bao gồm Cung điện Peterhof là tài sản quốc gia đem đến nhiều thay đổi quan trọng trong việc quản lý và sử dụng cung điện này.
Năm 1918, Peterhof mở cửa lần đầu tiên cho công chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân. Đây là sự kiện mang tính biểu tượng, phản ánh sự thay đổi sâu rộng trong xã hội và nền chính trị của Nga. Những gian phòng huy hoàng của cung điện, vốn chỉ dành cho giới quý tộc và hoàng gia trước đây, giờ đây đã trở thành một điểm tham quan dành cho mọi tầng lớp nhân dân.
Trong Thế chiến II, cung điện bị phá hủy nặng nề bởi quân đội Đức Quốc xã. Vườn Thượng và Vườn Hạ bị gài mìn, một số gian cung điện và lâu đài bị nổ và cháy. Cung điện trung tâm gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi bom và đạn pháo. Hệ thống đài phun nước cũng bị tổn hại nặng nề.
Cung điện bị phá hủy nặng nề bởi quân đội Đức Quốc xã trong Thế chiến II. |
Sau khi Peterhof được giải phóng vào năm 1944, công việc sửa chữa ngay lập tức bắt đầu và kéo dài khoảng 30 năm. Chỉ đến năm 1973, vẻ ban đầu mới được trả lại cho cung điện và quần thể công viên, duy trì vị thế biểu tượng văn hóa quan trọng của đất nước. Năm 1990, Cung điện Mùa Hè Peterhof được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Đến nay, nhiều cải tạo đã được thực hiện như mở rộng quán cà phê, cửa hàng lưu niệm, các tuyến đường đi bộ thuận tiện, đặt biển báo chỉ dẫn… để du khách có thể tham quan dễ dàng. Hàng năm, tại Peterhof diễn ra nhiều lễ hội lớn như Lễ hội "Ngày của Peterhof"; Lễ hội "Vườn và Đài phun nước"; Lễ hội Âm nhạc Peterhof… cùng các buổi triển lãm nghệ thuật và sự kiện lịch sử, thu hút đông đảo khách tham quan.
Nỗ lực bảo tồn và quản lý di sảnDù là một trong những địa điểm thu hút hơn 4 triệu lượt du khách tham quan mỗi năm, Peterhof vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Khí hậu khắc nghiệt của Nga với mùa đông lạnh giá và ẩm ướt khiến các vật liệu xây dựng như đá, gỗ, và kim loại dễ bị hư hại. Những biến đổi lớn về nhiệt độ giữa các mùa cũng gây ra hiện tượng giãn nở và co lại của các cấu trúc, dẫn đến các vết nứt và hỏng hóc theo thời gian. Độ ẩm cao từ các đài phun nước cũng làm gia tăng nguy cơ nấm mốc và rêu phát triển, làm hỏng các công trình kiến trúc và chi tiết trang trí. Bên cạnh đó, Peterhof còn gặp khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển du lịch bền vững. Các khu vườn rộng lớn tại Peterhof không chỉ là những công trình nghệ thuật mà còn là môi trường sống cho nhiều loài động thực vật. Sự can thiệp của con người, đặc biệt là trong mùa cao điểm du lịch, có thể làm giảm chất lượng môi trường sống tự nhiên của chúng. Việc kiểm soát dòng khách du lịch là một thách thức lớn đối với ban quản lý, vì không chỉ cần đảm bảo an toàn cho du khách mà còn phải bảo vệ các di sản lịch sử khỏi bị hư hại.
Ông Roman Kovrikov, Tổng Giám đốc Bảo tàng Peterhof cho biết, chính quyền địa phương và ban quản lý cung điện đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục vấn đề này thông qua những dự án trùng tu quy mô lớn. Trong đó, tập trung vào việc sử dụng các vật liệu xây dựng bền vững và những kỹ thuật tiên tiến như: sử dụng vật liệu composite để gia cố các cấu trúc gỗ; sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo các chi tiết trang trí phức tạp; sử dụng kỹ thuật thủy lực hiện đại để cải thiện khả năng thoát nước... Đối với tình trạng du khách đông đúc trong mùa cao điểm, các biện pháp kiểm soát lượng khách đã được triển khai, bao gồm giới hạn số lượng khách tham quan trong một khoảng thời gian nhất định và thiết lập các tuyến tham quan có kiểm soát.
Theo ông Roman Kovrikov, việc bảo tồn hệ sinh thái tại các khu vườn rộng lớn của Peterhof cũng được coi trọng. Từ năm 2020-2024, Peterhof đã thực hiện dự án tái tạo các loài cây và hoa theo thiết kế gốc từ thế kỷ 18. Những nỗ lực này không chỉ giúp duy trì cảnh quan lịch sử mà còn đảm bảo môi trường sống cho đa dạng sinh học tại đây. Cây cối được trồng lại cũng cung cấp nơi ở cho các loài động vật nhỏ khác như sóc, thỏ và các loài côn trùng có ích, góp phần vào chuỗi thức ăn tự nhiên trong khu vườn. Song song với các biện pháp bảo tồn, việc giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di sản cũng là một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ Peterhof. Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục, triển lãm và hoạt động cộng đồng nhằm khuyến khích du khách và người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc gìn giữ các giá trị văn hóa và lịch sử của cung điện này. |
Cung điện Mùa Đông - kiệt tác kiến trúc và lịch sử Nằm giữa lòng thành phố Saint Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga, Cung điện Mùa Đông không chỉ là một kiệt tác kiến trúc mà còn là biểu tượng quyền lực và sự thịnh vượng của đế chế Nga. |
Nhà thờ Thánh Basil: sự kết hợp tuyệt đỉnh của kiến trúc tôn giáo và thế tục Tọa lạc tại trung tâm Quảng trường Đỏ ở Moskva, Nhà thờ Thánh Basil nổi bật như một tòa lâu đài huyền bí và rực rỡ. Nguyên nhân hấp dẫn hàng triệu du khách mỗi năm có lẽ là sự kết hợp tuyệt đỉnh của kiến trúc tôn giáo và nghệ thuật đời sống cực kỳ hài hòa và sâu sắc. |
Nguồn bài viết : Thể thao