Đa số địa phương hoàn thành công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND | Vietnam+ (VietnamPlus)

2025-01-21 17:40:57
Cụ Đoàn Thị Thuận ở phố Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội, bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Thực hiện quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, Ủy ban Bầu cử 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã thực hiện thông báo đánh giá sơ bộ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.

Tiến trình công bố và xác nhận kết quả bầu cử

Điều 86 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định: "Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử. Ủy ban Bầu cử căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử."

Như vậy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào Chủ Nhật ngày 23/5/2021, chậm nhất là ngày 2/6/2021, Ủy ban Bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chậm nhất ngày 12/6/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Để xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Điều 88 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định, căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.

Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Bầu cử tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên.

Hầu hết các địa phương bầu đủ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Thống kê sơ bộ kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố, hầu hết các địa phương trên cả nước đã bầu đủ theo số lượng được ấn định.

Có 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không bầu đủ số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố theo số lượng được bầu, đó là: An Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh. Các tỉnh/thành phố này đều bầu thiếu 1 đại biểu so với số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố được bầu.

[Tổng hợp kết quả bầu cử chính xác để công bố danh sách trúng cử]

Cũng theo báo cáo của các Ủy ban Bầu cử các tỉnh/thành phố, mặc dù không xảy ra trường hợp phải bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng còn có một số nơi phải tổ chức bầu cử lại và bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện.

Cụ thể, bầu cử thêm diễn ra: tại Bắc Ninh, 11 tổ bầu cử thuộc 9 xã ở các huyện Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành tổ chức bầu thêm 19 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. Việc bầu cử đã hoàn tất vào ngày 30/5.

Tại Thái Bình, phải bầu thêm 5 đại biểu Hội đồng nhân dân xã An Hiệp (huyện Quỳnh Phụ), xã Việt Hùng (huyện Vũ Thư) và xã Hà Giang (huyện Đông Hưng) vào ngày 6/6.

Tại Nam Định, toàn tỉnh có 18 đơn vị bầu cử phải tổ chức bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã do bầu chưa đủ số lượng đại biểu được ấn định.

Tại Kiên Giang, có 5 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng; xã Đông Thái, huyện An Biên) và 1 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện (huyện Kiên Hải) không đủ 2/3 số lượng đại biểu được ấn định nên phải tổ chức bầu cử thêm vào ngày 6/6.

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Bình Phước, đơn vị bầu cử số 5 xã Long Tân (huyện Phú Riềng) bầu thêm đại biểu Hội đồng nhân dân xã theo luật định.

Tại Quảng Nam, huyện Thăng Bình và huyện Tiên Phước mỗi huyện phải bầu thêm 1 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện. Còn với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, toàn tỉnh phải bầu thêm 34 đại biểu.

Việc tổ chức bầu cử thêm được thực hiện theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, trong cuộc bầu cử đầu tiên tại một đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, nếu số người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó thì Ban bầu cử đại biểu Quốc hội phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm đại biểu Quốc hội khóa XV ở đơn vị bầu cử đó.

Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Huỳnh Quang Hưng bỏ phiếu bầu cử tại Khu vực bỏ phiếu số 13, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong cuộc bầu cử đầu tiên tại một đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp đó nhiệm kỳ 2021-2026 chưa đủ hai phần ba số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử này thì Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp tương ứng phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban Bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó. Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.

Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai. Đơn vị bầu cử đó được xác định là đơn vị bầu cử thiếu đại biểu (tức là sau khi đã tổ chức bầu cử thêm mà vẫn không bầu được đủ số đại biểu đã được ấn định cho đơn vị bầu cử đó). Danh sách cử tri của cuộc bầu cử thêm được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên.

Một số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của Hà Nội và Đắk Lắk sẽ tiến hành bầu cử lại vào ngày 6/6/2021.

Theo đó, tại Hà Nội, do có vi phạm trong công tác bầu cử, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã số 4, xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) và đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã số 4, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) phải tổ chức bầu cử lại. Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Bầu cử huyện Phú Xuyên và Ủy ban Bầu cử huyện Mê Linh chỉ đạo tổ chức thực hiện việc bầu cử lại tại 2 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nêu trên bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Đắk Lắk có 3 đơn vị bầu cử (số 9, 10, 11 xã Cư San, huyện M’Đrắk) phải tổ chức bầu cử lại đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 vì có dưới 50% tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu.

Theo quy định, bầu cử lại là việc bầu cử được thực hiện ở các đơn vị bầu cử mà tại cuộc bầu cử đầu tiên, số cử tri đi bỏ phiếu tại đơn vị bầu cử chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri hoặc việc bầu cử được thực hiện ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong cuộc bầu cử đầu tiên và kết quả bầu cử bị hủy bỏ theo quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Trong trường hợp bầu cử lại thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử lại, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai. Danh sách cử tri của cuộc bầu cử lại được lập theo danh sách cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : DB Trực Tuyến

Top