Tình cảm ấm áp của người nhạc sĩ Lào luôn dành tình yêu đặc biệt cho Bác Hồ |
Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) tổ chức dâng hương tại Bia tượng niệm thanh niên xung phong Việt Nam – Lào |
27 năm bên các anh hùng liệt sĩ
Sau nhiều sự giúp đỡ, tôi cũng có được số điện thoại của ông Phạm Văn Nguyễn, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) - nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Lào và liệt sĩ nước bạn Lào.
Qua điện thoại, với giọng chậm rãi, người đàn ông 55 tuổi này cho biết đã có 27 năm gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm. Năm 1995, ông về tiếp quản nghĩa trang. Nghĩa trang ngày ấy có tường rào thấp, trẻ chăn trâu thường vào ngắt hoa, bẻ cành. Cây cối mọc rậm rạp, ông Nguyễn dồn sức làm cỏ, phát quang bụi rậm, trồng hoa. Không có máy cắt cỏ, ông dùng liềm phát, được đằng trước thì đằng sau cỏ đã mọc xanh. Chưa có nguồn nước giếng khoan trong nghĩa trang, ông phải múc nước từ bên ngoài mang vào tưới cho những luống hoa mới trồng.
Ông Phạm Văn Nguyễn đã gắn bó với Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm 27 năm. (Ảnh: Phạm Nguyễn). |
Nhà ở sát cổng nhưng ông Nguyễn hầu như ăn ngủ ngay tại nghĩa trang. Gắn bó mấy chục năm với nghĩa trang, ông nằm lòng tên tuổi liệt sĩ trên các bia mộ. Mỗi khi gia đình thân nhân liệt sĩ đến thắp hương, nhắc tên, địa chỉ liệt sĩ là ông Nguyễn có thể nói ngay liệt sĩ đó có ở nghĩa trang này không, nằm ở khu vực nào. Thậm chí, ông còn nhớ cả mặt một số thân nhân liệt sĩ.
Dù chỉ nhận mức thù lao 1,7 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn vẫn tự nhủ sẽ gắn bó với công việc này cho đến khi không còn đủ sức khỏe nữa. "Tôi làm việc không phải vì tiền công hay đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi chỉ muốn chăm sóc cho hương hồn các liệt sĩ. Từ ngày làm ở đây, các chú, các bác luôn phù hộ cho tôi khỏe mạnh", ông Nguyễn nói.
Vinh dự được nối tiếp công việc thiêng liêng
Gắn bó hơn 10 năm với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9 (thành phố Đông Hà, Quảng Trị), anh Nguyễn Thế Lâm (34 tuổi) luôn coi công việc quản trang là một cơ duyên tiếp nối từ người cha. Ông Nguyễn Văn Anh, cha đẻ của anh, từng có nhiều năm tham gia quân ngũ. Năm 1983, ông Nguyễn Văn Anh giải ngũ và chuyển ngành về công tác tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị). Đến năm 2016, ông nghỉ hưu sau hơn 30 năm gắn bó với công việc quản trang.
Nhà có ba anh em nhưng chỉ mình anh Lâm nối nghiệp cha. Lý giải về cơ duyên gắn bó với nghề của cha, anh Nguyễn Thế Lâm tâm sự: "Thuở nhỏ, tôi thường theo cha đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và được nghe những câu chuyện xúc động, thiêng liêng ở đây. Tôi được chứng kiến cha đón tiếp và giúp đỡ nhiều thân nhân tìm mộ liệt sĩ. Đó là một công việc thật ý nghĩa. Khi lớn lên, tôi càng thấm thía về sự thiêng liêng của việc chăm sóc phần mộ các liệt sĩ nên quyết định theo nghề".
Anh Nguyễn Thế Lâm nối nghiệp cha chăm sóc các hương hồn liệt sĩ (Ảnh: Phạm Nguyễn). |
Anh Lâm nhớ lại, giai đoạn mới vào nghề từ 2012-2013, thời điểm dịch vụ tìm mộ bằng ngoại cảm phát triển, nạn trộm mộ rất nhiều. Anh cùng anh em trong ban quản trang phải phân nhau trực đêm trong nghĩa trang, thậm chí túc trực bên cạnh mộ để canh giữ.
"Lúc ấy tôi cũng sợ lắm, nhưng rồi nghĩ đây là những người đã hy sinh vì đất nước khi tuổi đời còn rất trẻ, các chú, các bác sẽ phù hộ cho mình. Nghĩ thế nên tôi không còn thấy có thêm động lực làm việc", anh Lâm cho biết.
Cũng nối nghiệp cha, anh Trần Ngọc Sơn (42 tuổi) gắn bó với nghề quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) từ năm 2006. Cha anh Sơn làm quản trang tại Nghĩa trang Tông Khao từ khi nghĩa trang bắt đầu thành lập (năm 1982), nay ông đã qua đời.
Nghĩa trang Tông Khao là nơi an nghỉ của gần 3.000 liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Lào. Hàng năm nghĩa trang vẫn có 1-2 đợt đón hài cốt liệt sĩ quy tập. Mỗi lần như vậy, anh Sơn luôn thấy xúc động. "Nhiều liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, chưa nói hài cốt còn nguyên vẹn hay không. Khi về với đất mẹ, các anh chỉ còn là những nắm xương. Mỗi đợt quy tập như vậy, chúng tôi cúng cơm ngày 3 bữa cho các anh và chờ đến ngày đưa các anh ra nghĩa trang", anh Sơn kể.
Trước đây, nhà anh Sơn ở sát nghĩa trang, các gia đình thân nhân liệt sĩ đến thắp hương thường ở nhà anh. Họ mượn gia đình anh chuẩn bị cơm nước thắp hương cho các liệt sĩ.
“Nhà tôi” và số điện thoại “không ngủ”
Với anh Nguyễn Văn Ngọc, 43 tuổi, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), nơi làm việc còn được gọi bằng từ thân thương: “Nhà tôi”.
Số lượng mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào rất lớn nhưng chỉ có 7 quản trang làm việc. Điều này khiến khối lượng công việc của các anh chị rất lớn. Ngoài việc quét dọn, cắt tỉa cây cối, làm sạch bia mộ, thắp hương hàng ngày, các quản trang còn thực hiện việc tiếp đón, làm lễ viếng. Các anh chị đồng thời kiêm "hướng dẫn viên du lịch" khi thân nhân gia đình liệt sĩ, các đoàn tới thăm viếng.
Đặc biệt, ban quản lý nghĩa trang sáng tạo trong việc lưu trữ hồ sơ liệt sĩ, giúp thân nhân kết nối các đơn vị quy tập, đơn vị của các liệt sĩ từng công tác trước khi hy sinh, từ đó giúp gia đình khoanh vùng số mộ liệt sĩ, đối chiếu ADN.
Cũng bởi công việc đặc biệt này nên điện thoại của anh Nguyễn Văn Ngọc hầu như không tắt máy. Anh kết nối số điện thoại cá nhân trên trang website chính thức của nghĩa trang để có thể liên tục hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sĩ mọi miền Tổ quốc.
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (Ảnh: Anh Sơn). |
Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của nhiều gia đình khi đi tìm mộ liệt sĩ, anh Ngọc thường khuyên các gia đình thân nhân liệt sĩ ở xa rằng, khi thông tin chưa chính xác thì không nhất thiết phải lặn lội đến nghĩa trang. Mọi thông tin kết nối đều có thể liên lạc với anh qua Zalo, Facebook.
Trong kế hoạch mở rộng Nghĩa trang, anh Ngọc đề xuất xây dựng nhà ăn, phòng nghỉ cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Đề xuất này xuất phát từ việc anh Ngọc chứng kiến cảnh vất vả của các gia đình đến thăm mộ liệt sĩ.
"Có gia đình góp tiền thuê xe, cơm bụi tạm bợ hoặc mang bánh mỳ theo. Chỗ nghỉ không có nên thắp hương cho liệt sĩ xong, họ thường phải ngồi dưới các gốc cây, ghế đá kể cả nắng mưa.
Tôi chứng kiến một phụ nữ từ Phú Thọ vào cất bốc hài cốt liệt sĩ. Mẹ cô ấy đã mất, anh em thì nghèo, không góp được tiền. Cô ấy phải vay 25 triệu đồng để chi phí cho chuyến đi, trong đó tiền thuê xe đã tốn 6 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ của Nhà nước để đưa hài cốt liệt sĩ về chỉ gần 5 triệu đồng. Chi phí nhà nghỉ ở gần khu nghĩa trang cũng rất đắt", anh Ngọc kể.
Trước tình trạng này, anh đề xuất với lãnh đạo huyện, muốn xây dựng nghĩa trang thành một điểm đến trang trọng, lịch sự, văn minh thì phải chấm dứt tình trạng nâng giá cao và chú trọng thái độ phục vụ của hệ thống dịch vụ bản địa. Những đề xuất này đã được huyện Anh Sơn tiếp thu và thời gian qua, giá cả quán ăn, nhà trọ quanh nghĩa trang đã được quản lý tốt.
Đến Khua Lao tìm hương vị Lào |
Quan hệ Việt Lào: Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long |