HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH

2025-01-15 19:13:13

Từ ngày 2-13/12, tại Cung điện Hòa bình ở thành phố La Haye (Hà Lan), Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã tổ chức phiên trình bày trực tiếp để lắng nghe quan điểm của các quốc gia và tổ chức quốc tế về trách nhiệm quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, đoàn đại biểu Việt Nam do ông Nguyễn Đăng Thắng - Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) - dẫn đầu.

Tham gia đoàn có Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, ứng cử viên vị trí Thẩm phán Tòa án Luật Biển quốc tế nhiệm kỳ 2026-2035 và Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam.

Ngày 12/12, đại diện Việt Nam đã trình bày quan điểm trước ICJ, nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia trong việc chống biến đổi khí hậu, dựa trên các điều ước quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, phát biểu tại phiên trình bày. (Ảnh : TTXVN phát)

Việt Nam khẳng định các quốc gia có nghĩa vụ ngăn ngừa tổn hại đáng kể đến hệ thống khí hậu, hợp tác quốc tế và tuân thủ nguyên tắc "trách nhiệm chung nhưng khác biệt" trong việc xác định nghĩa vụ các quốc gia.

Việt Nam nhấn mạnh rằng mọi quốc gia đều có trách nhiệm chung trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trách nhiệm này cần tính đến sự khác biệt về lịch sử phát thải và năng lực quốc gia.

Các nước phát triển - những quốc gia phát thải lớn - cần ngừng các hành vi gây thiệt hại, đồng thời chịu trách nhiệm khắc phục tổn thất đã gây ra.

Đại diện Việt Nam cũng đề xuất các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là các nước đang phát triển, cần được tham vấn để xác định nhu cầu và triển khai các biện pháp khắc phục.

Những nỗ lực này bao gồm hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ nhằm phục hồi môi trường và tăng cường khả năng thích ứng.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, phát biểu tại phiên trình bày. (Ảnh : TTXVN phát)

Việt Nam thuộc Nhóm nòng cốt gồm 18 quốc gia do Vanuatu khởi xướng, thúc đẩy việc thông qua Nghị quyết 77/276 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 29/3/2023.

Nghị quyết này đề nghị ICJ đưa ra ý kiến tư vấn về nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu và hệ quả pháp lý của việc không hành động.

Việt Nam đã phối hợp với Vanuatu và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức hội thảo, xây dựng lập luận để hỗ trợ khu vực trong tiến trình trước ICJ. Trước phiên trình bày, Việt Nam đã nộp Đệ trình quốc gia và Bình luận bằng văn bản để thể hiện quan điểm chính thức.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia đầy đủ các thủ tục trong tiến trình xin ý kiến tư vấn của ICJ, khẳng định sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập pháp lý đa phương.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên trình bày. (Ảnh : TTXVN phát)

Theo Ban Thư ký ICJ, đây là vụ việc có quy mô lớn nhất trong lịch sử tòa này, với hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế nộp bản Đệ trình quốc gia, cùng hơn 100 bên tham gia phiên trình bày. Điều này phản ánh kỳ vọng cao vào vai trò của ICJ trong nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, Đoàn Việt Nam cũng đã có các cuộc làm việc với Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và Học viện Luật pháp quốc tế La Haye về các hoạt động hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực pháp lý quốc tế cho Việt Nam./.

ICJ bắt đầu phiên điều trần lớn nhất trong lịch sử

Phiên điều trần sẽ kéo dài 2 tuần nhằm thiết lập các hướng dẫn pháp lý về cách các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và giúp những nước dễ bị tổn thương tăng cường năng lực chống đỡ.

(TTXVN/Vietnam+)
Top