Hà Giang: Tăng cường bảo vệ trẻ vị thành niên và thanh niên khỏi bạo lực trên cơ sở giới và tảo hôn

2025-01-17 18:50:25
Hỗ trợ trẻ em và thanh niên Hà Giang trong học tập, tạo sinh kế
Dự án Em Vui - giúp thanh thiếu niên dân tộc thiểu số nhận diện về mua bán người và tảo hôn
Hội thảo khởi động 2 dự án “Trẻ em gái vị thành niên được học tập và được bảo vệ khỏi bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19” và “Bảo vệ trẻ vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi 11-24 tại địa bàn tỉnh Hà Giang (Ảnh: Plan International Vietnam).

Dự án “Trẻ em gái vị thành niên được học tập và được bảo vệ khỏi bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19” và “Bảo vệ trẻ vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi 11 - 24 tại Hà Giang hướng tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo thông tin khảo sát của tổ chức Plan International thực hiện năm 2020 tại tỉnh Hà Giang cho thấy, trong và sau đại dịch COVID-19, trẻ vị thành niên dân tộc thiểu số (DTTS) gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục và các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc - qua đó càng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.

Nghiên cứu của Plan International Việt Nam thực hiện tại Hà Giang năm 2022 cũng cho thấy trong và sau sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn vẫn đang ngày càng gia tăng, đây vẫn đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn tại tỉnh Hà Giang, cùng với đó là số lượng những vụ bạo hành trẻ em và thanh niên DTTS.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Mao Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang - cho biết: “Trong những năm gần đây quyền trẻ em, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em ngày càng được các cấp chính quyền từ TW đến địa phương quan tâm. Tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn còn các em nhỏ đang phải sống mất an toàn và thiếu lành mạnh, vẫn còn phải đối diện với nguy cơ, hiểm họa như bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, xâm hại tình dục trẻ em, tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống".

Theo ông Đặng Quốc Việt - Quản lý chương trình từ Văn phòng Plan International Quốc gia, mục tiêu chương trình 5 năm giai đoạn 2021-2026 của Plan tại Việt Nam là “Trẻ em gái Việt Nam là nhân tổ chính của sự thay đổi trong việc thực hiện các quyền của mình”. "Tổ chức Plan International tại Việt Nam luôn đồng hành cùng cơ quan hữu quan các cấp từ trung ương đến địa phương, các tổ chức đối tác, trẻ em, gia đình và cộng đồng - hướng tới mục tiêu hỗ trợ 2 triệu em gái có thể học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển", ông Đặng Quốc Việt nói.

Tại lễ khởi động, các đại biểu tham dự đã chia sẻ tham luận về thực trạng bảo vệ trẻ vị thành niên và thanh niên DTTS tại tỉnh Hà Giang, lên kế hoạch hoạt động cụ thể của hai dự án và thảo luận phương pháp triển khai hoạt động ở từng đơn vị đối tác cụ thể cũng như vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, ông Lâm Thế Hùng nhấn mạnh: “Tổ chức Plan, như thường lệ đã chọn rất đúng và rất trúng những chủ đề mấu chốt khi xây dựng dự án. Nội dung 02 dự án rất phù hợp với điều kiện thực tiễn và điều kiện thực tế trong thời gian thực tại tỉnh Hà Giang".

Dự án “Trẻ em gái vị thành niên được học tập và được bảo vệ khỏi bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19” thực hiện trong 2 năm từ 2023 đến 2025 tại hai huyện Mèo Vạc, Yên Minh của tỉnh Hà Giang với sự tài trợ của Tập đoàn Beiersdorf thông qua Văn phòng Plan International Đức.

Dự án “Bảo vệ trẻ vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi 11 - 24 tại Hà Giang, hướng tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” được thực hiện trong 3 năm, từ 2023 đến 2026, tại hai huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang với sự tài trợ của Công ty TNHH Uniqlo thông qua Văn phòng Plan International Nhật Bản.

“Siết” nội dung mạng xã hội nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Tăng cường hợp tác giữa Đoàn thanh niên TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc)

Nguồn bài viết : Imperial Havana Club Nha Trang

Top