Người đàn bà "thép" chia sẻ bí quyết trở thành 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 Gia đình có hạnh phúc khi phụ nữ là “trụ cột”? 8/3: Bàn về nữ quyền thời 4.0 |
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Sáng lập, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển POMath. |
Có lẽ cách đây 17 năm, khi còn là cô sinh viên trẻ ngồi trên ghế giảng đường đại học, PGS.TS Chu Cẩm Thơ chẳng thể nghĩ những đam mê ấp ủ cải tiến việc dạy toán của mình lại là tiền đề để chị trở thành 1 trong 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes Việt Nam bình chọn.
Lựa chọn nhân vật phỏng vấn là PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Sáng lập, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển POMath (phương pháp học toán trải nghiệm), tôi cứ nghĩ về một buổi nói chuyện khô khan thuần toán học. Nhưng rồi mọi thứ diễn ra hoàn toàn khác.
Cảm xúc và đam mê là hai điều vô hình xuyên suốt buổi trò chuyện. Dù đã chinh phục học hàm cao nhất, gây dựng và phát triển thành công phương pháp học toán trải nghiệm, PGS.TS Chu Cẩm Thơ dường như chưa dừng lại ở đó. Công thức hạnh phúc của chị nằm ở việc “dấn thân” và “can đảm” nuôi dưỡng niềm đam mê của riêng mình, bên cạnh thiên chức làm vợ - làm mẹ.
Nếu như công thức truyền thống tạo nên hạnh phúc của người phụ nữ là ở người chồng và những đứa con thơ, thì với PGS.TS Chu Cẩm Thơ, hạnh phúc được định nghĩa thông qua công việc.
"Bởi khi được làm việc với một niềm say mê, phụ nữ sẽ trở nên tích cực, chị em sẽ làm tốt hơn việc nhà, và giúp bản thân mình khỏe, hạnh phúc. Tôi nhớ lời bố tôi dặn: 'người mẹ hạnh phúc sẽ tạo ra một gia đình hạnh phúc'. Tức là người phụ nữ hạnh phúc là điều kiện cần để giúp cho những đứa con của họ, người chồng của họ, những gì xung quanh họ hạnh phúc".
Và nếu như hạnh phúc là một khái niệm mơ hồ, khó thể đưa ra một quy chuẩn chính xác. Hôm nay hạnh phúc, ngày mai có thể vẫn thấy bất hạnh tràn trề, thì nữ tiến sỹ sinh năm 1981 này đơn giản hóa nó bằng cách làm việc với niềm say mê không ngừng.
Niềm say mê đó lớn đến mức công việc luôn ở trong đầu, kể cả khi ngủ, khi chơi với con. Chỉ có đam mê mới có thể khiến người phụ nữ bên cạnh những nghĩa vụ gia đình, vẫn có thể nửa đêm bật tỉnh giấc, ngồi vào bàn làm việc và say sưa với những ý tưởng mới.
"Tôi nhận ra rằng sự say sưa, tâm huyết có một sức mạnh lớn lắm. Nó có thể lôi kéo những người xung quanh tham gia vào cùng tôi. Ngay cả khi chơi với con tôi cũng có thể nảy ra một ý tưởng. Các con tôi cũng giúp mẹ triển khai ý tưởng và hoàn thiện nó. Công việc đã đem lại hạnh phúc cho tôi".
"Công việc đã đem lại hạnh phúc cho tôi”. |
Chương trình dạy toán POMath được PGS.TS Chu Cẩm Thơ cùng cộng sự ấp ủ từ năm 2002, khi chị vẫn còn là sinh viên Khoa Toán – Tin, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Với phương pháp POMath, trẻ sẽ được trải qua các hoạt động toán học gắn liền với đời sống thực, với thực tiễn của các em thông qua các trò chơi, các tình huống có vấn đề. Để từ đó các em có thể tự tin tiếp nhận kiến thức đã được hình thành khi các em trải nghiệm.
Để làm được điều đó, các giáo viên cần được đào tạo lại cách dạy. Chị cho biết đây là việc khó nhất. Bởi các giáo viên Việt Nam đã quen với những cách dạy truyền thống, họ cần phải được truyền động lực và chỉ dạy, thực hành thật cụ thể những kĩ thuật dạy học để giúp từng trẻ em tự tin. Giáo viên phải học lại cách chơi, cách nghĩ, cách làm…
Một điểm khác biệt nữa mang tính kĩ thuật đó là chương trình cho mỗi em phải vừa sức. Vì thế POMath phải áp dụng các kết quả đánh giá tiên tiến để phân hóa năng lực và lập ra kế hoạch học tập cho mỗi em khác nhau. Nhờ vậy các em mới không bị ngợp trước kiến thức và tự tin cho việc học cách tự học mà POMath muốn các em có được.
Là mẫu phụ nữ coi trọng cảm xúc, đam mê trong mọi việc, từ việc nhà đến việc cơ quan. Ngay cả khi không thành công, không như ý, PGS.TS Chu Cẩm Thơ vẫn tìm ra một điều khiến mình cảm thấy thú vị về những điều đã trải qua đó. Chị cảm nhận rằng chỉ cần có cảm xúc tốt, suy nghĩ về những điều tích cực để thay đổi thì lập tức chúng ta tìm ra một “cái mới”, một cách để bắt đầu.
Chương trình dạy toán POMath với điểm nổi bật là các bài học được xây dựng theo lối trải nghiệm, trở thành tiền đề cho người sáng lập ra nó - PGS.TS Chu Cẩm Thơ được Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.
Có lẽ nếu không giữ cho mình những cảm xúc tích cực cùng sự say mê tột độ, ước mơ cải tiến việc dạy toán có lẽ mãi chỉ là ước mơ, và thậm chí trôi xa vào dĩ vãng khi người phụ nữ lấy chồng và sinh con.
Với sự đồng cảm với phụ nữ, chị thẳng thắn bày tỏ: “Nhiều chị em phụ nữ bị bó buộc trong khuôn khổ gia đình khiến cho họ thấy thế giới nhỏ hẹp, và không giải phóng được hết tiềm năng của bản thân. Điều đó có thể là một điều đáng tiếc”.
“Nhiều chị em phụ nữ bị bó buộc trong khuôn khổ gia đình khiến cho họ thấy thế giới nhỏ hẹp, và không giải phóng được hết tiềm năng của bản thân". |
Khi nhắc đến những người phụ nữ thành công trong sự nghiệp, người ta thường mặc định họ bỏ bê chồng con. Khi được hỏi có phải “hy sinh” chồng con cho niềm đam mê với toán học và việc nghiên cứu nói chung, chị thừa nhận mình là phụ nữ may mắn.
“Thật may mắn vì POMath cũng xuất phát từ gia đình tôi. Các con của tôi đều là đối tượng ‘thí nghiệm’ cho mỗi bài học. Chồng của tôi cũng tham gia vào. Đầu tiên anh ấy là người hỗ trợ tôi hoàn thiện về mặt kĩ thuật cho những gì tôi làm, vì tôi không đủ giỏi về công nghệ cũng như thời gian, sau này anh ấy tham gia điều hành cả bộ máy, để tôi chỉ tập trung vào nghiên cứu.
Cho nên ở gia đình chúng tôi, POMath cũng được tính là một thành viên, chồng tôi nói POMath là một đứa con mà chúng tôi cùng nhau nuôi dưỡng. Văn hóa của POMath cũng được gây dựng trên nền tảng của sự thấu hiểu và chia sẻ, nâng tầm mỗi thành viên. Ở POMath, sự trưởng thành của mỗi nhân viên là thước đo cho thành quả phát triển. Tuy nhiên, tôi cũng hay bị than phiền vì tôi dành nhiều thời gian và tâm sức cho công việc”.
Quay trở về với thiên chức làm vợ - làm mẹ, PGS.TS Chu Cẩm Thơ vẫn đặt nhiệm vụ xây tổ ấm là điều quan trọng nhất.
Với chị, gia đình vui vẻ cùng nhau, các con tôi được học, được phát triển hài hòa là mục tiêu lớn nhất và cũng là minh chứng cho thành quả lao động của bản thân.
"Không hề có sự phân vai tuyệt đối nào cho phụ nữ". |
Những gì được chứng kiến từ cha mẹ, từ người thân cho chị ý thức được rằng không hề có sự phân vai tuyệt đối nào cho người phụ nữ. Người phụ nữ không chỉ nhận về mình việc bếp núc trong nhà, mà còn có việc giúp người cùng làm bếp với mình, cũng như cùng người thân làm việc, kiếm tiền, hoạch định chiến lược cho mọi người và giúp nhau phát triển.
Những người trong gia đình gắn bó với nhau, hiểu nhau để san sẻ công việc. Ngoài công việc chuyên môn, chị vẫn cố gắng làm tốt và hầu hết những việc nhà.
Nhưng từ những ngày đầu chung sống, chị động viên, hướng dẫn để chồng có thể tham gia, có thể làm thay khi tôi bận rộn. Khi có con, chị cũng rèn cho các cháu tự lập. Các cháu sớm biết tự phục vụ bản thân, giúp mẹ việc nhà như rửa bát, nấu cơm, dọn dẹp.
Hành trình phát triển bản thân chính là hành trình của đời người. Tuy nhiên quan niệm xã hội hay của mỗi người rất khác nhau, còn có những định kiến về giới và những quy tắc ngầm đang tồn tại trong văn hóa khiến cho không chỉ riêng phụ nữ mà nhiều người đang khó thực hiện được hành trình ấy. Không ít phụ nữ đã phải thay đổi hành trình phát triển bản thân trong nỗi buồn khổ, sợ hãi vì những định kiến.
Chị nói: “Người ta hay nói những từ “phụ nữ phải thế này”, … chỉ ngần ấy thôi đã khiến cho sự suy nghĩ, dè dặt chiếm hữu đầu óc, vì thế sự tích cực, sự say mê khó có thể được bộc lộ ra ngoài. Nhưng hành trình phát triển mang tính cá nhân. Vì thế, nếu không kiên định và dám dấn thân thì chắc chắn ai cũng sẽ gặp khó khăn chứ không riêng gì phụ nữ”.
POMath là viết tắt của "Improving Mathematical thinking with Personal Oriented program for children" – "Chương trình phát triển tư duy thông qua dạy học môn Toán theo định hướng cá nhân dành cho trẻ em". Đây là kết quả nghiên cứu và xây dựng từ năm 2002 của PGS.TS Chu Cẩm Thơ và các cộng sự. Chương trình học tại POMath dành cho học sinh từ 4 -12 tuổi. Phương pháp POMath dựa trên nền tảng là phương pháp học trải nghiệm. Học toán trải nghiệm thông qua các tình huống giáo dục, mô hình Toán học, trò chơi trí tuệ và hoạt động ứng dụng, giúp trẻ hình thành phản xạ và năng lực tư duy với Toán học. Phương pháp học trải nghiệm giúp học sinh không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác. Phương pháp POMath mang tính cá nhân. Để khắc phục tình trạng dạy học đồng nhất khiến không phát huy tối đa khả năng của học sinh, POMath hướng tới tính cá nhân thông qua bài kiểm tra đánh giá năng lực và giáo trình thiết kế riêng cho từng học sinh. Quá trình học chú trọng tới tiếp thu và cảm nhận của mỗi em, xây dựng sự tự tin và chủ động cho học sinh. Phương pháp POMath sẽ khắc phục các điểm yếu thông thường học sinh hay gặp phải (Học "nhồi nhét", thiếu khoa học,...); giúp trẻ bồi đắp kiến thức, bổ sung kỹ năng (Kỹ năng tính toán nhanh, xử lý tình huống một cách thông minh, Liên tưởng và hình dung về hình học không gian,…); phát triển những khả năng tư duy sáng tạo, cấu trúc và logic Toán. Cho đến nay, đã có 7 Trung tâm toán tư duy POMath đi vào hoạt động, đem đến cơ hội phát triển tư duy và xây dựng tình yêu toán học cho trẻ trong độ tuổi từ 4 – 12 tuổi. |
Xem thêm
Những người phụ nữ "đặc biệt": Can đảm vượt mọi định kiến để được là chính mình PGS.TS.Phạm Văn Tình nói về “trạm thu giá” BOT: “Không thể chơi chữ được” PGS.TS Bùi Hiền công bố phần 2 cải tiến tiếng Việt: Tôi mãn nguyện với công trình nghiên cứu 40 năm của mình |