Nếu không bị mất mạng trong tuần này, có thể bạn đã đọc được đâu đó một bài báo nói rằng: Sử dụng các loại tai nghe Bluetooth như AirPods của Apple có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư của bạn.
Nhưng liệu điều đó có đúng không? Câu trả lời ngắn gọn là: Không. Bức xạ điện từ mà các thiết bị Bluetooth phát ra cũng như các thiết bị điện tử khác không có gì đặc biệt nguy hiểm.
Mặc dù vậy, đeo AirPods cũng không hẳn là an toàn 100%. Vẫn có một nguy cơ mà bạn cần lưu ý.
AirPods không gây ung thư, đây mới là tác hại mà chúng mang lại
- Vì sao nhiều đầu báo lớn lại giật tít "Tai nghe Bluetooth như Airpods gây ung thư"?
Thông tin tai nghe AirPod gây ung thư bắt nguồn từ một bài đăng trên blog Medium của Jerry Phillips, một nhà sinh hóa tại Đại học Colorado, Hoa Kỳ. Trong đó, Phillips chia sẻ các kết quả nghiên cứu của mình cho thấy hoạt động của trường điện từ có thể - nhưng không chắc chắn – gây ra tổn thương cho DNA của con người.
Và đó là cơ sở để ông ấy đi đến một "kết luận" khá cẩu thả: "Mối quan tâm của tôi đối với AirPods là vị trí của chúng trong ống tai gây ra sự phơi nhiễm tương đối cao cho các mô bên trong đầu với bức xạ tần số vô tuyến", Phillips viết.
Nhiều tờ báo ngay lập tức chộp lấy câu nói của ông, thêm mắm thêm muối, để cho ra những bài cảnh báo người dùng về độ nguy hiểm của tai nghe AirPods.
Nhưng sự thật là không hề có bất kể một bằng chứng khoa học nào đánh giá AirPods là thiết bị nguy hiểm.
Cho đến nay, cũng không có bất kể bằng chứng nào cho thấy bức xạ tần số vô tuyến (RF) có thể gây ung thư não hoặc hình thành khối u não ở người.
Trong bài viết của mình, Jerry Phillips cho biết vào năm 2015, ông cùng một nhóm gồm hơn 200 nhà khoa học quốc tế đã gửi một "lời kêu gọi" tới Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm "bày tỏ 'mối quan ngại nghiêm trọng' về bức xạ điện từ không ion hóa (EMF)".
Sự kiện này có thật, nhưng chúng ta nên nhớ đó chỉ là một bức thư kêu gọi, WHO có lẽ đã bỏ qua nó, vì chúng ta không thấy được bất cứ thông tin cảnh báo nào sau đó. Bức thư của 200 nhà khoa học cũng không đề cập cụ thể đến các thiết bị Bluetooth hoặc tai nghe không dây.
Dĩ nhiên trong văn bản đó cũng không thể có cụm từ khóa AirPods nào, bởi chiếc tai nghe này đến tận năm 2017 mới được Apple cho ra mắt.
Bức thư của 200 nhà khoa học không có từ khóa AirPods. Mà dù gì, đó cũng chỉ là một bức thư thôi mà
Thay vào đó, bức thư của 200 nhà khoa học bày tỏ mối quan tâm của họ đến tất cả các loại thiết bị điện tử phát ra bức xạ điện từ không ion hóa (EMF) nói chung – những sóng năng lượng truyền với tốc độ ánh sáng phát ra từ nhiều thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại di động, thiết bị WiFi, đồng hồ thông minh, máy tính bảng cho trẻ em và các cột ăng ten.
"Các nhà khoa học trong lĩnh vực EMF có những lo ngại nghiêm trọng, về sự phổ biến và gia tăng mức độ tiếp xúc với bức xạ của các thiết bị không dây và ăng ten, từ tất cả các nguồn bao gồm cả tín hiệu kỹ thuật số Bluetooth", Elizabeth Kelley, giám đốc International EMF Scientist Appeal, tổ chức đã tập hợp hơn 200 nhà khoa học ký vào bức thư gửi WHO năm 2015 cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học khác vẫn ngần ngại trong việc khẳng định sự nguy hiểm của liều lượng phóng xạ nhỏ, phát ra từ điện thoại di động và tai nghe Bluetooth. "Chúng không có đủ năng lượng để gây ung thư, đến nỗi làm hỏng trực tiếp DNA bên trong tế bào", theo phát ngôn chính thức của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ.
Các sóng vô tuyến của trường điện từ phát ra từ điện thoại di động, radio và các công nghệ không dây khác, như Bluetooth, khác với các loại bức xạ mạnh hơn mà chúng ta tiếp xúc, bao gồm tia X, tia gamma và tia cực tím (UV) có trong ánh nắng Mặt Trời. Chỉ các bức xạ mạnh này mới có thể phá vỡ các liên kết hóa học trong DNA.
Trên thực tế, Sở Y tế Cộng đồng California cũng đã nói, việc cầm một chiếc điện thoại di động và áp tai nghe lên mặt sẽ phát ra nhiều năng lượng vô tuyến hơn so với sử dụng tai nghe Bluetooth, như AirPods.
Có bằng chứng cho thấy bức xạ phát ra từ điện thoại di động có thể gây hại cho chuột, nhưng kết quả tương tự không thể ngoại suy cho con người.
Các nghiên cứu khoa học cho đến nay không tìm được bất kể bằng chứng nào cho thấy loại bức xạ phát ra từ điện thoại gây hại theo cách tia X hay tia UV tác dụng lên con người.
Lượng bức xạ từ các thiết bị Bluetooth thấp hơn nhiều so với điện thoại di động
Nhưng điều tương tự không đúng với chuột. Chương trình nghiên cứu Độc học Quốc gia Hoa Kỳ đã tìm thấy " bằng chứng rõ ràng " rằng những con chuột đực tiếp xúc với mức độ cao bức xạ điện thoại di động mỗi ngày có tỷ lệ mắc u tim cao hơn, cũng như "một số bằng chứng" cho thấy loại bức xạ này liên quan đến khối u não trên chuột.
Nhưng kết quả này, vì một lý do nào đó, lại không đúng với chuột cái, vì vậy, thậm chí chúng ta không thể kết luận sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động làm tăng nguy cơ ung thư cho chuột (chỉ chuột đực mà thôi).
Hơn nữa, theo kinh nghiệm của các nhà khoa học, một điều gì đó xảy ra với những con chuột thí nghiệm không có nghĩa sẽ xảy ra với con người. Thật khó để biết liều bức xạ phát ra từ điện thoại di động, mà chúng ta đang tiếp xúc ngày này qua ngày khác, có gây hại được cho con người hay không.
Cho tới thời điểm này, bằng chứng chúng ta có được chưa thể đưa ra lời khẳng định thuyết phục.
Một nghiên cứu kéo dài 10 năm ở 13 quốc gia, thực hiện bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, đã kết luận: Không hề có nguy cơ ung thư não ảnh hưởng lên những người dùng điện thoại di động ở tần suất trung bình.
Các nhà khoa học khuyến cáo rằng chúng ta chỉ nên thực hiện thêm các nghiên cứu trên những đối tượng sử dụng điện thoại di động ở tần suất cao hơn. (Một lần nữa, phải nói rằng lượng bức xạ từ các thiết bị Bluetooth thấp hơn nhiều so với điện thoại di động).
Đeo AirPods có rủi ro nào không? Có
- Tác hại thực sự của tai nghe không dây là gì?
Vậy nếu vẫn lo lắng về rủi ro bức xạ, Kelley khuyên bạn nên đổi tai nghe Bluetooth sang tai nghe có dây. Giữ điện thoại di động của bạn cách xa đầu, đàm thoại qua tai nghe, là những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả nhất.
Còn theo khoa học có độ chính xác cao nhất ở thời điểm này, bạn vẫn có thể sử dụng AirPods hay bất kỳ loại thiết bị Bluetooth nào khác. Chỉ có một điều khoa học muốn bạn lưu ý: Âm lượng. Đó là rủi ro được bỏ ngỏ ở đầu bài viết này.
Trong lĩnh vực phơi nhiễm tiếng ồn thì khoa học đã có những câu trả lời rõ ràng hơn, so với phơi nhiễm bức xạ điện thoại. Theo đó, tiếp xúc lặp đi lặp lại với tiếng ồn lớn có thể dẫn đến sự hình thành của các khối u thần kinh không phải ung thư, gây mất thính giác, cũng như hội chứng ù tai.
Vậy nguy cơ là gì? Nếu đeo quá nhiều và nghe nhạc quá to, bạn có thể sẽ sớm phải thay cặp AirPods của mình - đổi sang dùng một loại thiết bị không dây khác. Đoán xem, nó có thể là gì? Bôi đen dòng dưới để biết đáp án.
Máy trợ thính.
Tham khảo Thisisinsider
Trí Thức Trẻ
Nguồn bài viết : Hội cày game kiếm tiền