Những điều "đặc biệt" ở Khóa tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài năm 2023 |
Cộng đồng người Việt tại Thái Lan là cầu nối gắn kết, nâng tầm quan hệ song phương |
Một lớp học tiếng Việt của cô giáo Cấn Anh Claudine. |
Người tổ chức, cũng là những người thầy đứng lớp, chính là vợ chồng ông bà Cấn Văn Kiệt và Cấn Anh Claudine. Mặc dù đã ở tuổi 80, hai ông bà vẫn cần mẫn, miệt mài với công việc "gieo mầm con chữ" trong suốt gần 40 năm qua, chỉ với mong muốn sao cho các thế hệ Việt kiều sau này nói được tiếng Việt và kết nối với quê hương.
Ngày khai giảng các lớp học tiếng Việt luôn là một ngày đặc biệt với thầy Cấn Văn Kiệt và cô Cấn Anh Claudine. Cánh cửa của trụ sở Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) từ sáng 6/9 đã rộng mở để đón các học sinh đến với niên học mới. Gọi là khai giảng, nhưng không có tiếng trống trường hay những bài phát biểu cùng những tràng vỗ tay, chỉ có tiếng giảng bài của cô giáo, tiếng đánh vần ê a và cả tiếng hát của các em nhỏ. Hai thầy cô, người bận dạy học trò, người lo đón tiếp học viên mới đến ghi danh, họ cần mẫn, miệt mài với công việc mà họ yêu thích và theo đuổi hàng chục năm qua - giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ con em người Việt Nam tại Pháp.
Gọi là thầy, là cô, nhưng cả hai ông bà Cấn Văn Kiệt và Cấn Anh Claudine đều đã ở tuổi "bát thập", bước chân tuy đã chậm nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng, đầy nhiệt huyết. Các học trò của họ cũng rất đa dạng, nhỏ 5-6 tuổi cũng có, lớn 35-36 tuổi cũng có, không chỉ con em người Việt, mà cả con lai và người Pháp.
Trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp, nơi các lớp học tiếng Việt luôn được duy trì hàng tuần vào thứ Tư và thứ Bảy. |
Có mặt trong ngày khai lớp, chị Nguyễn Thị Thu Trang, người nhà của hai em nhỏ đang theo học tiếng Việt lớp của cô giáo Claudine từ 2 năm nay, chia sẻ lý do muốn con cháu mình học tiếng Việt là vì "trong người chúng có dòng máu Việt Nam" và "để chúng gắn bó với cội nguồn và kết nối với quê hương". Còn chị Natalie Magniez, mới đến ghi danh lần đầu, tâm sự : "Là người Pháp gốc Việt, nhưng tôi được nhận nuôi từ bé ở Pháp. Tôi đã về Việt Nam nhiều lần, nên rất muốn học tiếng Việt để tiếp cận với văn hóa và người dân Việt Nam. Do bận việc nên bây giờ tôi mới thu xếp thời gian để đi học từ đầu".
Có nhiều gia đình mà cả cha mẹ và các con đều đi học tiếng Việt. Chị Tôn Anh Chi và hai con cũng đã trở lại lớp học sau kỳ nghỉ hè dài. Chị là học sinh của thầy Kiệt và hai con của chị lại là học trò của cô Claudine. Chị Anh Chi cho biết đã theo học tiếng Việt ở Hội Người Việt Nam tại Pháp từ 3 năm nay và bây giờ chị cũng muốn đưa cả hai con đến học tiếng Việt như mình.
Tâm sự với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Claudine cho biết, tốt nghiệp văn khoa, nhưng bà đến với nghề dạy tiếng Việt một phần là do truyền thống gia đình, phần khác là do yêu và mong muốn truyền bá ngôn ngữ tiếng Việt cho các cháu nhỏ, con em người Việt tại Pháp. Khi còn ở Việt Nam, gia đình bà Claudine đã từng là chủ một trường tư thục ở Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi đất nước giải phóng, bà hồi hương theo gia đình vì là người gốc Pháp, rồi gặp và nên duyên với ông Cấn Văn Kiệt.
Là thành viên của Hội Người Việt Nam tại Pháp từ những năm 1960, ông Cấn Văn Kiệt rất tâm huyết và gắn bó với các hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây. Với mong muốn dùng tiếng Việt để làm cầu nối giữa bà con kiều bào với quê hương, đặc biệt là kết nối các thế hệ thứ hai, thứ ba với cội nguồn dân tộc, ông đã cùng vợ tổ chức những lớp học tiếng Việt từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu các lớp được mở ở Nhà Việt Nam (Maison du Vietnam) do chính ông bà thành lập, sau đó được chuyển đến trụ sở Hội Người Việt Nam tại Pháp và được duy trì cho đến ngày nay.
Học sinh của họ chủ yếu là con em người Việt tại Pháp, con em người Pháp gốc Việt, hoặc những người yêu Việt Nam, muốn học tiếng Việt để hiểu văn hóa Việt Nam. Các buổi học thường được tổ chức vào thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần. Mỗi buổi chỉ kéo dài hơn một giờ và mỗi lớp chỉ có một vài học viên để đảm bảo chất lượng học tập.
Ông Cấn Văn Kiệt tiếp các học viên đến đăng ký học tiếng Việt. |
Theo ông Cấn Văn Kiệt, các lớp được tổ chức theo 4 trình độ: Học từ đầu; đọc thông, viết thạo những câu thông thường; viết ở trình độ nâng cao và cuối cùng là học tiếng Việt qua văn học Việt Nam. Giáo trình do giáo viên tự soạn, phù hợp với từng đối tượng học viên, và với mục tiêu giúp cho họ yêu Việt Nam, thích văn hóa Việt Nam và từ đó muốn học tiếng Việt.
Cô giáo Claudine thường dạy các em nhỏ từ 5-14 tuổi, còn thầy Cấn Văn Kiệt lại phụ trách các học viên lớn tuổi, có trình độ cao hơn. Cô dạy chữ, dạy hát, còn thầy bên cạnh việc dạy tiếng Việt, còn truyền thụ cho học sinh kiến thức về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của đất nước Việt Nam. Chính với tâm huyết và sự tận tình như vậy, trong gần 40 năm qua, hai thầy cô đã đào tạo khoảng 700 học sinh, trong đó có nhiều em theo học suốt 9-10 năm để thi tú tài môn ngoại ngữ tiếng Việt.
Chia sẻ về tâm tư, nguyện vọng của mình, bà Cấn Anh Claudine "chỉ mong sao các thế hệ Việt kiều thứ ba, thứ tư luôn hướng về Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam và học tiếng Việt để kết nối với nguồn cội của mình". Còn ông Cấn Văn Kiệt mong muốn các thế hệ mai sau phát huy truyền thống dân tộc, luôn trọng chữ hiếu với cha mẹ, yêu gia đình và hướng về quê hương. Ông tâm sự: "Tôi không có hoài bão nào khác là làm sao để các cháu hiểu, yêu và gắn bó với đất nước, và dù ở đâu thì vẫn phải nhớ mình là một phần của Việt Nam".
Với tinh thần người Việt còn thì tiếng Việt không thể mất, những bà con kiều bào như vợ chồng ông bà Cấn Văn Kiệt và Cấn Anh Claudine đang góp phần không nhỏ vào việc truyền bá và duy trì tiếng Việt trong các thế hệ trẻ người Việt Nam tại Pháp, giúp họ kết nối với quê hương, gắn bó với cội nguồn dân tộc.
Theo Thu Hà (Phóng viên TTXVN tại CH Pháp)
https://baotintuc.vn/nguoi-viet-4-phuong/nhung-nguoi-gieo-mamtieng-viet-noi-phuong-xa-20230908061908859.htm
Đổi mới phương pháp dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài |
Chiêm ngưỡng những tác phẩm đương đại nổi tiếng trên thế giới |