Vấn đề này một lần nữa dấy lên một câu hỏi về trách nhiệm của ngành nông nghiệp từ trung ương tới địa phương phải làm như thế nào để người nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả nhất trên chính mảnh đất của mình.
Từ chuyện con cá tra Những ngày cuối tháng 5, nhóm viên chúng tôi đã có mặt tại các vùng chuyên canh trồng lúa như huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh (tỉnh Long An), nơi được đánh giá có “phong trào” nông dân bỏ trồng lúa, đào ao nuôi cá tra giống diễn ra sôi động nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua.
Tại đây, câu chuyện về con cá tra mà chúng tôi được nghe từ các hộ nông dân không chỉ còn là niềm hy vọng “đổi đời” như cách đây vài tháng nữa. Xen lẫn với đó là tâm trạng lo lắng, nghi ngại sự “khủng hoảng thừa nguyên liệu, rớt giá khiến người nuôi thua lỗ” mà các cơ quan chức năng lẫn chuyên gia ngành nông nghiệp cảnh báo sẽ có khả năng sớm xảy ra trong nay mai khi hiện nay giá bán cá tra giống đang giảm mạnh.
|
Bà con xã viên Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hưng (ấp Bào Chứa, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, Long An) chuyển mạ khay đi cấy Ảnh: Danh Lợi |
Đứng cạnh 3 ao nuôi cá tra giống có diện tích 1ha, nông dân Dương Văn Ngà ở ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An không dấu được lo lắng khi giá cá tra giống loại 30 con/kg hiện chỉ được các nhà máy thu mua với giá 30.000 đồng/kg.
“Cách đây khoảng 2 tháng, cá tra giống loại 30 con có giá lên tới gần 70.000 đồng/kg. Bây giờ giá thu mua đã giảm hơn một nửa, tôi thấy đã có dấu hiệu cung vượt cầu rồi vì nhiều người bỏ trồng lúa, đào ao nuôi cá tra ngày càng nhiều”, anh Ngà lo lắng nói.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An tính đến tháng 5/2018, tổng diện tích đào ao trên địa bàn toàn tỉnh gần 1.100 ha của 585 hộ. Qua con số này, một số chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho rằng, vào năm 2017 - một năm với nhiều thông tin tích cực cho ngành cá tra, diện tích vùng nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long được mở rộng khoảng 5.200 ha. Nếu chỉ đem so sánh diện tích nuôi cá tra giống nói trên của riêng tỉnh Long An thì đã thấy dấu hiệu “bất thường”.
Thế nhưng đến nay, diện tích nuôi cá tra giống vẫn tiếp tục nở rộ và lan sang nhiều địa phương khác. Bà Hà Thị Kim Phượng, Trưởng Trạm giống thủy hải sản Đồng Tháp Mười thuộc Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An cho hay, tuần vừa qua, bà tham gia đoàn khảo sát đã ghi nhận có hơn 17 ha diện tích đất lúa chuyển sang ao nuôi cá tra giống ở thị xã Kiến Tường. Còn riêng giống thủy hải sản Đồng Tháp Mười từ đầu năm đến nay đã xuất bán được 210 triệu con cá tra bột. Trong khi năm 2017 đơn vị không sản xuất cá tra giống.
Theo anh Nguyễn Hữu Tài, quản lý vùng nuôi cá tra thương phẩm có diện tích hơn 75 ha của Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy sản Đại Đại Thành, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, với giá thu mua như hiện nay thì nông dân đang đứng trước rủi ro thua lỗ rất lớn.
“Nếu nông dân nuôi đúng quy trình và đạt chất lượng tốt nhất thì chi phí cũng đã 23.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hầu hết nông dân không nắm vững kỹ thuật nuôi nhưng vì lý do hám lợi nhuận “khủng” gấp nhiều lần trồng lúa nên họ bất chấp”, anh Tài cho biết.
Để nông dân sống được trên mảnh đất của mình Những năm qua, thực tế không ít người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tự mình nắm bắt “tín hiệu” của thị trường, tự do nuôi trồng không tổ chức dẫn đến phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp. Hay thậm chí dù sản xuất theo đúng quy hoạch, đời sống của người nông dân vẫn không đảm bảo bởi tình trạng “cung vượt cầu” khiến nông sản rớt giá, sản xuất thua lỗ…
Nông dân Dương Văn Ngà lý giải cho việc bỏ trồng lúa đào ao ương cá của mình, với 1 ha trồng lúa thì mỗi năm anh chỉ thu nhập được khoảng 30 triệu đồng nhưng nuôi cá tra giống cho thu nhập ít nhất từ 100 đến vài trăm triệu đồng/năm.
“Tôi đã trồng lúa 20 năm qua, nhưng thu nhập của cây lúa chẳng thể nuôi được gia đình mình. Nên dù chính quyền địa phương có khuyến cáo cỡ nào và có phạt 15 triệu đồng về hành vi vi phạm quy quản lý đất đai thì tôi vẫn cứ làm”, anh Ngà nói.
|
Nhân viên Trại giống thủy sản Đồng Tháp Mười (Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An) kiểm tra cá tra mẹ trước khi tiến hành sản xuất con bột cá tra. Ảnh: Anh Đức |
Với trách nhiệm quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp phải xác định được cho nông dân sản xuất gì có hiệu quả nhất trên diện tích của mình. Bởi vấn đề nuôi trồng không theo quy hoạch không chỉ vi phạm về quản lý đất đai mà quan trọng nhất là không bền vững.
Mặc dù ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nắm rõ dự báo tổng lượng cung gạo thế giới của năm 2017 - 2018 đang giảm với sản lượng đạt 481,3 triệu tấn nhưng vẫn cao hơn so nhu cầu khoảng 475,5 triệu tấn (năm 2017) và 477 triệu tấn (năm 2018). Thế nhưng, thực tế thì việc chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng khác gặp rất nhiều khó khăn và đã cho thấy sự lúng túng của ngành nông nghiệp của các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu cơ cấu nông nghiệp nhằm phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần phải đánh giá lại quy hoạch thì mới thấy được “nút thắt” đang nằm ở đâu. Trước mắt cần nhìn nhận hạ tầng nông nghiệp được đầu tư trước đây hầu như là để phục vụ sản xuất lúa, không phù hợp với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, khi muốn cải tạo lại cũng gặp phải vấn đề là cải tạo để phục vụ sản xuất cho cây gì, mô hình kết hợp nào vì chưa làm tốt thị trường, chưa nắm nhu cầu để từ đó đầu tư cải tạo hạ tầng cho hiệu quả, tránh lãng phí.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay, trong quy hoạch vùng nông nghiệp thì thường là duy ý chí thay vì theo nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất đồng bộ theo chuỗi giá trị, do đó bản đồ quy hoạch thường là để “trang trí” hơn là để sử dụng.
“Nhược điểm lớn nhất trong quy hoạch của ta là quy hoạch riêng lẻ từng ngành không tích hợp lại được đồng bộ, ngành nào cũng làm quy hoạch và cho rằng quy hoạch của mình là quan trọng nhất. Rất tốn kém nhưng kết quả cuối cùng vẫn khó hoặc không thực hiện được”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhìn nhận.
Tại hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra vào năm 2017, đại diện tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện một “quy hoạch tích hợp” đối với toàn vùng để giải quyết những “nút thắt” nói trên. Tuy nhiên, để hiện thực hóa “quy hoạch tích hợp” này cần phải có những bước đi cụ thể.
Theo các chuyên gia, trước tiên cần xác định trồng cây gì, nuôi con gì, thị trường ở đâu và việc điều tra này cần phải có sự tham gia giữa các bộ, ngành có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp. Sau đó, chính các doanh nghiệp này bằng các thông tin thị trường đầu ra để xây dựng quy mô sản xuất và việc còn lại là Chính phủ, chính quyền địa phương sẽ xác định vùng sản xuất với diện tích cụ thể.
Song song đó, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn đã được khoanh vùng để nới rộng hạn điền nhằm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, khi đó việc đầu tư hạ tầng như: thủy lợi, giao thông… sẽ rõ ràng, cùng hướng tới mục tiêu nên sẽ tránh được “chưa nắm được nhu cầu”, “đầu tư dàn trải, lãng phí” như đã đề cập ở trên.
“Quy hoạch tích hợp như trên là quy hoạch gắn kết với thị trường chứ không chỉ để báo cáo hoặc trưng bày. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới sẽ bắt đầu từ đây với vùng nguyên liệu nông, thủy sản từ vài trăm đến vài ngàn hécta. Từ đó, người nông dân sẽ làm giàu trên mảnh đất của mình, ngân sách sẽ giảm bội chi”, giáo sư Võ Tòng Xuân nói./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN