Hội nhập quốc tế

Mênh mang tình Bác ở Nakhon Phanom

2024-12-21 12:20:40
Có lẽ tôi cũng như những người dân khác của Việt Nam, luôn tôn kính, tự hào về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Và thật may mắn, tôi còn được chứng kiến lòng tự hào, sự tôn kính Người ở những đất nước Bác từng sinh sống và hoạt động cách mạng.

Bác Hồ về với Nakhon Phanom

Với người dân Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ vĩ đại nhưng thật thân quen, gần gũi, rất thiêng liêng nhưng giản dị, sống động từ trong tâm thức mỗi người.

Tôi không nhớ tự bao giờ và từ đâu, Bác Hồ trở thành một vị thánh của dân tộc, một vị thánh không theo sắc phong mà được xuất phát từ trái tim và niềm tin yêu của gần 100 triệu dân Việt Nam, để niềm tôn kính đó in vào máu thịt như là một tín ngưỡng.

Các du khách chụp ảnh trước cổng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một tín ngưỡng không mang màu sắc huyền thoại mà bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, một con người bình dị nhưng có một nhân cách vĩ đại, một trái tim bao la, hi sinh tất cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và mang lại ấm no, hạnh phúc cho muôn người.

Có lẽ chính vì vậy, Bác Hồ trở thành biểu tượng tinh thần trong mỗi chúng ta tự nhiên như không khí, bầu trời, như cỏ cây hoa lá vậy.

Tôi có viết một ca khúc dành tặng cho đồng bào Việt kiều tại Nakhon Phanom (Thái Lan). Tác phẩm có tựa đề “Nakhon Phanom tấm lòng người Việt”. Đây cũng là niềm cảm hứng khi tôi được nghe câu chuyện lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân trên mảnh đất này vào những năm 1927 – 1929 để thắp lên ngọn lửa cách mạng cho đồng bào người Việt đang định cư tại Thái Lan.

Đó là những người yêu nước, trực tiếp tham gia hoặc quan hệ mật thiết với phong trào Cần Vương và cuộc khởi nghĩa chống Pháp của cụ Phan Đình Phùng.

Sau tác phẩm đó, tôi vinh dự được Hội Hữu nghị Việt - Thái mời sang Thái Lan. Được đi, được tiếp xúc và nghe người Việt nơi đây kể những câu chuyện về Bác.

Tiếp đón chúng tôi là những người Việt được sinh ra và lớn lên ở Thái Lan. Đã bước vào “tuổi xưa nay hiếm” nhưng họ vẫn nhớ từng chi tiết về Bác Hồ trong những ngày ở đất Thái một cách sống động, đầy cảm xúc về những địa danh, nơi Người từng dừng chân trong quá trình hoạt động cách mạng.

Tôi chợt nhớ đến ai đó đã nói rằng, “là người Việt Nam, ai cũng là con cháu của Bác Hồ”. Thật vậy, khi nói về Bác, một cảm giác rất lạ, khó tả nhưng gần gũi thân quen, ấm áp giữa chúng tôi và bà con Việt kiều nơi đây.

Từng đến thăm ngôi nhà nơi sinh ra Người lúc thơ ấu, ấy vậy mà tôi vẫn bùi ngùi xúc động, nước mắt rưng rưng khi đến thăm ngôi nhà của cụ Võ Trọng Đại ở Bản Mạy, thuộc Thành phố Nakhon Phanom. Đây là nơi Bác Hồ đã sống, làm việc, gặp gỡ người Việt yêu nước trên đất Thái Lan khi Bác từ Udon Thani về vùng đất này.

Tại đây, Người đã thắp lên ngọn lửa cách mạng trong lòng những người con xa xứ. Ngọn lửa ấy lúc âm ỷ, lúc bùng lên không bao giờ tắt và sáng đến tận hôm nay. Ngọn lửa ấy như luôn ở trong trái tim, ánh mắt của bà con Việt kiều tại Nakhon Phanom và khắp đất nước Thái Lan mà tôi kịp ghi lại khi có điều kiện đi thăm và giao lưu ở Thủ đô Băng Cốc và một số tỉnh khác.

Cụ Võ Trọng Đại là một Việt kiều yêu nước ở Nakhon Phanom. Khi Bác Hồ đến bản Mạy, cụ đã dành một căn nhà nhỏ trong khuôn viên nhà mình để Bác Hồ nghỉ ngơi và làm việc. Từ đó, căn nhà này trở thành cơ sở hoạt động cách mạng của Người.

Hiện nay, căn nhà được cháu nội cụ Võ Trọng Đại là bà Võ Thị Hoan trông nom. Khi tiếp khách, bà Hoan là người giới thiệu thay cho hướng dẫn viên. Căn nhà gỗ ba gian thật giản dị nhưng ấm cúng vô cùng. Gian chính giữa là phòng tiếp khách, hai gian còn lại là chỗ ngủ và nơi làm việc của Bác Hồ lúc còn hoạt động cách mạng ở đây. Tất cả chỉ gói gọn trong khoảng hơn 40m2.

Ngoài căn nhà, ấn tượng với tôi nhất là hai cây dừa và một cây khế được chính tay Bác Hồ trồng trong khuôn viên và chăm sóc hàng ngày. Khế và dừa hai loài cây gần gũi, thân thiết đối với người Việt Nam, gợi lên hình bóng thân thương nơi quê nhà. Hai cây dừa Bác trồng đã gần một thế kỷ, nay vươn cao ngạo nghễ, phải ngước mắt lên cao mới trông thấy vòm lá reo vui giữa khoảng trời chói chang.

Nakhon Phanom không có nhiều dừa, nên hai cây dừa Bác trồng nổi bật trong tầm mắt – một cảm giác vừa thân thiết nức lòng, vừa tự hào nơi đất khách. Còn cây khế cạnh nhà, nay đã thành một cây cổ thụ. Một vẻ đẹp cổ tích, cảm giác bao dung, che chở khi ta đứng dưới tán cây.

Quanh ta là những chùm khế ngọt trĩu cành, gốc cây để mọc tự nhiên, những thân rễ lâu niên trồi lộ thân hình thời gian lên mặt đất mịn. Mặt đất thật giống với ngõ xóm ở Kim Liên, Nghệ An quê Bác.

Rất nhiều du khách trên thế giới đến dâng hoa cho Bác tại khu tưởng niệm.

Thắm tình Việt - Thái

Cùng dịp này, chúng tôi được ghé thăm một công trình lịch sử, mang đậm dấu ấn của tinh thần hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, một tầm vóc lịch sử, văn hóa mang hơi thở thời đại và bà con người Việt sinh sống trên đất Thái.

Nhớ lại câu chuyện năm 2012, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến thăm Vương quốc Thái Lan, ông đã dành thời gian đến thăm đồng bào Việt kiều tại Nakhon Phanom. Như tất cả con dân nước Việt, ông bùi ngùi xúc động khi ghé thăm nơi sinh sống và làm việc của Bác Hồ khi Người hoạt động cách mạng ở Thái Lan.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào Việt kiều tại Thái Lan nói chung và Nakhon Phanom nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của đất nước. Ông biểu dương tinh thần yêu nước, yêu Đảng, yêu Bác Hồ của đồng bào ta thủy chung, trước sau như một.

Ông đã thay mặt Đảng, Nhà nước gửi tặng Việt kiều tại Thái Lan số tiền 30 tỷ đồng để xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ ngay trên mảnh đất ngày xưa Người sống và làm việc.

Từ đây, một câu chuyện cổ tích mới lại được bắt đầu. Chính quyền sở tại đã nhiệt tình hưởng ứng bằng cách dành cho Hội Hữu nghị Thái - Việt hơn 1ha đất để xây dựng công trình mang tên “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại bản Mạy, Nakhon Phanom.

Đây là một tổ hợp kiến trúc, kết hợp cây xanh, cảnh quan, lấy biểu tượng ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc làm trọng tâm. Một số công trình phụ trợ khác là nơi lưu giữ hiện vật của Bác và đồ lưu niệm của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân bày tỏ sự tôn kính, ngưỡng mộ Bác Hồ.

Tam quan khu tưởng niệm và công trình mô phỏng ngôi nhà Bác ở được thiết kế theo phong cách truyền thống Việt Nam. Các công trình khác được thiết kế theo phong cách Thái Lan với những lớp mái chồng, đầu mái hình mũi thuyền mềm mại. Qua cửa Tam quan là chiếc cầu duyên dáng vượt qua hồ nước, mô phỏng ao cá Bác Hồ, gắn với phong cách sống giản dị mà thanh cao của Người.

Nhìn tổng thể, quần thể Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên một không gian trang trọng, hài hòa, tôn nghiêm nhưng ấm cúng, gần gũi.

Hình thái kiến trúc là sự đan xen của hai phong cách Việt - Thái nhưng hòa quyện, tôn vinh lẫn nhau nhờ giải pháp cây xanh và mặt nước.

Phải nói thêm một chi tiết văn hóa rất đặc trưng, là quốc hoa của hai nước Việt Nam – Thái Lan. Hoa sen là biểu tượng quốc hoa của nước Việt. Hoa muồng là biểu tượng quốc hoa của Thái Lan. Hai đặc trưng văn hóa này được bài trí tại Tam quan Khu tưởng niệm một cách trang trọng.

Tôi rất tâm đắc với câu đối của người bạn tặng tôi và bà con Việt kiều ở Nakhon Phanom về khu tưởng niệm. “Rực rỡ Trời Nam, Bác Hồ như hương sen thanh cao, hồn thiêng nước Việt - Hào quang Đất Thái, tên Người tỏa cánh muồng tinh khiết, linh khí chùa vàng”.

Thiết nghĩ, đôi câu đối trên đã nói lên tất cả những suy tư và tấm lòng của bà con Việt kiều trên đất Thái Lan về Bác Hồ, về văn hóa của hai dân tộc. Và tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước mà Người đã gieo trồng, sinh sôi nảy nở đến ngày nay.

Điều xúc động nữa là sau khi công trình đưa vào sử dụng, đã có rất nhiều đoàn khách từ các cơ quan, đoàn thể, quan chức Thái Lan; các vị tướng quân đội và nhân dân trên khắp mọi miền đất nước Thái Lan đến thắp hương, dâng hoa tưởng niệm Bác Hồ. Đây cũng là một hiện tượng hy hữu trên thế giới. Gần đây nhất, vào cuối năm 2018, Công chúa Thái Lan cũng về long trọng dâng hoa tưởng niệm Người.

Có thể nói, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nakhon Phanom là một công trình mang dấu ấn lịch sử, văn hóa về Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan, và là công trình tín ngưỡng của nhân dân về một nhân cách lớn, một tâm hồn, trí tuệ vĩ đại. Nó đã vượt qua mọi không gian, thời gian, vượt qua rào cản về nhận thức thể chế chính trị.

“Địa chỉ đỏ” này ngày càng được đón tiếp nhiều đoàn đại biểu của nhiều nước trên thế giới, nhiều đảng phái chính trị, dù không cùng chính kiến nhưng có chung trong tâm một sự kính trọng và ngưỡng mộ Người.

Không chỉ tôi, những người con Việt Nam nào khi đặt chân đến Khu tưởng niệm Bác Hồ đều có chung một xúc cảm trào dâng, sung sướng, tự hào như lời bài hát của một nhạc sĩ diễn đạt lại lời Bác dặn dò các chiến sĩ cách mạng khi xưa:

“Vì một Việt Nam sông núi đẹp gấm hoa

Vì một Việt Nam nắng ấm ngập tràn tiếng ca

Vì một Việt Nam yêu tự do sống hiền hòa

Vì một Việt Nam cao quý trong lòng chúng ta”.

Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Top