Trên thực tế, các chuyên gia đều cho rằng sáng tạo là một kỹ năng có thể học hỏi và rèn luyện được. Và giống như bất cứ kỹ năng nào khác, bạn muốn hoàn thiện thì cần phải chăm chỉ, nỗ lực và tránh các thói quen có thể làm ảnh hưởng đến sự sáng tạo sau đây theo chia sẻ của Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ nhân sự và tìm kiếm việc làm tại Việt Nam.
Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn
Luôn chọn giải pháp được nghĩ ra đầu tiên
Thói quen này không bao giờ thúc đẩy bạn đến với những ý tưởng mới lạ bởi nó có thể “tiêu diệt” bất cứ dấu hiệu sáng tạo nào từ khi còn trong “trứng nước”. Khi chọn giải pháp đầu tiên được nghĩ đến, bạn không cần phải sáng tạo mà chỉ cần nhớ lại cách giải quyết đã sử dụng cho tình huống tương tự. Điều này có nghĩa rằng bạn đang dậm chân tại chỗ, không mở rộng tầm nhìn về phía trước. Đành rằng việc áp dụng cách cũ có hiệu quả nhưng nó lại không giúp bất kỳ ai trở thành người sáng tạo, thậm chí sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn hơn trong những công việc đòi hỏi sự sáng tạo.
Tin rằng chỉ có một câu trả lời đúng
Đây là thói quen suy nghĩ rất phổ biến. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng hầu hết các câu hỏi chỉ có duy nhất một lời giải chính xác, đồng thời chúng ta cũng tìm cách ghi nhớ đáp án đó hơn là tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình. Việc chỉ có một đáp án chính xác đúng trong các vấn đề toán học nhưng không hiệu quả ở rất nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn trong lĩnh vực bán hàng, quảng cáo hoặc thiết kế, sẽ không bao giờ có một câu trả lời chính xác cả. Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải quyết một khó khăn, thách thức và chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn thú vị cho các ngành nghề đó.
Sợ thất bại
Bạn sợ thất bại và sẽ không bao giờ chấp nhận làm những điều mang tính rủi ro nhưng bạn có biết sẽ không thể sáng tạo nếu thiếu sự mạo hiểm? Bạn sẽ không bao giờ thúc đẩy bản thân vượt qua được các giới hạn và sẽ ở mãi nơi mà bạn đang đứng. Sẽ không vấn đề gì nếu điều đó tốt với bạn nhưng nếu bạn muốn đổi mới và sống một cách sáng tạo thì sao? Muốn vậy, bạn phải luôn chấp nhận và sẵn sàng thất bại và học hỏi từ thất bại đó để tiến lên phía trước.
Yêu thích sự hoàn hảo
Trong khi những người cầu toàn có thể tự hào về những tiêu chuẩn cao của họ thì đồng thời họ cũng giới hạn mình theo nhiều cách. Bạn chỉ cảm thấy thoải mái khi làm điều gì đó khi bạn chắc chắn về một kết quả thành công? Nếu vậy, bạn sẽ thấy rất khó để bắt đầu. Hầu hết các ý tưởng sáng tạo đều bắt nguồn từ những điều rất bình thường và trải qua rất nhiều sai lầm. Cách tốt nhất để giải phóng sự sáng tạo là bắt đầu mà không cần lo lắng quá nhiều đến thành công hay thất bại. Hãy thực hiện, chỉnh sửa và thay đổi. Thậm chí nếu bạn kết thúc bằng việc hủy bỏ toàn bộ dự án thì bạn cũng sẽ học được những điều rất quý giá.
Bạn nghĩ bản thân không sáng tạo
Nghi ngờ có thể chạm vào tất cả mọi người, ngay cả những người sáng tạo nhất. Bạn có thể cảm thấy rằng bạn được sinh ra không phải là người giỏi đưa ra những phát kiến và bạn không có quyền quyết định điều đó. Sự thật là tất cả mọi người đều có tiềm năng sáng tạo, nhưng hầu hết lại cho rằng cuộc sống và công việc hàng ngày của họ không cần dùng đến khả năng đó. Vậy là họ dần phát triển thói quen tiêu cực và “vô tình” tiêu diệt từng chút sáng tạo còn sót lại. Họ không đủ tự tin trong suy nghĩ và không để cho mình sử dụng “món quà” đó. Vấn đề ở đây không phải nằm ở chỗ thiếu sự sáng tạo mà là bạn có tạo cơ hội để khả năng sáng tạo của mình phát triển hay không.
Một khi bạn xác định những thói quen quan trọng ảnh hưởng đến sự sáng tạo của mình, hãy thực hiện những thay đổi trong lối sống để làm tăng tính sáng tạo và tìm ra các cơ hội để phát huy khả năng sáng tạo đó. Chúc bạn thành công!
Hoàng Oanh