Hội nhập quốc tế

Người Thái đón dâu ban đêm tránh quỷ dữ

2024-12-21 13:56:36

Già làng Lô Thanh Biến (bản Tân Hương, xã Yên Khê) cho hay, không biết từ bao giờ tục rước dâu ban đêm xuất hiện ở người Thái. Chỉ biết rằng, vào giữa đêm khuya, khi con gà trống cất tiếng gáy lảnh lót vào canh 1 trong rừng sâu, cũng là lúc trời đất giao hòa chuyển sang một ngày mới thì khi đó cô dâu bước về nhà chồng.

Người dân tộc Thái quan niệm rằng, ban ngày, ma và quỷ dữ thường lang thang vất vưởng trên đường hay bên gốc cây, nếu rước dâu ban ngày thì ma quỷ sẽ theo về phá hoại hạnh phúc của đôi vợ chồng mới cưới. Do đó, rước dâu vào thời khắc giao hòa của ngày và đêm, cuộc sống của đôi vợ chồng sẽ bình yên, hạnh phúc suốt đời. Bởi đây là thời khắc của ngày giờ mới, quy tụ được những tinh túy hồn thiêng sông núi, nhất là hưởng được nhiều phước lộc của trời cũng như của các vị thần linh ban tặng, nên vợ chồng sẽ làm ăn phát đạt, sinh được con đàn, cháu đống.

Một đám cưới của người Thái ở Con Cuông, Nghệ An

Trong đám cưới, người ta còn hát đối đáp giao duyên, làm lễ trừ tà, mời trầu, mời ngồi. Đặc biệt, đó là tục rửa chân cho cô dâu khi bước vào nhà chồng.

Theo phong tục này, cách 2 giờ trước khi đồng hồ điểm ngày mới (tức 22 giờ), mọi lễ vật cũng như công việc chuẩn bị cho việc đón dâu từ phía nhà trai đã được chuẩn bị sẵn, đoàn rước bắt đầu lên đường. Lễ vật gồm: 1 con lợn quay nặng khoảng 30 kg, 1 mâm cỗ gồm xôi, gà và 10 lít rượu nếp, nhà trai còn phải chuẩn bị một cái chiêng để khi đón dâu về, vừa đi vừa gõ. Mục đích là để thông báo với mọi người về việc con nhà người đã thành con nhà mình, thứ nữa là xua đuổi tà ma, những điều xấu.

Khi đến nhà gái đón dâu, chú rể bị thử thách là vượt qua cuộc thi đối đáp, làm vừa lòng nhà gái. Chủ đề là sau này vợ chồng có chung sống hạnh phúc trăm năm được hay không, có nuôi con cái trưởng thành được hay không, hai bên thông gia có được bền lâu hay không? Chỉ khi nhà gái thấy ưng ý, lúc ấy cửa mới được mở ra đón chú rể vào nhà. Tiếp đến, trong quá trình đón dâu, nhà gái tiếp tục thử thách nhà trai với màn mời ngồi.

Khi cô dâu về tới nhà trai, lúc vừa lên tới bậc cầu thang thứ nhất thì bà mối đã chờ sẵn cùng với một chậu đồng đựng nước suối trong như mắt mèo rừng, trong đó có ngâm một đồng xu bằng bạc.

Bà mối rửa chân cho cô dâu, chú rể

Trước khi vào làm lễ gia tiên, bà mối sẽ rửa chân cho cô dâu và trao tặng một vòng bạc cầu may. Sau đó, cô dâu và chú rể cùng nhau bước song song lên cầu thang, cả 2 phải bước đều nhau, không ai được bước trước hoặc bước sau cho đến khi lên đến tận nhà.

Người Thái quan niệm, 2 vợ chồng cùng bước song song sẽ sống cùng nhau đến đầu bạc, răng long. Tiếp theo, nhà trai sẽ đưa cô dâu vào buồng, làm lễ ăn cơm, uống rượu chung với chồng. Tân lang và tân nương sẽ trao vòng bạc cho nhau (tương tự nhẫn cưới của người Kinh), thề non hẹn biển sẽ thủy chung đến cuối đời, chỉ có cái chết mới chia lìa được họ mà thôi.

Dù rằng nhiều người Thái đi làm ăn xa, học tập phong tục mới lạ từ người Kinh nhưng tục cưới xin hàng trăm năm nay vẫn không hề mai một. Đó là nét đẹp truyền thống mà người Thái cho rằng cần phải bảo tồn và giữ gìn.

Nam Yên

Top