Nối những nhịp bờ vui Việt Nam –Campuchia |
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư: điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Campuchia |
Tại buổi gặp mặt, Vun Liem vinh dự là một trong 6 sinh viên quốc tế tiêu biểu được nhận giấy khen từ Ban Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. "Tôi đã trở thành một phần của Đại học Bách khoa suốt những năm qua và giờ tôi rất tự hào khi tiếp tục trở thành một học viên cao học tại ngôi trường 67 tuổi này", Vun Liem nói.
Vun Liem tại cuộc thi Hùng biện tiếng Việt. (Ảnh: Vun Liem) |
Kể về cuộc thi Hùng biện tiếng Việt, Vun Liem cho biết: Đội thi Đại học Bách khoa Hà Nội có 3 sinh viên. Ngoài anh là đội trưởng còn có Oraiden Manuel Sabonete đến từ Mozambique và Soumek Xaynguyen quốc tịch Lào. Các lưu học sinh tuy khác quốc tịch, màu da nhưng luôn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện tình đoàn kết giữa các nước và chung một tình yêu với Việt Nam.
Theo thể lệ cuộc thi, mỗi đội trình bày trực tiếp bài thi của mình trên sân khấu trong tối đa 7 phút. Kết quả các bài thi do Ban Giám khảo chấm trực tiếp, thông báo vào cuối buổi thi cùng với lễ công bố kết quả và trao giải.
Trong các nội dung thi, đội Bách khoa Hà Nội chọn nội dung Việt Nam trong trái tim tôi với chủ đề “Những thắng lợi to lớn mang ý nghĩa thời đại của Cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay”.
Vun Liem hào hứng và sẵn sàng chuẩn bị ngay khi nhận được thông báo tham gia cuộc thi. Với tinh thần “Thi là phải thắng”, ngày nào anh và các thành viên trong đội cũng luyện tập để có được kết quả tốt nhất.
Đồng hành cùng Vun Liem và các bạn là Tiến sĩ Lương Thị Phương Thảo, nguyên Trưởng Bộ môn Lịch sử Đảng. Cô làm việc hăng say cùng đội thi trong hơn 2 tuần, luyện tập gần như tất cả các buổi tối về các kiến thức liên quan đến chủ đề đội đã đăng ký. Có những ngày cô trò thức đến 2-3 giờ sáng để cùng trao đổi, chỉnh sửa về nội dung chuyên môn.
Không chỉ chăm chút về kiến thức cho các thí sinh, cô Thảo còn săn sóc từng chút sức khỏe cho đội thi. “Cô dặn dò chúng tôi rằng: giờ các em là “tài sản” của nhà trường, các em phải giữ gìn sức khỏe, không được uống nước đá”, Vun Liem kể.
Cô Thảo đặt tên Việt Nam cho ba bạn tham gia hùng biện: Vun Liem là Liêm, Oraiden Manuel Sabonete là Đức và Soumek Xaynguyen là Quang. "Mỗi khi cô trò chúng tôi cùng tập luyện, những cái tên Việt Nam vang lên nghe thân thương, gần gũi lạ thường. Khoảng cách giữa các quốc gia không còn, Việt Nam là nhà, người Bách khoa là người thân của chúng tôi", Vun Liem chia sẻ.
Sau những ngày tháng vất vả và cố gắng tập luyện, đội thi của Đại học Bách khoa Hà Nội đã giành giải Khuyến khích. Điều khiến Vun Liêm tự hào là chỉ với quãng thời gian ngắn, đội đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký và có giải thưởng mang về. Anh coi đây là một bước đệm tốt để bản thân và các bạn lưu học sinh phấn đấu học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa trong tương lai.
Chung niềm vui học tập dưới mái nhà chung - Đại học Bách khoa Hà Nội - với Vun Liêm còn có các lưu học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong năm học 2023-2024, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp nhận 34 lưu học sinh đến từ 3 quốc gia: Lào, Campuchia và Ukraine. Buổi Gặp mặt, định hướng cho lưu học sinh khóa 68 năm học 2023-2024 do nhà trường tổ chức giúp các em thêm hiểu biết và hòa nhập vào môi trường học tập, sinh sống tại nơi này.
Các lưu học sinh Đại học Bách khoa Hà Nội tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Vũ) |
Tại buổi gặp mặt, các lưu học sinh được nghe những chia sẻ về quy chế đào tạo của trường và những lưu ý trong học tập dành cho các em. Điều này phần nào giúp các sinh viên quốc tế hình dung và nắm được quy chế đào tạo cũng như những cách thức giúp các em giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn về học tập, về tâm lý và các hoạt động khác trong suốt thời gian học tập tại Việt Nam.
Winhanage Mayomi Chandima Dulanji (người Sri Lanka, sinh viên Trường Điện – Điện tử) sẽ nhận bằng vào cuối kỳ học 2023. Mayomi cho biết: Đại học Bách khoa Hà Nội giúp cô có thêm kiến thức chuyên ngành và những bài học quý giá, là nơi mang lại cho cô cơ hội trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa dành cho sinh viên, đặc biệt là các sinh viên quốc tế.
“Tôi may mắn khi là cô gái duy nhất trong lớp được học tập trong một môi trường toàn các bạn nam rất nhiệt tình. Các bạn không ngại ngần giúp đỡ và chia sẻ cho tôi nhiều điều đáng quý trong suốt 5 năm học vừa qua”, Mayomi nói.
Phó giáo sư Phạm Thanh Huyền, Trưởng Ban Công tác sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ sự thấu hiểu với phần lớn các bạn lưu học sinh khi theo học các chương trình đào tạo được giảng dạy bằng Tiếng Việt. Bà tin rằng, với lòng đam mê và sự nỗ lực, các bạn lưu học sinh sẽ hoàn thành tốt nội dung chương trình học để thu nhận kiến thức, kỹ năng cần thiết, hỗ trợ quá trình xây dựng và đóng góp cho sự phát triển của đất nước mình.
Thắt chặt sợi dây gắn kết tình hữu nghị Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia |
Tình thân gia đình của lưu học sinh Campuchia trên đất Việt |