Hội nhập quốc tế

Người "ươm mầm” tinh thần yêu nước trong Việt kiều tại Thái Lan

2024-12-20 19:40:03
ALOV tặng 30.000 khẩu trang cho kiều bào tại Lào, Campuchia, Thái Lan
Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan tỉnh Đồng Nai trao tặng 15.000 khẩu trang hỗ trợ người dân Thái Lan
Tiến sỹ Trương Thị Hằng, đồng tác giả cuốn sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh: người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Thái Lan hiện đại." (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN)

Để phát triển phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, tháng 7/1928, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan (khi đó gọi là Xiêm) hoạt động.

Khoảng gần cuối năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khỏi đất nước Chùa Vàng lên đường sang Hương Cảng (Trung Quốc) để tổ chức cuộc họp thống nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam, thành lập một chính đảng duy nhất có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Ngoài việc lưu trú tại một số địa điểm ở thủ đô Bangkok, Người còn đến kiểm tra một cơ sở yêu nước của Việt kiều tại tỉnh Phichit và dành phần lớn thời gian còn lại cho việc truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho Việt kiều ở các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Trong khoảng thời gian gần hai năm (1928-1929) khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tới truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan, Người không chỉ là chất keo gắn kết cộng đồng kiều bào tại các vùng miền của Thái Lan, mà còn là cầu nối giữa kiều bào Thái Lan và nhân dân cả nước, là nguồn cổ vũ động viên to lớn giúp cho kiều bào tại Thái Lan xây dựng niềm tin với chính phủ và nhân dân Thái Lan, đồng thời góp một phần không nhỏ vào thành công của cuộc cách mạng chung của nhân dân Việt Nam.

Là người nghiên cứu về thời gian hoạt động của Bác Hồ tại Thái Lan, Tiến sỹ Trương Thị Hằng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Rajabhat Lampang (Thái Lan), người cũng là đồng tác giả cuốn sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh: người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Thái Lan hiện đại", giải thích lý do tại sao Người lại chọn đến Thái Lan sau khi trở về từ châu Âu.

Thời điểm năm 1928, tại Việt Nam, thực dân Pháp đang tiến hành các cuộc truy lùng Hồ Chủ tịch rất gắt gao, đồng thời tuyên bố sẽ trao thưởng hậu hĩnh cho bất kỳ ai có thông tin về địa điểm cư trú và hoạt động của Người.

Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa thể trực tiếp trở về lãnh đạo phong trào đấu tranh tại Việt Nam trong giai đoạn này là lý do đưa đến quyết định lựa chọn Thái Lan làm địa điểm hoạt động thay cho Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Hằng, câu hỏi đặt ra là tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại lựa chọn Thái Lan làm địa bàn hoạt động chứ không phải là một quốc gia nào khác trên bán đảo Đông Dương như Lào hay Campuchia, dù cả hai vùng lãnh thổ này đều có đường biên giới tiếp giáp với Việt Nam.

Câu trả lời nằm ở chỗ cả Lào và Campuchia đều có cùng chung số phận giống như Việt Nam, đó là thuộc địa dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Do đó, thực dân Pháp dễ dàng kiểm soát tất cả mọi hoạt động đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân 3 nước.

Trong khi đó, Thái Lan là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không phải thuộc địa của bất cứ cường quốc nào. Điều này gây khó khăn cho phía Pháp trong việc dõi theo các hoạt động yêu nước của các nhà cách mạng Việt Nam tại đây.

Ngoài ra, ở Thái Lan có một lượng lớn Việt kiều đến định cư và làm ăn sinh sống qua nhiều đời. Trong giai đoạn những năm 20 của thế kỷ 20, ước tính có khoảng gần 30.000 Việt kiều sinh sống tại Thái Lan, đặc biệt là các tỉnh khu vực Đông Bắc.

Phiên bản tiếng Anh của cuốn sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh: người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Thái Lan hiện đại." (Ảnh: Hữu Kiên/TTXVN)

Do đó, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn Thái Lan, nơi có một lượng lớn Việt kiều sinh sống làm địa bàn hoạt động là một quyết định vô cùng đúng đắn, không chỉ giúp cho quá trình truyền bá chủ nghĩa yêu nước thuận lợi hơn, mà còn giúp Người tránh được sự truy lùng gắt gao của mật thám Pháp trên đất Thái.

Đánh giá về phong trào của người Việt Nam ở Thái Lan sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền bá chủ nghĩa yêu nước và đường lối cách mạng, Tiến sỹ Hằng nhấn mạnh mặc dù Hồ Chủ tịch hoạt động tại Thái Lan trong khoảng thời gian rất ngắn từ tháng 7/1928 đến khoảng cuối năm 1929, nhưng ấn tượng mà Người để lại trong cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan vô cùng sâu đậm.

Sự xuất hiện của Người đã một lần nữa khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh hướng về Tổ quốc trong kiều bào.

Người giống như chất keo gắn kết kiều bào tại các địa phương của Thái Lan, giúp cho họ biết đến sự diện diện của nhau, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, đồng thời cùng chung quyết tâm đóng góp sức mình cho cuộc đấu tranh của toàn dân tộc.

Giai đoạn sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khỏi Thái Lan, các phong trào yêu nước của Việt kiều tại Thái Lan vẫn không ngừng phát triển dưới nhiều hình thức như đấu tranh đòi quyền lợi cho Việt kiều bị bắt giam, gửi tiền, trang thiết bị từ Thái Lan về Việt Nam nhằm hỗ trợ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân trong nước.

Về cách thức nhằm lan tỏa tinh thần yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho giới trẻ hiện nay, Tiến sỹ Hằng cho rằng ngày nay, sự phát triển không ngừng của mạng lưới Internet, hay các trang thiết bị điện tử hiện đại đã tác động rất lớn tới mọi mặt của cuộc sống.

Nhờ vậy, giới trẻ có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như các nội dung nói về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Tiến sỹ Hằng chia sẻ: “Tuy nhiên, bản thân tôi vẫn luôn coi trọng giá trị của gia đình với tư cách là các tế bào của xã hội và là nơi hình thành nên những hạt giống tốt để phát triển xã hội về sau. Do đó, việc ông, bà, cha, mẹ giáo dục con cái về lòng yêu nước, về công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, sẽ khiến cho giới trẻ cảm nhận sâu sắc hơn về nhiệm vụ của bản thân đối với những người xung quanh, đối với xã hội và đất nước”.

Thái Lan là nơi có nhiều di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Tiến sỹ Hằng, cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan vẫn luôn ý thức về việc gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, thể hiện qua việc giới trẻ có thể nói và đọc tốt tiếng Việt Nam, phụ nữ Thái gốc Việt thích mặc áo dài trong những dịp lễ tết quan trọng, đặc biệt là Việt kiều tại Thái Lan luôn đề cao tinh thần tương thân tương ái, như trong đợt lũ lụt tại miền Trung vừa qua, bà con Việt kiều đã quyên góp tiền của gửi về hỗ trợ đồng bào trong nước.

Bà Hằng bày tỏ tin tưởng rằng các gia đình Việt kiều tại Thái Lan đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ lan tỏa tinh thần yêu nước cho giới trẻ, giúp con em họ hiểu rõ về cội nguồn dân tộc, ý thức được trách nhiệm của một người con Việt Nam đối với Tổ quốc Việt Nam bên cạnh trách nhiệm của một công dân Thái Lan đối với đất nước Thái Lan.

Có thể nói, tinh thần yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh "ươm mầm" từ những ngày Người hoạt động ở Thái Lan, đã và đang được kiều bào phát huy cho tới ngày nay.

Yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan
Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật tại Long An
Top