Hội nhập quốc tế

Tưởng nhớ GS Judith L. Ladinsky - vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam 5 lần được nhận huân, huy chương

2024-12-20 19:43:33
GS.TS Andreas Stoffers, Đức đưa ra 6 điểm để Việt Nam vực dậy kinh tế sau COVID-19
GS.TS Lương Văn Hy - Người Việt đầu tiên được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu châu Á
​Đoàn lãnh đạo Hội Việt - Mỹ và Quỹ Phan Anh cùng đoàn cán bộ của Bộ KH&CN viếng mộ GS.Judith Ladinsky - người bạn tri cốt của người dân Việt Nam​. (Ảnh: Tạp chí Việt - Mỹ)

GS Judith L. Ladinsky sinh ngày 16/6/1938 tại thành phố Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ. Bà lớn lên tại thành phố New York, nhận bằng đại học của trường Đại học tổng hợp Michigan, và bằng tiến sĩ của trường Đại học tổng hợp Wisconsin.

Bà từng là GS khoa y tế dự phòng của Trường Đại học Wisconsin- Madison, Giám đốc tiểu ban Khoa học Y tế của Ủy ban Mỹ về hợp tác khoa học với Việt Nam. Bà được xem là người Mỹ được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.

Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1978, khi Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bình thường hóa quan hệ, thời điểm đó GS Ladinsky ngay lập tức có thiện cảm và thiện chí đối với đất nước và con người Việt Nam. Năm 1980, bà trở thành Chủ tịch Ban Y tế của Ủy ban Hoa Kỳ về Hợp tác khoa học với Việt Nam theo lời mời của Tiến sĩ Edward Cooperman - Chủ tịch của Ủy ban lúc bấy giờ. Năm 1984, sau khi Tiến sĩ Cooperman bị ám sát, bà đã dũng cảm thay ông trở thành Chủ tịch của Ủy ban Hợp tác Khoa học với Việt Nam và quyết tâm tiếp tục công việc còn dang dở của ông.

Từ đó, GS Ladinsky đã thực hiện hơn 100 chuyến đi tới Việt Nam. Mỗi lần sang Việt Nam bà đều mang theo rất nhiều dụng cụ, thiết bị y tế, sách và tạp chí khoa học, y tế, giáo dục, để tặng lại cho các bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và nhiều nơi khác ở Việt Nam.

GS Judith Ladinsky đã kêu gọi các nhà khoa học và người dân Mỹ đóng góp giúp đỡ rất nhiều cho Việt Nam.

Với nỗ lực không mệt mỏi, bà đã kêu gọi đóng góp hàng triệu đô la cho công tác nghiên cứu y học và các dự án nhân đạo. Trong suốt thời gian mấy chục năm, GS Ladinsky đã kêu gọi các nhà khoa học và người dân Mỹ đóng góp giúp đỡ rất nhiều cho Việt Nam. Bà đặc biệt chú ý đến lĩnh vực y tế nông thôn và vấn đề thiếu bác sĩ ở nông thôn. Bà đã lập ra những dự án y tế nông thôn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu nhi khoa, giải phẫu, dinh dưỡng, HIV/AIDS, điều trị ung thư, và cung cấp các thiết bị và đồ dùng ý tế để giúp Việt Nam.

Bà còn có đóng góp cho các công trình nghiên cứu sâu rộng bệnh tiểu đường, sốt rét và viêm não Nhật Bản ở Việt Nam. Bà cũng đã tạo điều kiện cho nhiều y bác sĩ của Việt Nam sang Hoa Kỳ thực tập để nâng cao trình độ và đã giúp hàng trăm học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu của Việt Nam giành được học bổng sang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Hai năm 1 lần, bà tổ chức các kỳ thi TOEFL tại Việt Nam cho hơn 1200 sinh viên Việt Nam, hơn một nửa trong số đó đã sang Hoa Kỳ học tập. Bà cũng đã giúp đưa nhiều bệnh nhi bị ung thư, bỏng sang điều trị tại các cơ sở y tế ở Hoa Kỳ khi trước đây trình độ y tế trong nước chưa đáp ứng được, giúp giữ lại mạng sống cho các em.

Ngày 12/01/2012, GS Judith L. Ladinsky đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện trường Đại học tổng hợp Wisconsin sau một cơn đột quỵ. Nguyện vọng cuối cùng của GS Judith Ladinsky trước khi mất là tro hài cốt của bà sẽ được mai táng ở Việt Nam- một đất nước mà Bà hết lòng yêu mến và đã hiến dâng tất cả sự nghiệp khoa học của mình. Ngày 22/7/2013, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra Lễ tiếp nhận tro cốt GS Judith Ladinsky và phần mộ của bà hiện được đặt ở Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, Hà Nội.

GS Judith L. Ladinsky đã 5 lần được tặng huy chương: Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục- đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Huy chương Vì sự nghiệp Giải phóng phụ nữ Việt Nam nhân danh Ủy ban hợp tác khoa học Hoa Kỳ với Việt Nam và Quỹ Kovalevskaia, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Năm 2011, Bà đã được Mạng lưới Hòa Bình và Công lý tiểu bang Wisconsin trao tặng Giải thưởng Người xây dựng hòa bình của năm để vinh danh Bà “vì sự đóng góp lâu dài cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam”.

Bà còn được coi là một nhà ngoại giao không chính thức của Hoa Kỳ tới Việt Nam, thậm chí Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại nước CHXHCN Việt Nam Pete Peterson đã gọi bà là “vị đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên thực sự tại Việt Nam”.

Tại Lễ tưởng niệm GS Ladinsky, thay mặt cộng đồng KH&CN Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát to lớn của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của GS Ladinsky. Thứ trưởng chia sẻ: Không phải ai ra đi cũng để lại cho đời những đóng góp mà người ta phải nhớ mãi; không phải ai ra đi mà vẫn như còn sống mãi trong tiềm thức của những người ở lại. Đối với nhân dân Việt Nam, GS Ladinsky là một trong số những người như thế. Nhân dân Việt Nam yêu Bà và đặt cho Bà cái tên trìu mến là “Madame Vietnam”.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành: người Việt ở Hội đồng thẩm định khoa học Ba Lan
GS Đàm Thanh Sơn – Người làm rạng rỡ quê hương...

Top