KINH TẾ - XÃ HỘI

Cảm nhận đầu tiên của sinh viên Việt tại Lào

2024-12-21 11:54:49
Giao lưu hữu nghị giữa thanh niên, sinh viên tỉnh Bình Phước với sinh viên Campuchia và Lào
Trao 200 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam

Vào những ngày cuối năm, đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào đã tổ chức đón các tân sinh viên Việt Nam sang du học theo diện học bổng Hiệp định hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phê duyệt và gửi 22 sinh viên Việt Nam sang Lào du học, trong đó có bốn sinh viên chương trình bồi dưỡng ngôn ngữ Lào trong hai năm, ba học viên cao học trong ba năm và 15 sinh viên học hệ đại học trong năm năm.

Các sinh viên được Chính phủ Lào cấp học bổng bao gồm phí đào tạo và bố trí chỗ ở trong ký túc xá với chi phí áp dụng theo quy định của Chính phủ Lào đối với du học sinh học bổng Hiệp định.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa và bảo hiểm y tế theo chế độ hiện hành đối với du học sinh diện Hiệp định tại Lào.

Các du học sinh Việt Nam năm 2022 chủ yếu là các bạn trẻ mới tốt nghiệp trung học phổ thông, lần đầu tiên xa gia đình. Việc làm quen với cuộc sống mới tại nước ngoài chắc chắn không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu.

Nắm bắt được vấn đề đó, đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào chủ động tổ chức hỗ trợ, vui mừng khi mang lại bầu không khí thân thiện và hứng khởi cho những người bạn mới “chân ướt chân ráo” từ quê nhà đến Lào.

Sự hiện diện của các bạn trẻ đã tiếp thêm năng lượng, niềm tin của họ khi đi du học, đồng thời góp phần tích cực vào phát triển của cộng đồng lưu học sinh Việt Nam tại đây.

Với sự hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ nhiệt tình của các bạn lưu học sinh cũ, các tân sinh viên đã bước đầu ổn định chỗ ở, làm quen với nếp sinh hoạt mới và bắt đầu tiếp xúc, làm quen với ngôn ngữ Lào.

TG&VN có cuộc trò chuyện ghi lại những cảm nhận ban đầu của các tân sinh viên về đất nước, con người cũng như việc ổn định cuộc sống, sinh hoạt ban đầu và bắt đầu học tập tại Lào…

Nhớ nhà, mong sớm chinh phục ngôn ngữ Lào

Nữ sinh Hà Mi (sinh năm 2004), Hà Nội.

Lần đầu tiên xa gia đình, Hà Mi có gặp nhiều khó khăn?

Đây là lần đầu tiên em xa gia đình đến làm quen một môi trường mới nên lúc đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ. Em bắt đầu phải chủ động trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày mà không còn sự hỗ trợ, giúp đỡ của bố mẹ.

Bên cạnh đó, em cũng chưa sử dụng được tiếng Lào trong giao tiếp nên việc mua sắm các đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập và mua đồ ăn cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị sinh viên khóa trên, em từng bước thích nghi được với môi trường mới và bước đầu ổn định cuộc sống.

Thời gian mới đặt chân đến Lào, phải xa gia đình, em có những cảm xúc thế nào?

Những ngày mới đến Lào, cảm xúc duy nhất của em là thấy nhớ gia đình. Điều đó khiến em luôn cảm thấy buồn và ít giao tiếp với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, hàng ngày bố mẹ ở nhà đều gọi điện thoại động viên em cố gắng hòa nhập với môi trường mới để chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ học tập sắp tới.

Đồng thời, các bạn bè cùng khóa và anh chị sinh viên khóa trên cũng chủ động trò chuyện, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập tại Lào. Nhờ thế, chỉ vài ngày sau khi đến Lào, em đã lấy lại được tâm trạng và hòa đồng hơn với mọi người xung quanh.

Bước đầu tiếp xúc với ngôn ngữ Lào, em có cảm nhận gì?

Chữ Lào là một hệ chữ mới lạ hoàn toàn so với những ngôn ngữ em từng học như tiếng Việt, tiếng Anh. Vì vậy, bước đầu em cảm thấy khó khăn trong việc nhớ bảng chữ cái và ghép chữ thành từ.

Bên cạnh đó, hiện tại cách phát âm tiếng Lào của em cũng chưa chuẩn lắm. Vì vậy, thời gian tới em sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đạt kết quả tốt trong học tập.

Các bạn Lào rất chân thành

Nam sinh Đặng Tấn Đại (sinh năm 2003), tỉnh Quảng Nam.

Chào Đại, em có thể chia sẻ về cuộc sống sinh viên tại Lào mà em vừa trải nghiệm?

Em là người khá tự lập. Từ nhỏ đến khi học hết Trung học phổ thông, em đã có nhiều dịp xa gia đình. Đặc biệt, từ năm 2021 - 2022 em đã xa nhà học đại học tại Việt Nam.

Vì vậy, khi sang Lào du học em có thể hòa nhập và làm quen ngay với môi trường mới và có thể tự chăm sóc bản thân. Đồng thời, em cũng có người thân đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Vientiane nên có điều kiện được tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài xã hội và gặp gỡ những người bạn Lào.

Em đã có điều kiện tiếp xúc với những người bạn Lào. Vậy em có cảm nhận gì về con người Lào?

Qua tiếp xúc, em cảm thấy các bạn Lào rất chân thành, thật thà và yêu quý Việt Nam. Họ sẵn sàng giúp đỡ người Việt Nam một cách vô tư, nhiệt tình. Đấy là một minh chứng cho truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Với em, ngôn ngữ Lào có phải là trở ngại?

Em có người thân đang sinh sống và làm việc bên Lào nên cũng có điều kiện tiếp cận với ngôn ngữ Lào trước khi sang đây học tập.

Thời gian đầu mới bắt đầu học, em cảm thấy bảng chữ cái Lào rất khó nhớ, khó đọc.

Tuy nhiên, hiện tại em đã quen với chữ Lào và có thể sử dụng một số câu trong giao tiếp với các bạn Lào. Theo em thấy, ngôn ngữ Lào có nhiều nét tương đồng về ngữ pháp với tiếng Việt nên việc học tiếng Lào có nhiều thuận lợi hơn các ngôn ngữ khác.

Ấn tượng với tình đoàn kết của cộng đồng lưu học sinh

Nam sinh Tòng Văn Thái (sinh năm 2000), tỉnh Điện Biên.

Sau thời gian ổn định chỗ ở và sinh hoạt tại ký túc xá, Thái đã dành thời gian đi tham quan các điểm du lịch tại thủ đô Vientiane chưa?

Em cũng được các anh sinh viên khóa trên đưa đi thăm một số điểm tại thủ đô Vientiane. Em cảm thấy các địa điểm tham quan tại thủ đô đẹp và đặc trưng văn hóa truyền thống của đất nước Lào.

Em có cảm nhận gì về cuộc sống của sinh viên trong ký túc xá?

Em thấy lưu học sinh Việt Nam tại Đại học quốc gia Lào rất đoàn kết và nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau. Khi chúng em mới sang, các anh chị sinh viên khóa trên đã hỗ trợ chúng em ổn định cuộc sống, sinh hoạt bước đầu.

Đoàn lưu học sinh Việt Nam cũng cử những sinh viên giỏi tiếng Lào hướng dẫn chúng em bước đầu làm quen với bảng chữ cái, các quy tắc ngữ pháp… Nhờ thế, chúng em có những kiến thức nhất định trước khi chính thức bắt đầu vào chương trình năm dự bị tiếng.

Không những thế, đoàn lưu học sinh cũng tạo điều kiện cho các sinh viên mới tham gia các tiết mục biểu diễn văn nghệ, qua đó giúp các sinh viên mới như chúng em hòa nhập nhanh hơn với tập thể.

Giao lưu gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia
Ngày 29/10, tại Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh), Bộ Tư lệnh và Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu hữu nghị “Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh và chiến sỹ trung đoàn Gia Định với sinh viên Lào, Campuchia" năm 2022. Chương trình có sự tham dự của 47 sinh viên Lào, Campuchia đang học tập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng 35 gia đình Việt nhận bảo trợ cho các sinh viên.
Bệnh viện đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đón nhận chứng nhận danh giá của Hoa Kỳ
Ngày 11/11, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (TP Cần Thơ) tổ chức lễ đón nhận con dấu vàng chất lượng do JCI - một tổ chức giám định độc lập của Hoa Kỳ công nhận. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và thuộc top 6 bệnh viện tại Việt Nam đạt chứng nhận danh giá nêu trên.
Top