Sản phẩm dự báo của Việt Nam mang lại hữu ích cho người dân và các nước |
Bộ Ngoại giao thành lập Ban chỉ đạo về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài |
Nếu như năm ngoái có cuộc thi "Nói món Việt cùng con 2021" thì năm nay, cuộc thi video “Du lịch cùng con 2022” do Kênh Việt happiness station tổ chức từ ngày 20/7-23/10, đã diễn ra sôi nổi và được đánh giá cao về chất lượng.
Có thể thấy, cuộc thi "Du lịch cùng con 2022" đã mở ra nhiều ý nghĩa và tràn đầy tình yêu thương gia đình, khuyến khích các thế hệ người gốc Việt ở nước ngoài nói và học tiếng Việt, quảng bá những địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước, truyền bá văn hóa Việt và tăng gắn kết với nguồn cội.
Giải Nhất thuộc về hành trình "Cùng ông bà du lịch Đại Lải - Bà Nà - Hội An - Sài Gòn" của cậu bé Tijn Konings Lê đến từ Hà Lan. (Nguồn: BTC) |
Từ nhiều tác phẩm gửi về, Ban tổ chức đã chọn ra được 22 bài thi, giới thiệu 26 gương mặt "hướng dẫn viên" nhí gốc Việt đến từ Bỉ, Đức, Hà Lan, Lào, Nhật, Pháp, Philippines, Czech, Thụy Sỹ để đưa vào vòng chung khảo.
Thí sinh thực hiện các hành trình du lịch vô cùng đa dạng, có cả những khoảnh khắc gặp gỡ rất xúc động đã được ghi lại và phát sóng trên Kênh Việt happiness station từ ngày 3-30/9.
Mặt bằng chất lượng bài thi năm nay rất tốt, thí sinh đa dạng về lứa tuổi (từ 4-23 tuổi), sử dụng tiếng Việt vừa phong phú vừa sáng tạo, cách dẫn dắt dí dỏm thông minh làm cho các điểm đến trở nên vô cùng sinh động, mới mẻ.
Bà Nguyễn Thanh Hằng, dịch giả tại Pháp, thành viên Ban giám khảo nhận xét: “Tại Pháp, tôi từng đi dạy tiếng Việt 8 năm liền cho lứa tuổi từ 8-14. Có thể nhận thấy rõ đây là lứa tuổi rất khó giữ tiếng Việt.
Khi các cháu vào trung học, thường phải học nhiều ngôn ngữ mới như tiếng Anh, Italy, Tây Ban Nha. Cho nên, 80% các bé thiếu niên gốc Việt bên Pháp bị quên tiếng Việt hoặc chỉ nhớ vốn từ vựng tích lũy được từ nhỏ chứ hầu như không học thêm từ mới được nữa...
Thế nhưng, bé Lynh Mai Moneyn (14 tuổi) có bố người Bỉ, mẹ người Việt lại nói tiếng Việt rất đáng khen. Xem tác phẩm của cháu là hình dung ra công sức của gia đình đã rèn luyện, ủng hộ, giúp con gắn bó với Việt Nam như thế nào.
Đặc biệt, cách em dàn dựng video và chọn ca khúc tiếng Việt phù hợp ở từng phân cảnh mới thấy cô bé rất hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Việt".
Qua 22 bài thi chung khảo, Ban tổ chức thấy nổi lên một tín hiệu tích cực là ý thức cũng như nỗ lực giữ gìn, học tiếng Việt của người Việt ở nước ngoài đang trở thành phong trào sôi nổi. Các diễn đàn và nhiều tổ chức dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài đang phát huy sự tiện ích và hiệu quả của đào tạo từ xa.
Bé Bryan Minh (6 tuổi), bé Haico (4 tuổi) ở Bỉ đã duy trì được kỹ năng nói tiếng Việt tốt nhờ mẹ đăng ký học tiếng Việt online - Vietmaster.
Ở quận Osaka (Nhật Bản), cậu bé Vũ Đức An (7 tuổi) cũng được mẹ dạy học tiếng Việt từ sơ sinh theo phương pháp giáo dục sớm. Hiện tại, An đang tham gia Lớp tiếng Việt 0 đồng của Nhịp cầu sinh ngữ.
Còn Phương Vy (11 tuổi, Pháp), trước khi đi nghỉ hè được cô giáo dạy tiếng Việt giao cho bài tập “Kể về kỳ nghỉ của em với gia đình”. Em đã làm hẳn video dự thivới nỗ lực tự viết lời giới thiệu, tự nói chứ không cầm giấy đọc.
Vào khoảng thời gian này năm ngoái, tiếng Việt của Phương Vy chỉ ở mức “Chào cô” ngọng nghịu. Sau khi theo học tiếng Việt hằng tuần, cô bé đã thể hiện rất tuyệt vời trong clip Những ngày hè trên sông băng khiến chính cô giáo xem cũng thấy bất ngờ.
Đúng như mục đích và ý nghĩa cuộc thi đề ra, 22 hành trình liên tuyến, đơn tuyến, ngay cả những chuyến dã ngoại gần nhà của các "hướng dẫn viên" nhí gốc Việt gửi đến đều truyền bá được văn hóa Việt thông qua du lịch và ngôn ngữ.
Người xem bị hút vào không gian, không khí đầy xúc động khi các em được trở về thăm quê hương, thăm người thân sau một thời gian dài ngăn cách vì đại dịch Covid-19.
Tijn Konings Lê (7 tuổi) ở Hà Lan đã tự sáng tác nhạc nền bài thi với giai điệu nhẹ nhàng gợi nhớ kỷ niệm đẹp ở Việt Nam. Cậu bé còn sử dụng tiếng Việt rất nhuần nhuyễn, sáng tạo.
Cuối bài thi, Tijn Konings Lê còn ghi điểm bằng những câu thơ đầy ý nghĩa "Quê hương là gì hả mẹ. Mà cô giáo dạy phải yêu...".
Bách Tùng (19 tuổi) và Hà Linh (23 tuổi) - người Đức gốc Việt cũng đã kể về chuyến thăm quê và học tiếng Việt.
Nhờ dẫn dắt của họ, người xem được vào khuôn viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi có rất nhiều chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ, các nước châu Phi... Đây là bài thi được các giám khảo đánh giá cao về ý thức tìm về nguồn cội và trau dồi tiếng Việt ngay trên quê hương.
Phạm Bảo Minh (11 tuổi, Bỉ) chọn ca khúc Bonjour Việt Nam để mở đầu cho bài thi rất ý nghĩa. Hè năm nay là mùa hè “vui lắm” với cô bé bởi 4 năm rồi em mới được về Hà Nội và Thanh Hóa để thăm ông bà nội ngoại, được gặp anh chị em họ để trò chuyện, ăn những món Việt yêu thích.
Trong khi đó, chuyến xe đêm đi cố đô Huế, lăng Khải Định, Đại Nội... hiện ra trong mắt cô gái Nguyễn Hải Vân (19 tuổi, Czech) như một phim ngắn 5 phút.
Cách tìm lại từ, cụm từ tiếng Việt theo địa phương, gọi đúng tên sự vật, hiện tượng của Hải Vân và các bạn trẻ Czech gốc Việt khiến người xem liên tưởng tới hành trình tìm lại nguồn cội.
Giải khán giả bình chọn nhiều nhất thuộc về video Tới Osaka xem "Con đã lớn khôn" của bé Vũ Đức An từ Nhật Bản. (Nguồn: BTC) |
Ngày 23/10 vừa qua, Ban tổ chức đã công bố kết quả cuộc thi "Du lịch cùng con 2022" với 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 4 giải Ba, 6 giải Tư và 8 giải Khuyến khích.
Cuộc thi kết thúc và để lại những ấn tượng tốt đẹp về cách thức tổ chức chuyên nghiệp, có ý nghĩa cộng đồng của Kênh Việt happiness station.
Hy vọng những sân chơi thiết thực và bổ ích như thế này sẽ ngày càng được lan tỏa và được tổ chức thường xuyên hơn nữa cho thế hệ trẻ gốc Việt ở nước ngoài thể hiện tình yêu với tiếng mẹ đẻ.
Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài Chiều 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự Lễ phát động có Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các cơ quan hữu quan và bà con kiều bào. |
Mái nhà chung ở nước bạn Thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh viên mới, sinh hoạt văn hóa thể thao, những bạn sinh viên trẻ đã tìm đến với mạng lưới Đoàn Thanh niên như một ngôi nhà chung cho tất cả. |