Những bức ảnh thắm tình hữu nghị Việt - Lào

2024-12-20 19:21:10
EVN và những bước tiến trong hợp tác năng lượng Việt – Lào
Tình dân Việt - Lào trên mạng xã hội: Sôi động, bổ ích và trong sáng

Triển lãm trưng bày 63 pano cỡ lớn với 109 bức ảnh tiêu biểu được chọn lọc từ hàng vạn tấm ảnh của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Thông tấn xã Pathet Lào (KPL). Mỗi bức ảnh gắn với một sự kiện, thể hiện sống động, chân thực mối quan hệ “có một không hai: trên thế giới, tình đồng chí anh em gắn bó keo sơn, bền chặt giữa Đảng và nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh chống kẻ thù chung đến ngày thắng lợi.

Đó là: bức ảnh ghi lại khoảnh khắc thân thiết của các chiến sĩ Liên quân Lào - Việt và Chủ tịch Souphanouvong gặp gỡ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam năm 1950 đánh dấu những bước đi quan trọng cho cuộc đấu tranh của cách mạng Lào trong phối hợp, đoàn kết chiến đấu với nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, mang lại độc lập tự do cho ba nước Đông Dương; bức ảnh các chiến sĩ Việt - Lào chiến đấu và chiến thắng, lập nên "Bản anh hùng ca Đường 9 - Nam Lào"; bức ảnh Bí Thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn thăm vùng giải phóng Lào năm 1973 trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân Lào; "nữ tướng" Nguyễn Thị Định đến thăm đại đội nữ pháo binh Vùng giải phóng Lào năm 1974...

Từ khi hai nước hoàn toàn giải phóng và cùng bước vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, những hình ảnh phản ánh quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, giúp nhau khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ với nền kinh tế, văn hóa, khoa học phát triển, bảo vệ an ninh bền vững được các phóng viên của hai hãng thông tấn có mặt trên mọi lĩnh vực, mọi nơi tiếp tục ghi lại.

Thăm triển lãm từ sáng sớm, ông Nguyễn Thế Nghiệp, Phó Chi hội trưởng thường trực Chi hội hữu nghị Việt Nam - Lào TTXVN cho biết, đây là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa khi hai nước đang kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Qua tham quan triển lãm, người dân, nhất là thế hệ trẻ, hiểu thêm về quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng, mẫu mực của hai nước để từ đó tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị ngày càng bền vững.

Tham quan triển lãm, ông Nguyễn Thế Nghiệp bồi hồi nhớ lại những ngày là phóng viên tác nghiệp tại chiến trường Lào (Ảnh: Thu Hà).

Cá nhân ông Nghiệp đã gắn bó với nước bạn Lào gần cả cuộc đời. Đầu những năm 1970, ông cùng đoàn chuyên gia Việt Nam Thông tấn xã đóng tại hang núi Phu Khe - Sầm Nưa, giúp xây dựng PKL về tin, ảnh và kỹ thuật thu phát tin bán tự động theo phương châm ta làm bạn xem, rồi ta và bạn cùng làm, cuối cùng bạn làm ta xem, góp ý.

Khi đội ngũ phóng viên tin KPL làm việc tại Tổng xã Phu Khe đã quen công việc, ông lại được cử xuống tỉnh Khăm Muộn (Trung Lào) xây dựng tổ phóng viên để có thêm thông tin từ tỉnh này gửi về Tổng xã Phu Khe phản ảnh kịp thời phong trào sản xuất, các hoạt động văn hóa-xã hội và sẵn sàng chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm bản mường giải phóng.

Sau khi Lào giành được chính quyền vào năm 1975, các chuyên gia Việt Nam trở về nước, ông Nghiệp được tăng cường cho Phòng C (sau này là Ban CK), làm tổ trưởng tổ biên tập tin tiếng Việt. Đây là phòng đặc biệt của cơ quan thông tấn quốc gia mà một trong những nhiệm vụ quan trọng là làm tin phản ảnh kịp thời cuộc đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao của Pathet Lào để đăng trong Bản tin Thế giới phổ biến phát cho các báo, các đài phát thanh trong nước và giúp bạn làm bản tin tiếng Anh phát sóng ra thế giới bên ngoài. Ngoài giờ làm tin, Phòng C còn đón, bố trí nơi ăn ở cho cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật KPL sang thăm và trao đổi nghiệp vụ...

Bởi vậy, ngắm nhìn những bức ảnh trưng bày trong triển lãm, ông Nghiệp lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng là phóng viên TTXVN tác nghiệp tại chiến trường Lào.

Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết triển lãm ảnh "Quan hệ Việt Nam - Lào: Trường tồn và Phát triển" là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước và mang đến cho công chúng cái nhìn về lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào.

Theo ông Hoàng, các hoạt động văn hóa như triển lãm này cần được quan tâm, tổ chức nhiều hơn nữa để qua đó giúp giới trẻ hiểu biết thêm về lịch sử quan hệ, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

"Tôi đặc biệt thích khu trưng bày các bức ảnh về lịch sử hai nước, bởi lịch sử phải được nhắc lại liên tục, mỗi dịp kỷ niệm là cách tốt nhất để đưa những bức ảnh ấy tiếp cận với công chúng. Tôi hy vọng những bức ảnh lịch sử đặc biệt quý giá này sẽ được đưa lên triển lãm ảo, dưới dạng 360 độ, hay làm infographic để có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước đều được xem và hiểu thêm về tình hữu nghị sắt son Việt – Lào", ông Trần Nhất Hoàng nói.

Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho rằng, triển lãm đã phản ánh toàn diện những dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, những thành tựu nổi bật mà hai nước đã đạt được và cả những tình cảm mà nhân dân hai nước dành cho nhau trong suốt chiều dài lịch sử của hai dân tộc.

"Những hình ảnh đẹp và thắm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục được các thế hệ phóng viên của TTXVN và KPL ghi lại, góp phần vun đắp cho sự trường tồn và phát triển của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước", bà Trang khẳng định.

Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị hai bên biên giới Việt Nam - Lào
Những bông hoa nhỏ tô thắm tình hữu nghị
Top