Công tác viện trợ PCPNN: Những thách thức trong tình hình mới

2024-12-20 19:39:40
Các cơ quan ngoại giao, tổ chức PCPNN muốn nhập cảnh, cách ly y tế ở Hà Nội cần làm những thủ tục gì?
Chất lượng sống và dự án PCPNN phát triển kinh tế- xã hội là vấn đề được cử tri tại TP. Hồ Chí Minh quan tâm
Quảng cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Việt)

Ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chủ trì buổi tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có: đại diện Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và đại diện các đoàn thể, tổ chức nhân dân trung ương và một số cơ quan tham gia Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN).

Tọa đàm “Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và yêu cầu đặt ra trong tình hình mới” được tổ chức với mục đích tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả đạt được của lĩnh vực vận động viện trợ PCPNN, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, những điểm hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Tọa đàm cũng là dịp để các bên tham gia trao đổi kinh nghiệm, đánh giá về khó khăn, thuận lợi trong quan hệ hợp tác với các tổ chức PCPNN; xu hướng viện trợ PCPNN để cùng thảo luận đưa ra phương hướng và biện pháp để nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân nói chung, công tác PCPNN nói riêng.

Đặc biệt, các đại biểu cũng đưa ra những dự báo về công tác vận động viện trợ PCPNN; sự thay đổi trước những biến chuyển của tình hình thế giới và tác động của dịch bệnh; cũng như biện pháp mà đoàn thể, tổ chức nhân dân của Việt Nam ứng xử với những thay đổi có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Vĩnh Hòa - Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Việt)

Theo báo cáo tại tọa đàm, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 04/CT-TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư, Liên hiệp Hữu nghị với vai trò là cơ quan chuyên trách về đối ngoại nhân dân, đầu mối về công tác vận động viện trợ PCPNN đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và tăng cường tình cảm hữu nghị của nhân dân các nước, vận động các nguồn lực quốc tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại đây, đại diện của các tổ chức Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam... đã trình bày tham luận và đề xuất nhiều giải pháp nhằm duy trì, phát huy những thành tựu đã đạt được, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao chất lượng công tác vận động viện trợ PCPNN.

Ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Việt)

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, ông Phan Anh Sơn cho biết, kết quả công tác vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2011 - 2020 là tương đối tích cực trong bức tranh tổng thể chung của công tác PCPNN. Để khắc phục những hạn chế của công tác vận động viện trợ PCPNN trong thời gian qua, Liên hiệp Hữu nghị cần phối hợp với các đoàn thể, tổ chức nhân dân của Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu một cách bài bản, căn cơ các tổ chức, thị trường, đối tác có tiềm năng; nghiên cứu những nhu cầu trọng tâm trong Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019 - 2025...

Ông Phan Anh Sơn cũng cho rằng đổi mới hơn nữa phương thức trao đổi với các đối tác nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác phê duyệt, trao đổi, lấy ý kiến là những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng công tác vận động viện trợ PCPNN. Liên hiệp Hữu nghị với vai trò là cơ quan thường trực sẽ chủ trì, có ý kiến tham mưu, đề xuất các cơ quan có liên quan thực hiện các biện pháp trên.

Đối ngoại nhân dân trong tình hình mới: nhận diện cơ hội, thách thức và yêu cầu
Toạ đàm Phong trào nhân dân thế giới và khu vực trong bối cảnh tình hình quốc tế mới: 10 năm biến động, đổi thay
Top