Hòa giải Việt – Mỹ: Vượt qua nỗi đau, nghi kỵ để hướng tới tương lai

2024-12-20 19:55:04
Hợp tác kinh tế, thương mại là một trong những trọng tâm của quan hệ Việt – Mỹ Hội Việt – Mỹ: mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam sang Mỹ Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ: 15 năm một chặng đường
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Zing

Cả những người trong và ngoài cuộc đều thấy quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến hơn cả kỳ vọng. Đó là sự vượt qua nỗi đau về cuộc chiến tàn khốc với những hy sinh máu xương; là sự vượt qua thù hận, nghi kỵ trong lòng người; là những bước đi từng chút hàn gắn vết thương, khắc phục hậu quả chiến tranh…

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã chia sẻ ý nghĩa về câu chuyện của quan hệ Việt - Mỹ.

Thực tâm tìm đến nhau

Hòa giải Việt - Mỹ là một quá trình kéo dài nhiều thập kỷ sau cuộc chiến tranh khốc liệt, để lại nỗi đau rất lớn với dân tộc Việt Nam và nỗi ám ảnh thường trực trong lòng nước Mỹ. Quá trình hai bên sát lại gần nhau, vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai là chương dài của lịch sử quan hệ hai nước để ngày nay, có được quan hệ Đối tác Toàn diện, phát triển trên tất cả bình diện, từ song phương đến khu vực hay trên trường quốc tế.

Đại sứ Phạm Quang Vinh làm việc với cơ quan POW/MIA Mỹ tại Hawaii. Ảnh: ĐSQ

Nỗ lực hòa giải xuất phát từ mong muốn thực tâm của cả hai phía. Việt Nam đã có chủ trương rất nhân đạo khi phối hợp hỗ trợ phía Mỹ tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, khiến những người thân của họ ở Mỹ thấy được thông điệp nhân đạo của Việt Nam.

Về phía Mỹ, nhiều cựu binh Mỹ là những người đầu tiên trở lại Việt Nam, chỉ vài năm sau cuộc chiến (từ đầu những năm 1980). Đặc biệt, có những tên tuổi lớn như Thượng nghị sỹ John Kerry (sau này là Ngoại trưởng Mỹ), Thượng nghị sỹ John McCain, Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson…

Thậm chí có cả những cựu binh quay lại với thương tật trên cơ thể. Tất cả đều thấy trong họ nỗi niềm day dứt vì đã gây ra thương đau ở Việt Nam. Đến với Việt Nam, họ muốn gửi gắm thông điệp sẵn sàng cùng Việt Nam trở thành những người bạn. Thông điệp đó, cùng với phong trào trong lòng nước Mỹ đã tạo ra động lực để hai bên hỗ trợ nhau hàn gắn vết thương sau chiến tranh.

Những ngày 30/4 trên đất Mỹ

Tôi có nhiều dịp công tác nhiệm kỳ tại Mỹ, ở ba giai đoạn khác nhau trong quan hệ Việt – Mỹ: cuối những năm 1980, cuối những năm 1990 và nhiệm kỳ 2014-2018. Vì vậy, tôi cảm nhận rất rõ những chuyển biến theo chiều hướng đi lên của quá trình hòa giải, những đổi thay trong quan hệ hai nước do tăng cường hiểu biết, tăng cường niềm tin.

Còn nhớ vào dịp 30/4 của những năm 1980, trong lòng nước Mỹ vẫn chia rẽ một cách sâu sắc, nhiều người Mỹ vẫn nhớ đến Chiến tranh Việt Nam như một sự thất bại. Nỗi ám ảnh về chiến tranh với họ thời điểm ấy còn khá rõ rệt thì những năm gần đây, đã có sự chuyển biến, đổi thay khá nhiều. Cuộc chiến Việt Nam không còn là thất bại mà đã trở thành một bài học cho nước Mỹ, để không bao giờ xảy ra một cuộc chiến đau thương và phi lý như vậy. Ngay trong nước Mỹ cũng đã bàn về vấn đề thẩm quyền ra quyết định chiến tranh.

Quá trình hòa giải Việt – Mỹ có thể là những điều lớn lao như tư duy, chính sách… nhưng đôi khi lại là những điều rất nhỏ, những câu chuyện rất đỗi đời thường, là hành trình con người tự tìm đến con người.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện của tổ chức PeaceTrees Vietnam (Cây hòa bình Việt Nam) về một gia đình Mỹ mất người con trong chiến tranh Việt Nam. Nỗi đau ấy kéo dài tới năm 1995 khi hai nước bình thường hóa quan hệ và bà mẹ Mỹ mới có dịp thăm Việt Nam, nơi người con trai yêu dấu từng nằm lại. Đến Việt Nam, bà mới thấm thía một điều bà mẹ nào mất con cũng có nỗi đau. Để hàn gắn nỗi đau đó, bà đã lập Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam vận động, quyên góp, tháo gỡ bom mìn ở một số địa phương, trong đó có Quảng Trị. Sau khi làm sạch đất, tổ chức lại giúp người dân trồng cây và đưa nông sản xuất khẩu sang Mỹ. Họ đã xóa đi những nỗi đau trong nhau bằng những hoạt động nhân đạo và ấm tình người như vậy.

Cách đây vài ngày, dự án hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ liên quan đến tẩy độc sân bay Biên Hòa được khởi động. Nhân dịp này, hai bên cũng ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về ý định thực hiện trợ giúp những nạn nhân trong chiến tranh. Tôi muốn dẫn câu nói của Thượng nghị sỹ Patrick Leahy phát biểu tại sự kiện này: “Những dự án như vậy vừa gắn liền trực tiếp với người dân, vừa cho thấy hai dân tộc vốn là cựu thù, nay có thể làm hơn được rất nhiều và còn đi xa trong hợp tác”.

Có thể thấy mỗi cặp quan hệ song phương đều gắn với quá trình lịch sử và có “chất” riêng. Quan hệ Việt – Mỹ cần nhìn từ hai góc độ, một là vượt qua hận thù, nghi kỵ của chiến tranh để có thể trở thành đối tác của nhau, hai là sự song trùng lợi ích làm cho quan hệ toàn diện và phát triển. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ Việt – Mỹ xứng đáng ở tầm chiến lược.

Kiều bào – một phần của dân tộc

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng đại đoàn kết dân tộc, luôn mong muốn một dân tộc Việt Nam thống nhất, cùng nhau thúc đẩy thực hiện khát vọng hòa bình, phát triển thịnh vượng. Khát vọng lớn lao ấy xuyên suốt trong lịch sử dân tộc, là trăn trở của các nhà lãnh đạo Việt Nam từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết… Vừa qua, trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Chương trình Xuân Quê Hương (2018-2019), có thể thấy rõ khát vọng đại đoàn kết dân tộc để cùng nhau đưa Tổ quốc Việt Nam vươn lên, có vị trí trên trường quốc tế.

Bà Carrie Hessler-Radelet (trái) và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trong lễ ký kết cho phép Peace Corps vào hoạt động tại Việt Nam. Buổi lễ diễn ra giữa chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 5/2016. Ảnh: REUTERS

Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, chúng ta thấy rất rõ chính sách đối với kiều bào của Đảng và Nhà nước được kiều bào Việt Nam nói chung, trong đó có kiều bào tại Mỹ rất hoan nghênh. Ngày nay, họ trở về thăm quê hương, đất nước với số lượng ngày càng lớn. Có những người trở về để thăm thân, làm ăn, cũng có những người muốn trở về với Tổ quốc để sống những năm tháng cuối đời. Họ không còn vướng bận khi trở về đất nước liệu có còn tồn tại nghi kỵ, sự phân biệt đối xử hay không, họ trở về bằng tiếng gọi của con tim, với tư cách là thành viên của đại gia đình dân tộc Việt.

Tôi đã tâm sự với rất nhiều người trong số đó, thấy trong họ ánh lên niềm hạnh phúc khi nhắc tới chuyến về thăm quê hương, mỗi người đều có trong mình nhiều kỷ niệm rất đẹp, không chỉ gắn với quá trình phát triển, đổi mới của đất nước mà còn là cảnh sắc thiên nhiên, hương vị Tổ quốc từ món ăn, âm nhạc, tình thân… tất cả tạo nên sự gắn bó cả về tình cảm và lý trí giữa những người cùng chung một dân tộc.

Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những người, có thể do tư duy trong lịch sử hằn sâu hay do thiếu thông tin… chưa đồng cảm, tán thành những chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Với họ, Việt Nam có chủ trương đối thoại, cung cấp thông tin, thể hiện rõ chính sách hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và bày tỏ mong muốn mọi người đều chung tay đóng góp vào sự phát triển của Tổ quốc.

Chúng ta sẽ cảm thấy ấm áp khi biết được, ở đâu đó bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nơi có những con người mang dòng máu Việt sinh sống và làm việc, có thể tiếng Việt với nhiều kiều bào không còn thạo nhưng tiếng đàn bầu, tì bà hay nhạc Trịnh Công Sơn vẫn vang lên.

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu trong một buổi chia tay với bạn bè và chính giới Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Có lẽ, thu hút nhân tài và chia sẻ tình cảm là hai điều lớn nhất mà Việt Nam cần phải làm đối với kiều bào. Còn làm được gì nhiều hơn nữa về đại đoàn kết dân tộc hay không? Tôi nghĩ còn có thể! Quan trọng nhất, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, cải cách để phát triển hơn nữa, để mỗi kiều bào đều thấy đất nước có uy tín, vị thế trên thế giới. Việt Nam cũng cần tăng cường chính sách tiếp cận để kiều bào cùng chia sẻ thành tựu, đóng góp những ý kiến quý báu đối với vấn đề còn tồn tại.

Kiều bào ở Mỹ đến nay đã đến thế hệ thứ ba, do vậy, câu chuyện làm sao tiếp tục đưa văn hóa, tinh hoa dân tộc để thế hệ trẻ trong cộng đồng kiều bào Mỹ vẫn thấy dòng máu Việt trong mình rất quan trọng. Chúng ta đã thúc đẩy tiếp cận kiều bào qua nhiều kênh như báo đài, truyền hình nhưng việc dạy tiếng Việt cũng rất cần thiết. Với mỗi người con Việt, dù ở đâu, hai chữ Quê hương và Tổ quốc thiêng liêng và thân thương lắm./.

Xem thêm

'Tôi muốn trở lại Việt Nam. Mãi mãi ở lại đây’

Đây là mong ước cuối đời của Jess Devaney, thủy quân lục chiến Mỹ từng tham chiến Việt Nam những năm 1968-1970. Sau ngày hòa ...

Người Việt trên thế giới tổ chức kỷ niệm ngày thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5, bà con Việt kiều và cộng đồng ...

Lãnh đạo Hội Việt – Mỹ tiếp đoàn Viện Liên kết toàn cầu

Sáng 12/9, tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Việt - Mỹ Bùi Văn Nghị đã ...

Triển lãm về không gian văn hóa Việt – Mỹ

TĐO - Từ ngày 12 – 30/6, triển lãm về không gian văn hóa Việt – Mỹ mang tên “Mộng ảo – Lạc bước giữa ...

Top