“Sức sống Mê Kông” là dự án nâng cao năng lực và cải thiện cuộc sống cho phụ nữ vùng đồng bằng sông Cửu Long, thông qua hình thức tiết kiệm và vay vốn. Trong hơn một năm đầu thực hiện, dự án thu hút hơn 3.500 chị em tập hợp thành các ngân hàng nhóm, thực hành tiết kiệm, nhận lợi tức, cho thành viên vay để khởi nghiệp hoặc mở rộng kinh doanh... Khoảng 1.300 doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng, trang trại được thành lập và duy trì, tạo công ăn việc làm ổn định cho chị em.
Chị Thủy tăng gia sản xuất, mở rộng chăn nuôi.
Khởi nghiệp với số vốn vay 500.000 đồng, chị Tống Thị Thủy (34 tuổi) là tấm gương vượt khó thoát nghèo tiêu biểu tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Sau 8 lần vay quỹ nhóm với tổng số tiền 21 triệu đồng, chị Thủy không chỉ thoát nghèo mà còn làm chủ trang trại chăn nuôi lươn, heo, vịt và baba, đồng thời giúp đỡ nhiều chị em khác mượn vốn kinh doanh.
Theo cán bộ dự án Nguyễn Thị Lệ Hằng, trước đây, gia đình chị Thủy có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Chồng làm nghề thợ hồ, công việc nay có mai không, còn vợ ở nhà nội trợ. Mức góp tiết kiệm bắt buộc 10.000 đồng được các thành viên nhóm thống nhất trong lần họp đầu tiên. Dù ái ngại vì tài chính khó khăn, song chị Thủy vẫn cố gắng đóng góp như mọi người. Sau hơn một tháng, nhóm trích quỹ cho chị Thủy vay 500.000 đồng để tăng gia sản xuất.
“Sống tha hương, không người thân, đây là số tiền ban đầu quan trọng đối với hoàn cảnh của tôi", chị Thủy cho biết. Có vốn vay, chị Thủy mua lươn về nuôi để trả lãi hàng tuần cho nhóm và tích lũy vốn riêng. Mạnh dạn mở rộng sản xuất, chị vay thêm vốn để nuôi heo. Doanh thu từ lươn và heo được chị Thủy quay vòng vốn để nuôi thêm vịt và ba ba, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Các buổi họp nhóm hàng tuần giúp chị em học cách tiết kiệm, vay vốn, chia sẻ kiến thức kinh doanh và các thông tin hữu ích trong cuộc sống.
Không chỉ tạo dựng kinh tế ổn định, dự án còn giúp chị em tương trợ và xích lại gần nhau, tương trợ lẫn nhau hơn. Nhiều phụ nữ trong nhóm còn giúp đỡ gia đình chị Thủy bằng cách bán heo giống với giá tốt và cho trả sau. Ngoài ra, chị còn được hướng dẫn tận tình kiến thức và kỹ năng nuôi heo mau lớn; dạy chữ, phép tính toán và ghi chép sổ sách để quản lý vốn, lãi.
“Trước đây tôi ngại tiếp xúc với hàng xóm nhưng sau khi tham gia dự án, tôi thấy mình tự tin hơn, mạnh dạn phát biểu ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của bản thân mỗi khi họp nhóm”, chị Thủy chia sẻ.
Dự án “Sức sống Mê Kông” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, Tổ chức phi chính phủ PACT và Coca-Cola Việt Nam triển khai từ năm 2013 đến năm 2016, với tổng vốn đầu tư 1,2 triệu USD. Đây là chương trình tài chính dựa trên tiết kiệm, với mục tiêu ban đầu là tiếp cận và hỗ trợ ít nhất 5.000 phụ nữ huyện Tam Bình và thành phố Vĩnh Long. Dựa trên những thành công đạt được, Coca-Cola, PACT và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ mở rộng dự án sang các huyện khác của tỉnh Vĩnh Long.
Theo VnExpress