Nhiều người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã tìm mọi cách trở lại chiến trường khói lửa một thời để thực hiện công tác nhân đạo như thay lời xin lỗi và bù đắp phần nào những mất mát họ đã gây ra cho người dân vô tội. Hơn 10 năm nay, đoàn "Cựu chiến binh vì Hòa bình" (VFP - Mỹ) đã có nhiều chuyến thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ cựu chiến binh Việt Nam; thăm các nạn nhân, gia đình nạn nhân, cơ sở chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, một số địa điểm bị nhiễm chất độc da cam... Đến hẹn lại lên, từ ngày 16-4 đến ngày 2-5-2015, VFP có mặt và thực hiện các hoạt động nhân đạo nói trên. Trở lại đất nước hình chữ S sau gần nửa thế kỷ, các cựu chiến binh Mỹ không khỏi xúc động khi được đón tiếp bằng lòng vị tha, bao dung, ấm áp tình người.
Cựu binh Mỹ Jones Suel Duane
Cựu binh Mỹ Jones Suel Duane cho biết: "Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam là vào những năm 1968-1969. 30 năm sau, năm 1998, tôi quyết định quay lại Việt Nam và thật sự ngạc nhiên khi chứng kiến những thay đổi tại đất nước các bạn. Việt Nam đã hồi sinh một cách kỳ diệu. Với tôi lần trở lại Việt Nam năm đó giống như tìm về được với mái ấm và tình yêu thương, giúp tôi cảm thấy tâm hồn bình yên lạ thường". Từ đó, trong vai trò thành viên VFP, ông Jones thường xuyên đến Việt Nam để thăm, trao tặng các khoản hỗ trợ mà ông vận động quyên góp được từ bạn bè và người quen ở Mỹ dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại Làng Hữu nghị ở Hà Nội. Ông cùng các thành viên VFP hiện đang tập trung vào việc hỗ trợ người dân Quảng Trị, Thừa Thiên Huế loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh bom, tặng xe lăn cho trẻ khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam, dạy tiếng Anh cho trẻ em... Ông cho biết, những công việc tưởng chừng như đơn giản này đã giúp các cựu chiến binh Mỹ như ông thoát khỏi những ám ảnh tội lỗi trong quá khứ.
Frank Campbell, một thành viên của VFP đã có những cảm xúc đặc biệt khi lần đầu tiên quay trở lại Việt Nam.
Cũng giống như Jones Suel Duane, Frank Campbell, một thành viên của VFP đã có những cảm xúc đặc biệt khi lần đầu tiên quay trở lại Việt Nam kể từ năm 1974. Ông là cựu chỉ huy tàu của Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông. Tuy không trực tiếp cầm súng tham chiến nhưng tâm sự của Campbell vẫn phảng phất sự dằn vặt về cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân đội Mỹ. Trong nhiều năm, Campbell luôn mong muốn được quay lại mảnh đất chịu nhiều đau thương này nhưng vì nhiều lý do khách quan mà mãi đến hôm nay, tròn 40 năm kết thúc chiến tranh, ông mới thực hiện được tâm nguyện. Với nhiều dự định nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, chuyến đi lần này chỉ là bước khởi đầu cho một kế hoạch ông sẽ thực hiện. Bằng số tiền gây quỹ được ở Mỹ, ông mong muốn góp phần tẩy chất độc da cam trong đất, trong nước tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, hỗ trợ trẻ khuyết tật do nhiễm dioxin. VFP chỉ là một trong những tổ chức mà Campbell tham gia. Ông còn vận động nhiều cựu binh tham gia vào những tổ chức tương tự, nói lên tiếng nói phản đối chiến tranh, để cùng hiểu rằng "chiến tranh là vô ích và vô nghĩa".
Theo Hà Nội Mới