NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

2025-01-15 19:24:43

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, chiều 26/11, tại Đại học tổng hợp Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga (FU) ở thủ đô Moskva đã diễn ra phiên họp thứ nhất Hiệp hội khối đại học kinh tế của Liên bang Nga và Việt Nam và lễ ký văn bản gia nhập hiệp hội này.

Theo thỏa thuận thành lập ngày 10/9, Hiệp hội khối đại học kinh tế của Nga và Việt Nam đã thông qua quy chế hoạt động chung, nêu rõ mục tiêu là phát triển hợp tác giữa các trường đại học của hai nước, điều phối nghiên cứu các dự án và chương trình hợp tác có tiềm năng. Hiệu trưởng FU và Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh là hai đồng Chủ tịch của Hiệp hội.

Phiên họp thứ nhất Hiệp hội khối Đại học kinh tế của Liên bang Nga và Việt Nam. (Ảnh: Duy Trinh/PV TTXVN tại LB Nga)

Phát biểu chào mừng sự kiện, quyền lãnh đạo Cục hợp tác quốc tế Bộ Giáo dục Nga Nikolai Kudriavtsev nêu rõ sang năm 2025, Việt Nam và Nga sẽ kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Cho đến nay, hợp tác giữa hai nước đã bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác giáo dục luôn được duy trì ở mức rất cao. Mỗi năm, Nga dành cho Việt Nam 1.000 suất học bổng tại các trường đại học hàng đầu của nước này. Theo số liệu của năm 2022-2023, khoảng 3.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Xứ sở Bạch Dương. Cũng theo ông Kudriavtsev, không chỉ cần đào tạo nhân lực chuyên môn cao, mà quan trọng là đầu ra cho các nhân lực và việc hợp tác của các trường thuộc hiệp hội trên cũng nhằm thực hiện nhiệm vụ này.

Tại phiên họp trên, Hiệu trưởng FU, ông Stanislav Prokofiev cho biết việc phát triển hợp tác chuyên ngành hẹp trong hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nga nhằm mục đích hiện thực hoá yêu cầu tăng cường hợp tác mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 6/2023 của Tổng thống LB Nga Vladimir Putin.

Việc thành lập Hiệp hội khối đại học kinh tế của Nga và Việt Nam nhằm đạt những kết quả cụ thể trong hợp tác nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án, thúc đẩy văn hoá và ngôn ngữ lẫn nhau giữa hai nước. Giáo sư, tiến sĩ S. Prokofiev cũng tin tưởng rằng khi tham gia Hiệp hội, các cơ sở giáo dục thành viên sẽ có thể nâng cao chất lượng đào tạo của mình cũng như góp phần phát triển quan hệ giữa hai nước.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh Nguyễn Đông Phong cho rằng lâu nay các trường đại học kinh tế-tài chính của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác riêng lẻ với các trường cùng chuyên ngành của Nga, song việc mở rộng Hiệp hội, thành lập một tổ chức hợp tác chung là bước đi chiến lược, không chỉ gia tăng nguồn lực mà còn nâng tầm của tổ chức, hướng tới giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua hợp tác giáo dục và nghiên cứu. Ông tin tưởng rằng sự kiện ngày hôm nay là dấu mốc mở đầu một chặng đường hợp tác mới và là nền tảng quan trọng để làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nga.

Cũng tại phiên họp này, đại diện lãnh đạo Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia, Đại học Tài chính và Ngân hàng Hà Nội đã ký Bản ghi nhớ về gia nhập Hiệp hội. Hiệp hội đã kết nạp thêm các thành viên mới là các trường đại học kinh tế Uran, Rostov, Học viện Ngoại thương.

Thêm một sự kiện khẳng định sự coi trọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục là việc Bộ Giáo dục Nga cùng ngày đã trao tặng danh hiệu “Đại sứ giáo dục Nga” cho bà Tô Tuyết Khanh, chuyên gia về hợp tác quốc tế của Đại học Tài chính Nga, ghi nhận tầm quan trọng của cây cầu nối trong hợp tác Nga-Việt./.

Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và Liên bang Nga

Hai bên thảo luận việc lập danh sách các chủ đề chung cùng quan tâm cũng như tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học chung, trao đổi chuyên viên để đào tạo.

(TTXVN/Vietnam+)
Top