Nỗ lực ngăn ngừa cá chết ở đảo Phú Quý, Bình Thuận

{?$detail['time']}

UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện đảo Phú Quý triển khai các biện pháp ngăn ngừa tình trạng cá chết ở khu nuôi cá lồng bè trên đảo Phú Quý.

Trước hết, thông báo kiểm tra tình hình cá chết vào ngày 9/5 cho người dân biết rộng rãi; hướng dẫn người nuôi trang bị đầy đủ các thiết bị xử lý môi trường khi có sự cố xảy ra. Các hộ nuôi cá bố trí người trực tại lồng bè 24/24, kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về môi trường để xử lý kịp thời. Cơ quan chức năng thường xuyên bám sát vùng nuôi, hướng dẫn và yêu cầu người nuôi di chuyển lồng bè đến khu vực có điều kiện môi trường tốt hạn chế rủi ro xảy ra.

Hiện tượng cá nuôi ở đảo Phú Quý chết hàng loạt một cách bất thường đã xảy ra từ khoảng 3 giờ sáng 9/5 với 7 hộ nuôi bị thiệt hại nặng, tổng số cá chết hơn 7.000 con (chủ yếu là cá mú thành phẩm). Ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Mặc dù lực lượng chức năng nói đã cho người xuống kiểm tra tình hình tại địa bàn xảy ra cá chết từ sáng 11/5/2016 nhưng đến nay đã 4 ngày, vẫn chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân khiến cho cá nuôi ở đây chết hàng loạt. Đại điện cục kiểm ngư địa phương cho biết vì không có dụng cụ phân tích nước biển và để biết nguyên nhân chính xác cần có các nhà khoa học vào cuộc.

Cùng ngày 11/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện đảo Phú Quý thống kê số lượng cá chết và tổng thiệt hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

Cục trưởng Cục Thuỷ sản Bình Thuận lý giải, tại vùng biển Phú Quý, thường có hiện tượng rong rêu, đặc biệt là rêu xanh thường bám vào rạn đá và san hô ở khu vực người dân nuôi thủy sản, khi vào mùa nắng nóng rong rêu bị chết đi sẽ tạo ra một thảm thực vật bị ô nhiễm, đặc biệt sinh khí độc làm ô nhiễm vùng nước trong một thời gian ngắn.

Các năm trước thì hiện tượng này vẫn xảy ra nhưng không đáng kể vì có luồng nước chảy cuốn đi và người dân trực ứng phó kịp thời. Nhưng riêng năm nay nhiệt độ cao, rong rảo phát tán nhiều, khi rong tảo chết đúng thời điểm tại khu vực 5 lồng bè này chỉ có gió nhẹ, nước bị tù đọng, thiếu oxy, cộng với thời gian xảy ra sự việc các lồng bè này không có người ứng trực để bơm oxy kịp thời nên đã xảy ra hiện tượng cá mú chết. Những lồng bè nằm trong khu vực có luồng nước chảy thì không bị ảnh hưởng

Người đứng đầu Trạm Khuyến ngư Phú Quý cũng nói tình trạng cá nuôi lồng bè ở đảo chết hàng loạt trong mùa nắng không chỉ diễn ra trong năm nay, mà những năm trước cũng từng xảy ra hiện tượng này. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào năm 2002, nặng nhất là vào năm 2007. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, ở khu vực nuôi trồng thủy sản đảo Phú Quý đã ghi nhận có 3 đợt cá chết, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo một số bộ, ngành địa phương kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản liên quan.

Nhất là thực hiện Quyết định số 772 ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến được với người dân kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân.

Trường hợp có vướng mắc, yêu cầu khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn bài viết : xổ số miền nam

Top