Chỉ nên dạy 1 ngoại ngữ đối với học sinh. (Ảnh minh họa)
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ lớp 10, học sinh có thể chọn Ngoại ngữ 2 là môn tự chọn. Tuy nhiên, góp ý về nội dung này, ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT WellSpring, Hà Nội cho rằng, các trường THPT chưa đáp ứng được việc giảng dạy nhiều ngoại ngữ. Nhiều trường chưa có đủ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường học. Một số trường dạy thêm ngoại ngữ 2 nhưng học sinh học rất ít.
Vì vậy theo ông Đại, nếu thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường phải thống kê được môn ngoại ngữ 2 nào được học sinh lựa chọn nhiều để sắp xếp giáo viên và cơ sở vật chất tương ứng. Bên cạnh đó, ông Đại còn cho rằng, việc học sinh lớp 11 và 12 có thể tự chọn tối thiểu 5 môn học sẽ phải sắp xếp lại giáo viên giảng dạy phù hợp với những môn học lựa chọn trong khi cơ sở vật chất chưa kịp đổi mới.
Đồng quan điểm về việc dạy môn Ngoại ngữ 2, cô Trần Thị Hồng Hạnh, giáo viên dạy tiếng Anh, trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội cho biết, tiếng Anh vẫn là môn học bắt buộc tại các trường THCS, môn ngoại ngữ 2 chỉ là môn tự chọn ở một số trường. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy ngoại ngữ 2 là môn tự chọn từ THCS sẽ gây nhiều bất cập cho các trường.
Theo góp ý của cô Hạnh, hầu hết học sinh chỉ học được 1 ngoại ngữ, nhiều em đăng ký học thêm Ngoại ngữ 2 nhưng không hiệu quả nên nếu học thêm sẽ lãng phí tiền, thời gian, công sức. Vì vậy, cô Hạnh cho rằng, ở cấp Tiểu học và THCS chỉ nên cho học sinh học một ngoại ngữ bắt buộc bởi các em còn chịu áp lực từ nhiều môn khác. Nếu dạy 2 ngoại ngữ cùng lúc từ cấp THCS có thể khiến áp lực học hành đối với học sinh nặng nề hơn.
Minh Anh