NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Lại nóng chuyện lạm thu đầu năm học mới

2024-12-21 13:49:51

Chỉ còn vài ngày nữa năm học mới 2016-2017 sẽ chính thức bắt đầu. Nhưng những ngày này, báo VOV đã nhận được khá nhiều phản ánh của các phụ huynh về tình trạng lạm thu đầu năm học mới.

Cũng giống như các năm học trước, xem ra năm học 2016-2017 này, nhiều khoản thu đầu năm học cũng được coi là khá phi lý. Ví dụ, cứ vào năm học mới, các cháu học lớp 1 nhiều trường lại có khoản thu để “lắp điều hòa” khiến nhiều cha mẹ bức xúc nhưng cũng đành ngậm ngùi… bởi lo cho con, sợ mình nói ra cô giáo lại ghét con thì sao. Cái phi lý trong chuyện lắp điều hòa không khí cho các con là ở chỗ: không phải bây giờ mới có việc lắp điều hòa, mà nhiều trường lớp đã lắp cả chục năm nay rồi. Thế nhưng, vì sao lớp đầu cấp nào các con cũng phải đóng tiền mua mới điều hòa? Đặt câu hỏi này là vì, hầu hết các lớp cuối cấp, khi ra trường thường để lại điều hòa tặng cho các em khóa sau chứ họ không tháo điều hòa đó để bán. Họ coi đó là một món quà nhỏ để các em học sinh khóa sau không phải lo lắp điều hòa nữa. Thế nhưng, năm nào khoản thu này cũng có trong danh mục các khoản thu đầu năm của nhà trường.

Ảnh minh họa

Một bí mật được một số người làm trong các trường chia sẻ, do lắp mới điều hòa có “ăn chia” hoa hồng nên nhiều lớp đã tháo điều hòa cũ (dù vẫn đang chạy tốt) để thay điều hòa mới. Nếu được phép làm một cuộc kiểm tra nhỏ trong các kho của các trường tiểu học, trung học phổ thông thì sẽ thấy tình trạng lãng phí vô cùng lớn ở đây. Nhiều chiếc điều hòa vẫn chạy tốt, máy chiếu, màn hình tivi… vẫn chạy tốt nhưng đều bị đắp chiếu để mua sắm mới.

Phụ huynh bức xúc với những khoản đóng góp “ngoài ra” nhưng chẳng biết kêu với ai. Bởi, trong cuộc họp phụ huynh, nếu nêu ý kiến cụ thể thì lại rước phiền toái cho con mình trong suốt năm học. Đã có phụ huynh chia sẻ, sau khi góp ý về khoản thu của trường tổ chức dã ngoại cho các con với cô giáo, hôm sau cô đưa chuyện ra nói luôn trước lớp là mẹ bạn A nói rằng việc thu tiền như vậy là không phù hợp, là quá cao… Lập tức, giờ ra chơi, con chị đã phải “lĩnh” hậu quả. Các bạn trong lớp xông vào dè bỉu, nói nọ, nói kia. Cô bé về nhà chỉ biết khóc và đề nghị, từ nay mẹ không được phát biểu ý kiến gì về lớp con…

Thực tế, cũng đã có những chuyện các con phải chịu những búa rìu sau những cuộc tranh luận giữa cha mẹ học sinh và cô giáo, giữa những toan tính của người lớn. Còn nhớ, trong năm học 2015-2016, đã có trường hợp Hiệu trưởng “bêu” tên phụ huynh trước giờ chào cờ vì “dám” có ý kiến về những khoản thu đầu năm học của nhà trường.

Những bức xúc của phụ huynh, nhiều người bảo nên thông qua Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh. Nhưng không ai muốn qua họ cả. Bởi thực tế, họ chính là “cánh tay nối dài” của nhà trường trong việc lạm thu. Khi tham gia Ban phụ huynh, không ít người đã có toan tính lợi ích cho con em mình trong đó. Và nhiều người trong Ban phụ huynh lại có điều kiện kinh tế khá giả nên nói đến tiền họ không ngại. Thậm chí, họ còn là người thuyết phục các phụ huynh trong lớp tích cực đóng góp hơn.

Báo chí đưa tin, phản ánh tình trạng lạm thu, lãnh đạo ngành Giáo dục vào cuộc. Thế nhưng chẳng phát hiện ra lạm thu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc là không có ai bị xử lý. Không có người bị xử lý thì đương nhiên chuyện này sẽ không thể chấm dứt.

Câu chuyện đau lòng về một cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có quần áo mới trong ngày khai giảng đã khiến nhiều người rơi nước mắt. Thử hỏi, trong số hàng triệu học sinh đang đi học, có bao nhiêu em đang có tâm tư như em bé này, có hoàn cảnh giống như gia đình em mà nhiều thầy cô không biết? Có thể, một khoản tiêu vặt của gia đình này lại là gia sản lớn với nhiều gia đình nghèo khác. Nhưng đừng vì thế mà có suy nghĩ rằng đã cho con đi học thì bố mẹ nào cũng có thể lo cho con bằng chúng, bằng bạn.

Theo An Nhi/VOV

Top