Chi vài nghìn USD để “chạy” trường cho con
Trên các diễn đàn mạng, các phụ huynh rỉ tai nhau muôn cách để “chạy” vào trường điểm đầu cấp. Theo báo Tin tức, để lo cho con vào trường có tiếng ở Hà Nội, nhiều người phải bỏ ra vài nghìn USD. Tuy nhiên, khi được hỏi trực tiếp về vấn đề này, họ e dè và không dám thừa nhận đã dùng tiền và mối quan hệ để “chạy” trường cho con.
Theo ý kiến của một phụ huynh thì nguyên nhân của tình trạng này là do việc quy hoạch hệ thống trường công và trường tư còn chưa phù hợp. Điều này dẫn đến việc ở các quận ở Hà Nội vẫn thiếu chỗ học cho học sinh. Không những thế nó còn tạo cơ hội cho nhiều gia đình có tiền, có quan hệ “chạy” vào những ngôi trường “top”.
Phụ huynh chen lấn nộp hồ sơ cho con vào trường điểm ở Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Không chỉ có trường công, các phụ huynh còn đổ xô “chạy” cho con ở những trường tư có thương hiệu. Tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn ( Mỹ Đình, Hà Nội) phụ huynh xếp hàng dài nộp đơn cho con, còn ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thông báo năm học 2016 – 2017 tuyển sinh 19 lớp 1, số lớp tăng theo nhu cầu của phụ huynh.
Ngoài việc “đổ” tiền để “chạy” trường lớp cho con, các bậc phụ huynh cũng đầu tư hàng chục triệu cho con học thêm, thuê thầy kèm riêng, học ngày học đêm để đủ sức thi vào trường chuyên, lớp chọn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận Bộ cùng UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh do việc xin học trái tuyến và học chọn lớp nhưng hiện tượng “chạy” trường lớp vẫn còn tồn tại ở nhiều đô thị, khu vực đông dân cư gây áp lực cho cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành.
Chênh lệch về sự đầu tư giữa trường điểm và trường bình dân
Thực tế cho thấy sự phân hóa lớn giữa các trường về kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất. Theo báo Tin tức, một số quận tại trung tâm Hà Nội đầu tư có sự chênh lệch, ngay trong cùng một quận, hai trường gần nhau nhưng khác nhau về cơ sở vật chất. Các trường điểm không chỉ được nhà nước chi phí đầu tư đến lương giáo viên mà còn được thu thêm các khoản dịch vụ phát sinh khác.
Ngoài ra, việc phụ huynh “chạy” trường cho con vào các trường điểm đã làm mất bình đẳng giữa các trường công, vừa làm nạn "chạy chọt" đang ngày càng trở nên nhức nhối.
Việc quy hoạch các trường ở các quận tại Hà Nội cũng đang có rất nhiều bất hợp lý, nơi thừa nơi thiếu. Từ lâu nhà nước đã có chủ trương và kêu gọi xã hội hóa giáo dục, mời các nhà đầu tư tham gia chia sẻ gánh nặng với nhà nước. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng bức xúc khi cho rằng việc mở các “siêu” trường không chỉ gây ra sự bất công giữa các trường trong hệ thống trường công lập mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các trường ngoài công lập.
Theo TS. Lê Tiến Thành (nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT) cho rằng, nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ để tạo điều kiện nuôi dưỡng các trường tư để phục vụ các học sinh, đồng thời gánh đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ngày 2/6/2016, Bộ GD&ĐT có công văn gửi giám đốc các Sở Giáo dục trên cả nước yêu cầu triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh tiêu cực phát sinh do việc xin học trái tuyến và học chọn lớp, hiện tượng chạy trường, chạy lớp. Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nhằm chạy trường, chạy lớp. |