Sự việc sẽ chẳng ai biết đến nếu như không có chuyện thi vào biên chế. Kể từ đây, nhiều vấn đề tồn tại từ lâu được tiết lộ. Các cơ quan chức năng thì lúng túng, thậm chí có dấu hiệu gian dối, vi phạm trong việc giải quyết
Cô Hà Thị Huê (Trường Mầm non Sơn Lai - tên thật là Hà Thị Kim Thoa) đã gắn bó 27 năm với công việc dạy học mầm non.
Gần 30 năm số phận trớ trêu
Qua con đường nhỏ vòng quanh chùa Bái Đính, chúng tôi đến với khu lẻ Trường Mầm non Sơn Lai để tìm hiểu về hoàn cảnh éo le của các cô giáo nơi đây đang gặp phải. Ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp, cũ kỹ, thuê lại một phần của hợp tác xã chính là nơi chị Hà Thị Huê (giáo viên Trường Mầm non Sơn Lai, Nho Quan, Ninh Bình) đang hằng ngày dạy dỗ, chăm sóc hơn 30 em nhỏ. Vừa vỗ về cho các con ngủ, chị Huê vừa kể cho chúng tôi nghe về chặng đường 30 năm dựng lớp trồng người.
Những người đi gieo sự học
Giọng nghẹn ngào, chị Huê tâm sự: “Cách đây gần 30 năm, từ những năm 1979, các hợp tác xã trên địa bàn huyện Nho Quan kêu gọi, tuyển dụng giáo viên để mở trường, mở lớp với mức trợ cấp 20.000 đồng cùng 20kg thóc/tháng. Chúng tôi, khi ấy mới là những cô gái trẻ đã hăng hái xung phong, trèo đèo, lội suối đi vào tận các nhà dân vận động bà con đưa trẻ đến trường.
Ngày ấy, Nho Quan còn nghèo lắm, khó khăn và vất vả hơn bây giờ rất nhiều, bà con không phải ai cũng biết cho con em đến trường. Vào thời điểm đó có rất nhiều người tham gia, nhưng vì đồng lương quá thấp không bám trụ được nên đã bỏ nghề. Chị em chúng tôi, những người cố bám trụ lại vẫn tiếp tục tâm huyết gắn bó với nghề, đi mượn nhà dân mở lớp, đến từng gia đình vận động các cháu nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp”.
Sự việc vẫn sẽ cứ thế cho tới năm 1996. Với yêu cầu để đạt chuẩn, các giáo viên tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nếu chưa có trình độ phải theo học lấy bằng trung cấp mới được tiếp tục công tác. Vì không có bằng THPT, 48 giáo viên này đành đi mượn giấy chứng nhận tốt nghiệp và đồng thời, nhiều giấy tờ liên quan khác cũng thay đổi theo tên tấm bằng đã mượn.
Kể từ đây, chị Huê (tên thật là Hà Thị Kim Thoa) cùng các cô giáo khác phải đi làm lại giấy khai sinh, CMND... Tất cả các chị đều chấp nhận bỏ tên cũ để mang một cái tên mới hoàn toàn. Chị Huê cho biết, đến nay, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm, các giấy tờ liên quan đến con cái, gia đình… và kể cả thẻ đảng viên cũng đều mang theo cái tên mới như tấm bằng THPT các chị đã mượn.
Các giấy tờ của cô Thoa đều mang tên mới là Hà Thị Huê
Sau đó, các giáo viên trên được Phòng Giáo dục huyện Nho Quan cho đi học trung cấp chuyên ngành mầm non hệ chính quy. Học xong, các giáo viên này trở về trường công tác bình thường. Tới năm 2000, Phòng Giáo dục huyện Nho Quan xem xét duyệt hồ sơ đủ điều kiện tiêu chuẩn để chính thức ký hợp đồng lao động dài hạn, được đóng bảo hiểm xã hội và được hưởng mức lương 100.000 đồng/tháng. Trong số tiền 100.000 đồng, các giáo viên chỉ được hưởng 48.000 đồng còn lại 52.0000 đồng đóng tiền bảo hiểm xã hội.
Trong số 48 giáo viên, có nhiều giáo viên đã phấn đấu giành tấm bằng đại học và được Bộ trưởng Bộ GDĐT tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục”. Trong quá trình công tác, các giáo viên đã có nhiều thành tích xuất sắc, lao động tiên tiến cấp huyện. Đến năm 2010, các giáo viên trên được Phòng Giáo dục huyện xem xét đủ điều kiện, tiêu chuẩn và được đưa vào Đề án 03 (về chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập) của UBND tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên đến đợt cuối cùng của đề án 03, vào tháng 3.2013, các giáo viên này được làm hồ sơ xét tuyển viên chức lần cuối khi mang hồ sơ lên Phòng Nội vụ huyện Nho Quan, được thông báo không đủ điều kiện xét tuyển với lý do “bằng tốt nghiệp THPT đi mượn” và vẫn giữ mức trợ cấp là 1.860.000 đồng/tháng.
Điều này khiến 48 giáo viên vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ. Kể đến đây, chị Huê bật khóc: “Ngày ấy, chúng tôi đi dạy vì yêu trẻ, yêu nghề nên mới động viên nhau ở lại mượn lớp, dựng trường rồi mới có chuyện mượn giấy chứng nhận tốt nghiệp để đi học. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản đi học để được tiếp tục công việc, nếu chúng tôi nghỉ hết cũng không còn ai tình nguyện dạy các em nữa. Chúng tôi nào đã nghĩ đến biên chế như ngày hôm nay”.
Tối hậu thư dành cho 48 giáo viên
48 giáo viên, sau 2 năm ròng rã đi gõ cửa các cơ quan chức năng từ huyện lên tỉnh, rồi lên cả Bộ GDĐT, thậm chí gửi cả Thủ tướng sự việc vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm. Trải qua nhiều cuộc họp, đến ngày 16.3.2015, UBND huyện Nho Quan mới có văn bản số 183 phúc đáp ý kiến của những giáo viên này. Điều đáng nói tại văn bản 183, UBND huyện Nho Quan giao Phòng Tư pháp tham mưu cho UBND huyện thu hồi, huỷ bỏ những giấy tờ hộ tịch do UBND các xã cấp sai với quy định của pháp luật.
Ngoài ra UBND huyện Nho Quan cũng chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn giáo viên mầm non hợp đồng có giấy tờ hộ tịch do UBND xã cấp sai quy định đăng ký lại việc khai sinh, làm lại các giấy tờ hộ tịch theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo trưởng công an các xã đính chính, bổ sung các thông tin ghi trong sổ hộ khẩu theo nội dung bản chính, hoàn thành trước ngày 30.4.2015. Hướng dẫn 48 giáo viên mầm non hợp đồng sau khi đăng ký lại hộ khẩu và CMND.
Tới ngày 20/7/2015, UBND huyện Nho Quan tiếp tục có văn bản số 673 phúc đáp. Nội dung văn bản thể hiện, trước thời điểm đề án 03, 48 trường hợp ký hợp đồng với UBND các xã làm cô nuôi dạy trẻ đều chưa tốt nghiệp THPT.
Công an tỉnh Ninh Bình thu giữ các loại giấy tờ của 48 giáo viên ngoài biên chế của huyện Nho Quan để xác minh làm rõ lý do không đủ điều kiện xét tuyển viên chức. Theo nội dung văn bản này UBND huyện Nho Quan cũng chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát giấy CMND và các giấy tờ tuỳ thân khác, văn bằng tốt nghiệp của từng cá nhân để hướng dẫn thu hồi, huỷ bỏ hoặc đăng ký lại.
Đơn kiến nghị được các giáo viên gửi đến cơ quan chức năng
Ngày 25/3/2016, UBND Nho Quan, ra tối hậu thư cho 48 giáo viên với nội dung, các giáo viên đã có hành vi gian lận trong đăng ký hộ tịch và sử dụng văn bằng không hợp pháp. Theo đó, các giáo viên phải trực tiếp đến Phòng Tư pháp huyện đăng ký lại việc khai sinh và hoàn thiện các giấy tờ hộ tịch theo quy định tại văn bản 183 ngày 16/3/2015 của UBND huyện Nho Quan. Sau khi đăng ký lại việc khai sinh và hoàn thiện các giấy tờ hộ tịch theo quy định, nếu có nhu cầu tiếp tục ký hợp đồng lao động hoặc không có nhu cầu hợp đồng lao động đến Phòng Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn. Nếu các giáo viên không thực hiện việc trên trước ngày 30/5/2016, UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chủ quản chấm dứt hợp đồng lao động.
Chị Huê tâm sự: “Tất cả giấy tờ tùy thân của chúng tôi hiện đã mang tên họ mới, bằng đại học, sổ bảo hiểm, giấy tờ của con... nếu bây giờ bắt chúng tôi đổi lại thì rất vất vả, chúng tôi cũng không biết phải thay đổi như thế nào nữa”. Do không ý thức được hậu quả từ trước, sự việc này đang khiến 48 giáo viên rơi vào cảnh hoang mang, và ảnh hưởng không ít đến đời sống gia đình, con cái...