Một bữa thịnh soạn của giới nhà giàu - Ảnh minh họa
Còn 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán năm 2016 nhưng chị Trần Thanh Hiền, vợ của sếp một doanh nghiệp lớn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, đã mua sắm, chuẩn bị gần đầy đủ đồ ăn, thức uống để mang biếu tặng và sử dụng trong dịp này. Các mặt hàng được chị Hiền lựa chọn cẩn thận và hầu hết có nguồn gốc “ngoại” từ đùi gà Hàn Quốc, lạp xường Campuchia cho tới nho khô Úc, rượu vang Pháp, bánh kẹo Nga…
“Ngoài những món ăn truyền thống như bánh chưng, măng miến thuần Việt ra thì các món ăn khác nhà mình hầu hết đều gắc mác ngoại. Không phải “sính” hàng ngoại đâu mà căn bản là lựa chọn vậy để yên tâm hơn trong khâu an toàn thực phẩm và cũng sang trọng hơn khi mang biếu tặng”, chị Hiền nói.
Chỉ nhặt hàng ngoại khi đi siêu thị
Để phục vụ cho nhu cầu Tết, các sản phẩm bánh kẹo gần như đã phủ kín từ các cửa hàng tạp hoá nhỏ cho tới các siêu thị ở Hà Nội. Đáng chú ý, cùng với các dòng sản phẩm trong nước, các loại bánh kẹo ngoại nhập khẩu cũng chiếm một vị trí tương đối lớn trên các kệ hàng, chiếm tỷ lệ có phần “nhỉnh” hơn so với hàng nội.
Chị Nguyễn Thu Hồng (Xa La, Hà Đông) cho hay: “Cùng mức giá trên 100 nghìn đồng, tôi có thể lựa chọn một hộp bánh của Malaysia có mẫu mã bắt mắt hơn thay vì một hộp bánh của nhà sản xuất trong nước. Các sản phẩm kẹo cũng tương tự như vậy, chưa biết chất lượng tốt hơn như nào nhưng gắn mác ngoại mà giá tương đương, mẫu mã đẹp thì cũng được ưu tiên hơn khi mang biếu Tết”.
Chung chia sẻ, chủ một cửa hàng tạp hoá tại Cầu Giấy cho hay: “Khách hàng trong nước vốn rất chuộng các loại bánh kẹo từ Thái Lan, Malaysia hay Hàn Quốc. Sức mua đối với các sản phẩm này luôn tăng mạnh hơn nhờ bao bì bắt mắt, sang trọng, giá cũng không quá đắt đỏ”.
Đối với mặt hàng đồ uống, mặc dù có mức giá cao hơn hẳn nhưng dòng bia ngoại nhập khẩu cũng tiêu thụ tương đối tốt. Hiện trên thị trường, các sản phẩm bia nhập khẩu từ Đức, Bỉ, Mỹ, Pháp hay Hà Lan… đang có mức giá bán ra tới tay người tiêu dùng cao hơn so với mặt bằng bia sản xuất trong nước, dao động trên dưới 1 triệu đồng/thùng, cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm bia nội quen thuộc.
Thậm chí, với những người tiêu dùng như chị Lê Hồng Nhung (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trước đó cả 2 tháng, chị đã sắm đầy đủ các vật dụng mới để bày biện dịp Tết. Ngoài đồ khô như bánh kẹo, rượu vang, những đồ trang trí như lọ hoa, khăn trải bàn hay đồ dùng bếp từ bộ ấm chén cho tới bộ nồi nấu ăn cũng được chị lựa chọn cẩn thận tại các cửa hàng, siêu thị với nguồn gốc chủ yếu xuất xứ từ Singapore, Pháp hay Đức.
Chi hàng chục triệu đặt thực phẩm ngoại
Ngoài các kệ hàng tại cửa hàng tạp hoá hay siêu thị, vài năm gần đây, người tiêu dùng còn có xu hướng “chuộng” cả những dòng sản phẩm bánh kẹo “xách tay” từ Đức, Nga, Pháp, Nhật Bản… Các dòng sản phẩm này tuy có mức giá cao hơn nhưng cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để mang biếu, tặng.
Anh Nguyễn Minh Quân, nhân viên kinh doanh tại một công ty Nhật Bản có trụ sở tại Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Để chuẩn bị cho dịp Tết này, tôi đã nhờ những người bạn Nhật làm trong công ty đặt mua giúp hơn chục chai rượu để biếu Tết. Năm nay, do đồng Yên tăng nên giá cũng tăng đáng kể, mỗi chai tăng tới 300-400 nghìn đồng. Tuy nhiên, mọi năm quen biếu mọi người loại này rồi nên tôi cũng không có ý định lựa chọn sản phẩm khác”.
Trong khi đó, chị Vương Hoài An, giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mỹ phẩm cũng chia sẻ, riêng chi phí bánh kẹo, hoa quả ngoại mà chị đặt tiếp viên xách tay về cũng lên tới cả chục triệu đồng. Ngoài ra, chị còn đặt thêm thực phẩm tươi như thịt bò Úc, cá hồi Na Uy…
“Tính sơ sơ giờ tôi đã mua một thùng nho khô Úc nguyên cành 4kg đã tốn 2 triệu đồng, chục gói bánh kẹo của Đức mất hơn 3 triệu, hồng sấy khô Hàn Quốc giá hơn 1,2 triệu/hộp. Sát Tết, hàng về còn cherry New Zealand và dâu tây Hàn Quốc cùng khoảng trên dưới 500 nghìn đồng/kg, nho Peru gần 700 nghìn đồng/kg...”, chị An nhẩm tính.
Theo chị Lưu Quỳnh Mai, một người chuyên kinh doanh các mặt hàng xách tay, năm nay các mặt hàng thực phẩm Tết được khách hàng ưa chuộng tại cửa hàng của chị chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. “Như đùi gà Hàn Quốc năm nay rất “hot”, mỗi ngày tính cả bán lẻ và bán buôn, lượng tiêu thụ phải tới cả trăm cái, rồi chưa kể các món như xúc xích, thịt nguội… bán rất tốt”, chị Mai nói.
Theo Fica