Nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Phước (biệt danh: Phước Kiến Vàng) là gương mặt nổi danh trong làng đồ họa với nhiều ý tưởng độc đáo về thiệp và là ông chủ của Công ty Kiến Vàng. Đồng thời, sau 20 năm "lấn sân" sang lĩnh vực nhiếp ảnh, hiện người nghệ sĩ sinh năm 1967 này đã có trong tay hơn 150 giải thưởng quốc tế – một con số khiến cả dân nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp không thể không trầm trồ.
Hôm qua 26/12, bài viết và chùm ảnh minh họa về nghề làm hủ tiếu truyền thống của Nguyễn Vũ Phước được BoredPanda (chuyên trang về du lịch, nghệ thuật và các tin tức đời sống đặc sắc của Mỹ) đăng tải. Nội dung này thu hút sự quan tâm từ nhiều độc giả quốc tế bởi tính độc đáo, mộc mạc, đầy thú vị.
Dưới đây là phần chuyển ngữ của Thời Đại Online:
Khi có cơ hội đến thăm tỉnh Cần Thơ, Việt Nam, sẽ thật đáng tiếc nếu bạn bỏ lỡ trải nghiệm thú vị tuyệt vời khi khám phá một số làng nghề thủ công truyền thống như: làng bánh tráng Thuận Hưng, làng đan lưới Thơm Rơm, làng hoa Thới Nhựt, làng đan lọp (dụng cụ bắt tôm cá) Thới Long ...
Đặc biệt, du khách thường say sưa đi dạo một vòng quanh chợ nổi Cái Răng và tìm hiểu làng nghề làm hủ tiếu truyền thống.
Tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, có rất nhiều hộ gia đình đỏ lửa suốt ngày đêm, nhưng đáng chú ý nhất là hai lò Sáu Hoài và Chín Cửu ở khu vực cầu Rau Răm. Bên cạnh công việc thường ngày, họ còn kết hợp kinh tế ngành nghề, kinh tế vườn với du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực và luôn sẵn sàng chào đón du khách trong nước cũng như quốc tế đến tham quan, chứng kiến quy trình sản xuất của mình.
Thợ thủ công nam và nữ vẫn xử lý từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi khô, đến cắt sợi, vào bao thành phẩm hoàn toàn bằng tay, với sự hỗ trợ của máy móc thiết bị có từ lâu năm. Nhờ vậy, họ duy trì được các đặc điểm độc đáo của làng nghề truyền thống lâu đời, nhằm cung cấp sản phẩm hủ tiếu sợi dai, ngon, đượm vị ngọt thanh tao.
Khu nhà xưởng rộng khoảng 300 mét vuông được thiết kế có mái che, và không gian sân vườn rộng thoáng giúp sấy khô hủ tiếu dưới ánh mặt trời một cách thuận lợi.
Bột gạo được cho vào lu nước, quậy để lấy phần tinh bột
Để cạnh tranh và giữ gìn "thương hiệu", mỗi hộ gia đình đều sở hữu bí quyết riêng có, đặc biệt của mình trong từng công đoạn. Các nguyên liệu đều phải tươi, trắng và thơm, hay còn được gói gọn trong câu ca dao định danh về mảnh đất miền Tây xinh đẹp này: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về". Tiếp theo, gạo được đãi sạch, ngâm kỹ, xay, bòng, đánh, cho vào lu nước quậy lấy tinh bột rồi tráng bột gạo thành từng lớp siêu mỏng lên mặt khuôn. Người ta phải dùng mặt đáy gáo xoay thật chuẩn để bánh không bị rỗ hoặc bị dày/mỏng không đều nhau, và đậy nắp lại để hơi nước làm chín bột gạo.
Tráng bột gạo lên mặt khuôn giống như làm bánh cuốn (nhưng lò và khuôn làm hủ tiếu có kích cỡ lớn hơn)
Công việc thường được thực hiện vào 3g sáng đến khoảng 11g trưa, buổi chiều là thời gian nghỉ ngơi của người lao động. Vì vậy, bạn nên đến vào buổi sáng để có thể chứng kiến tường tận quy trình sản xuất.
Tráng, lấy hủ tiếu ra khỏi bếp rồi đem phơi là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo và nhịp nhàng của người thợ. Với hai lò cùng lúc hoạt động, hủ tiếu mới tráng được lấy ra từ một bếp lò và trải sang bếp khác. Một công nhân sẽ nhanh tay cuộn lớp bánh bằng một cái ống tre, xếp lên nan rồi mang đi phơi. Tinh hoa của nghề này nằm ở chỗ hủ tiếu có độ dày đều nhau tăm tắp, bề mặt láng mịn đến mức không hề có một cái đốm bột nhỏ nào nổi lên, và thời gian làm từng công đoạn chính xác mà không cần phải căn giờ đồng hồ.
Hủ tiếu mới tráng được cuộn bằng ống tre rồi xếp lên vỉ tre
Hủ tiếu được trải cẩn thận trên vỉ để không bị nhăn
Sau khi sấy khô trong vòng 3–4 giờ, hủ tiếu được cắt thành các dải mỏng, dài bằng máy và trông thật ngon mắt!
Phơi khô hủ tiếu dưới nắng
Có hai loại sợi hủ tiếu tùy theo yêu cầu của khách hàng: loại trắng đục – màu của tinh bột gạo khô và loại màu vàng do pha thêm bột nghệ tự nhiên.
Sau khi sấy khô, hủ tiếu được xếp gọn gàng thành từng chồng
Dùng máy cắt hủ tiếu thành sợi dài và mỏng đều nhau
Khi thưởng thức các món hủ tiếu – đặc sản vùng đất miền Tây, bạn sẽ rất khó để quên đi hình ảnh những người lao động tận tụy luôn làm việc chăm chỉ để tạo ra thức quà ẩm thực tinh tế mà sâu nặng nghĩa tình.
VIỆT NAM – VẺ ĐẸP BẤT TẬN Với nét độc đáo, giàu bản sắc truyền thống trong sự đa dạng nhưng thống nhất, đất nước – con người cùng nền văn hóa Việt Nam khiến không ít bạn bè quốc tế phải trầm trồ, thán phục. Qua chuyên đề "Vẻ đẹp hình chữ S trong con mắt truyền thông quốc tế", Thời Đại muốn gửi đến bạn đọc những góc nhìn thú vị – sáng tạo – mới lạ – đa chiều của các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới khi đưa tin/ghi hình và tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam trên nhiều phương diện: văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực, thiên nhiên, di sản, sự phát triển năng động của nền kinh tế – xã hội... |
Thủy Chinh
Ảnh: Nguyễn Vũ Phước