Làng Hảo trở lại với nghề cha ông
Nghề làm đồ chơi truyền thống xuất hiện ở thôn Ông Hảo (người dân vẫn quen gọi là làng Hảo, xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) từ nhiều đời nay.
Trải qua bao thăng trầm, có những lúc cả thôn chỉ còn vài hộ làm nghề. Mấy năm trở lại đây, làng nghề có dấu hiệu khôi phục lại hoạt động. Một số hộ bỏ nghề, đi làm việc khác nay trở lại với nghề cha ông.
Bà Thoàn làm đồ chơi Trung thu từ khi mới 15 - 16 tuổi
Dịp Trung thu năm nay, cơ sở sản xuất của bà Vũ Thị Thoàn bán ra thị trường khoảng 30 nghìn chiếc mặt nạ và trên 50 nghìn chiếc trống. So với năm trước, cơ sở của gia đình bà Thoàn sản xuất tăng khoảng 10 nghìn sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gia đình bà vẫn phải “căng mình” để làm đủ hàng cho khách. Cơ sở của bà Thoàn sản xuất đủ loại đồ chơi được làm từ các vật liệu đơn giản như: tre, nứa, giấy, bìa các-tông… kiểu dáng gần gũi, mang đậm bản sắc dân tộc.
Bà Thoàn cho biết: Có hơn 42 năm làm nghề, chứng kiến những thăng trầm của làng nghề, tôi rất vui khi đồ chơi truyền thống có dấu hiệu khởi sắc. Hiện nay, giá bán các mặt hàng đồ chơi truyền thống cao hơn so với các năm trước từ 3–4 nghìn đồng/sản phẩm; số lượng sản phẩm cũng được tiêu thụ nhiều hơn. Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, chúng tôi thường đi khảo sát các mẫu mã mà người tiêu dùng ưa chuộng, từ đó có hướng sản xuất phù hợp với khách hàng.
Đồ chơi ở làng Hảo được làm từ những nguyên liệu đơn giản: tre, nứa... mang đậm bản sắc dân tộc
Vào dịp cao điểm, mỗi ngày cơ sở sản xuất của gia đình bà Thoàn nhận được 15–20 đơn hàng, nhiều đơn hàng đặt trên 1 nghìn sản phẩm các loại.
Làng Báo Đáp thắp đèn ông sao tươi màu đêm Rằm
Những ngày Trung thu đang cận kề, những chiếc đèn ông sao được bày bán ngập tràn phố Hàng Mã của Thủ đô Hà Nội và khắp các phiên chợ quê từ vùng đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi. Tuy nhiên, ít ai biết được những chiếc đèn này là sản phẩm truyền thống của làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Làng Báo Đáp tự hào là nơi sản xuất đèn ông sao cung cấp cho cả nước
Báo Đáp có hàng chục ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, tự hào là nơi sản xuất những chiếc đèn ông sao cho cả nước mỗi dịp Rằm tháng 8.
Cứ mỗi dịp Trung thu, dân làng Báo Đáp lại rộn ràng làm đèn ông sao. Theo các cụ cao niên, nghề làm đèn của làng Báo Đáp có từ rất lâu đời, các bậc ông cha nối truyền nhau cho đến ngày nay. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, dù có thời kỳ khó khăn vì nhu cầu ít, nhưng với tình yêu với nghề, người dân nơi đây vẫn miệt mài sáng tạo nên những chiếc đèn ông sao đượm hồn Việt.
Vật liệu làm đèn gắn với làng quê Việt: tre nứa, hồ dính làm bằng bột gạo nếp...
Vật liệu làm đèn đơn giản, gắn liền với làng quê Việt Nam: tre nứa, giấy bóng kính, hồ dính làm bằng bột gạo nếp nấu nhuyễn và xương cây đay làm cán. Làng Báo Đáp có nghề nhuộm, nên người dân mua giấy bóng kính màu trắng, rồi tự tay ngâm, nhuộm giấy thành màu xanh, đỏ, vàng.
Những năm gần đây, lượng người trên khắp cả nước biết đến thương hiệu đèn ông sao Báo Đáp và chơi nhiều nên lượng sản phẩm ngày càng gia tăng. Đèn lồng ông sao ở làng Báo Đáp ngày nay đa dạng về màu sắc, kiểu dáng. Hình biển đảo, hình Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu… cũng được in trên đèn, góp phần khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc ở trẻ nhỏ.
Đèn ông sao thể hiện tình cảm với Bác Hồ
Ngày nay, bất chấp sự du nhập của đồ chơi hiện đại, chiếc đèn ông sao truyền thống vẫn được nhiều trẻ em ưa thích trong đêm Rằm. Các nghệ nhân ở làng Báo Đáp đang miệt mài sản xuất để mang lại niềm vui cho thế hệ trẻ thơ.
Làng Khê gìn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, mặt nạ giấy bồi là 1 trong những món đồ chơi được yêu thích nhất trong mỗi dịp Trung thu. Giờ đây, giữa muôn vàn loại đồ chơi mới lạ, chiếc mặt nạ giấy bồi không còn chiếm vị trí quan trọng như trước. Tuy nhiên, có người từng ngày vẫn duy trì công việc làm mặt nạ trong suốt hàng chục năm qua.
Từng là ngôi làng nổi tiếng về làm đồ chơi Trung thu, song hiện làng Khê (xã Song Hồ, Thuận Thành) chỉ còn mỗi gia đình ông Nguyễn Văn Nhất theo nghề. Các sản phẩm của gia đình ông được khách hàng ưa thích bởi chúng luôn được cải tiến về mẫu mã, nhưng kết cấu vẫn giữ nguyên theo lối cổ.
Ông Nhất vẫn miệt mài đam mê giữ nghề truyền thống
Ông Nhất trầm tư: “Khoảng 20 năm về trước, ở nơi đây gần như tất cả mọi nhà đều làm đồ chơi dân gian. Sản phẩm nhiều lắm, từ mặt nạ hình đầu thú đến chú Tễu, tiến sĩ giấy, đèn ông sao, đầu sư tử… Tuy nhiên, đến khi những đồ chơi truyền thống không còn được thịnh hành so với nhiều loại đồ chơi hiện đại thì người làng cũng chẳng còn bám trụ với nghề. Cứ thế, nghề truyền thống dần mai một”.
Từ khi lên 10 tuổi, ông Nhất đã đam mê những chiếc mặt nạ giấy bồi và tập tành làm quen từng bước một. Càng làm lại càng cảm thấy hứng thú, yêu quý công việc này và lòng đam mê với nghề truyền thống cứ từ ấy bồi đắp mà thành.
Nhìn những chiếc mặt nạ hoàn thiện tưởng chừng giản đơn, thế nhưng, để làm được chiếc mặt nạ giấy bồi mang đặc trưng theo lối cổ thì chẳng hề đơn giản chút nào. Ban đầu, người làng Khê phải đào sâu khoảng 1,2m đất để lấy được một loại đất đẹp, mịn và đạt chuẩn gọi là đất thó. Tiếp đến, lấy đất này trộn với bột hồ tạo ra dung dịch vừa làm mềm vừa làm dẻo các loại giấy. Sau đó, tiến hành quét hồ lên các tờ giấy, rồi xé từng miếng để lên khuôn.
Dán đến khi nào đủ độ dày vừa tay cầm thì nhấc lớp mặt nạ thô khỏi khuôn để phơi khô. Mặt nạ thô phải phơi tự nhiên không được sấy, sau đó làm vòng và vẽ sơn màu.
Vật liệu để tạo ra những chiếc mặt nạ thật đơn giản nhưng chứa đựng bao tâm huyết, công sức của người nghệ nhân nặng lòng với nét văn hóa truyền thống quê hương.
Ông Nhất mong muốn, trẻ em có cơ hội tìm hiểu về Trung thu truyền thống qua việc tự tay sáng tạo mặt nạ giấy bồi
Cùng với các loại mặt nạ hình thú như hình thỏ, hổ, sư tử, trâu, gia đình ông Nhất còn làm các loại đầu lân, đầu sử tử… theo nhiều kích cỡ. Ngoài các sản phẩm mặt nạ đã được sơn sửa hoàn thiện, ông còn bán những sản phẩm thô. Mặt hàng này được nhiều phụ huynh và em nhỏ yêu thích. Bởi người mua sẽ được mặc sức sáng tạo, tô vẽ các màu sắc, hình thù mình yêu thích lên sản phẩm. Nhiều năm nay, ông được Bảo tàng Dân tộc học và một số trường học, Trung tâm Thiếu nhi ở Hà Nội đặt hàng và mời ra hướng dẫn cho trẻ em làm các loại đồ chơi truyền thống.
Nghề làm đồ chơi dân gian chủ yếu làm theo thời vụ, bởi người dân chỉ mua nhiều mỗi dịp Trung thu về. Có lẽ, chẳng ai có thể làm giàu được với nghề ấy. Có chăng, họ theo nghề với một tình yêu, một mơ ước hay một tâm niệm nào đó. Với ông Nhất, niềm mong mỏi lớn nhất của ông khi làm nghề và giữ nghề cho đến hôm nay là phát triển quy mô sản xuất của gia đình rộng hơn, làm đồ chơi quanh năm, có điều kiện để các em nhỏ có thể được đến, tự tay học làm và hoàn thiện những món đồ chơi truyền thống.
Qua đó, ông mong muốn góp phần đưa trẻ em về với tết Trung thu truyền thống, cùng các em đến với những giấc mơ, câu chuyện thần kỳ, ước vọng tương lai; góp phần hoàn thiện nhân cách văn hóa của con người Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…
Làng Khương Hạ sáng tạo tàu thủy sắt tây đỏ sắc Quốc kỳ
Ít người thuộc thế hệ trẻ biết đến những đồ chơi truyền thống của làng Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) như: tàu thủy sắt tây chạy trên mặt nước, thỏ ngọc đánh trống… Hiện, chỉ gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng còn gắn với nghề làm tàu thủy từ những hộp sắt phế thải.
Trước đây, làng Khương Hạ nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước bởi những đồ chơi Trung thu thủ công. Hơn một nửa số hộ trong làng gắn bó với nghề. Thậm chí, thời đó nhiều gia đình khấm khá lên bởi nghề này. Anh Hùng kể: “Trước đây, vào dịp Trung thu các chủ cửa hiệu đồ chơi ở Hà Nội xếp hàng chờ lấy sản phẩm. Lúc đó, cả xóm cứ đến dịp này là làm không hết việc”.
Anh Hùng là người duy nhất giữ nghề làm tàu thủy sắt tây ở Khương Hạ
Thế nhưng, trước áp lực của nền kinh tế thị trường, hầu hết nghệ nhân nơi này đều giải nghệ. Cho đến thời của cha anh – cụ Nguyễn Văn Nhâm là người cuối cùng của làng còn bám trụ. Rồi cụ ra đi, truyền nghề lại cho người con trai út là anh.
Làm được một chiếc tàu thủy không hề đơn giản. Để có hàng phục vụ khách hàng vào dịp Trung thu, anh phải mất 1 năm để chuẩn bị. Tàu thủy là món đồ chơi làm hoàn toàn thủ công nên phải rất tỉ mẩn. Mỗi ngày anh chỉ có thể cho ra lò được 2–3 sản phẩm. Mặc dù vợ và con gái anh vẫn phụ giúp những công đoạn đơn giản như: sơn tàu, cắt hình tàu thủy từ những ống sữa…
Khi càng có nhiều đồ chơi hiện đại xuất hiện thì tàu thủy sắt tây ngày càng vắng bóng trên thị trường. Nếu để ý, thỉnh thoảng mới bắt gặp chúng ở phố Hàng Mã, Hàng Thiếc… Tàu thủy được làm bằng những vật liệu rất đơn giản, vỏ lon sữa bò và những dụng cụ sẵn có.
Anh Hùng cho biết thêm, trước đây, những đứa trẻ đến cửa hàng anh mua tàu thủy rất nhiều. Chúng thích thú khi thấy tàu nhỏ chạy trên mặt nước với hình ảnh lá cờ Tổ quốc gắn ở mũi tàu. Nhưng hiện tại, thỉnh thoảng mới có một số đứa trẻ đến mua. Khách hàng bây giờ chủ yếu là người nước ngoài đến du lịch. Họ thích thú và mua chúng làm đồ lưu niệm.
Chiếc tàu thủy có gắn cờ Tổ quốc từng khiến trẻ em bao thế hệ yêu thích
Hồi còn sống, cha anh luôn đau đáu khát vọng truyền nghề. Ông sẵn sàng mở lớp dạy nghề, thậm chí dạy cả bí quyết gia truyền, nhưng rơi vào bế tắc. Lấy đâu ra kinh phí cho các cháu theo học, liệu còn ai đam mê nghề thủ công này nữa không. Học rồi mà sản phẩm không tiêu thụ được, các cháu lại bỏ thì truyền nghề cũng vô dụng.
Giờ cụ Nhâm đã ra đi, trăn trở ấy lại gửi lại cho anh Hùng. Làm thế nào để giữ nghề?... Bản thân anh cũng luôn đau đáu ý định mở lớp truyền dạy để những chiếc tàu thủy không lạc vào ký ức, nhưng lớp trẻ không ai mặn mà với nghề xưa.
TRUNG THU NƯỚC VIỆT – TẾT ẤM TÌNH THÂN Bên cạnh tính chất lễ hội ăn mừng mùa vụ của người xưa, Tết Trung thu Việt Nam truyền thống còn là phong tục nhắc nhủ chúng ta coi trọng giá trị tốt đẹp của tình yêu thương, thân hữu, là dịp để cha mẹ, gia đình thể hiện tình cảm nâng niu, quan tâm đặc biệt tới trẻ nhỏ. “Hương xưa nếp cũ” ở cách thưởng – cách chơi hồn nhiên mà tài hoa, tinh tế của cha ông. Sức cuốn hút từ làng nghề thủ công đương đại và những món đồ chơi Trung thu truyền thống đã thổi hồn vào đêm rằm lung linh. Biết bao suy tư, trăn trở về Trung thu xưa – nay. Cách dạy dỗ, gieo mầm nhân ái – hiếu học cho trẻ thơ. Các địa chỉ xem – ăn – chơi... lý thú nhân dịp Tết Trông trăng. Sự sẻ chia đáng quý được nhân rộng trong cộng đồng. Không khí tưng bừng chào đón một trong những ngày lễ lớn nhất năm đậm đà bản sắc, ngọt ngào thời khắc đoàn viên của người Việt… Qua đó, chuyên đề “Trung thu nước Việt – Tết ấm tình thân” của Thời Đại Online hy vọng sẽ đem lại cho độc giả một lát cắt toàn cảnh sắc nét và đong đầy niềm tự hào dân tộc xung quanh đêm hội trăng rằm từ quá khứ cho tới hiện tại! |
Mạnh Phúc