Những liệt sỹ hy sinh trong thời bình

2024-12-21 14:01:05

Liệt s Hoàng Đặng Hùng: Mãi mãi tuổi 20

Liệt sỹ Hoàng Đặng Hùng tên thật là Hoàng Thế Anh (sinh năm 1984, phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng). Anh là con trai duy nhất trong gia đình. Bố mẹ anh đều công tác tại nhà máy X56 - Cục Kỹ thuật (Quân chủng Hải quân). Ngay từ nhỏ, Thế Anh được bố mẹ giáo dục, rèn giũa theo nếp nhà binh. Có lẽ vì thế mà từ khi còn rất nhỏ, Thế Anh đã luôn mơ ước trở thành chiến sỹ hải quân để tiếp nối truyền thống gia đình (ông ngoại và bác ruột anh cũng là lính hải quân và là liệt sĩ).

Liệt sỹ Hoàng Đặng Hùng hy sinh khi anh mới 20 tuổi.

Đang học lớp 12, Hoàng Thế Anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Không hiểu sao anh lại rất thích tên "Hùng". Vì thế từ khi viết đơn tình nguyện, anh đề nghị mọi người trong gia đình, bạn bè thân thiết gọi mình bằng cái tên đó. Tháng 1/2003, anh được điều ra đảo Đá Lớn A - Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, đảm nhận cương vị khẩu đội trưởng DKZ. Và cái tên Hùng "Trường Sa" được mọi người gọi đầy trìu mến từ ngày ấy.

Thư anh gửi về cho bố mẹ và hai cô em gái là những cảm xúc ngập tràn trước biển đảo quê hương: "Hôm nay con được ra Đảo Chìm huấn luyện. Cảm giác lạ lắm bố mẹ ạ. Đảo và biển của Tổ quốc mình hùng vĩ hơn nhiều so với hình ảnh trên tivi con vẫn thường xem ở nhà".

Ngày 25/7/2004, không quản sóng lớn, chiến sỹ trẻ này quyết tâm cứu tàu và bất ngờ bị cơn lốc xoáy nhấn chìm xuống biển sâu. Mấy ngày sau, đồng đội mới tìm được thi thể của Hùng.

Hoàng Đặng Hùng hi sinh khi mới 20 tuổi. Sau 8 năm nằm ngoài đảo Nam Yết, Trường Sa, hài cốt của anh mới trở về với đất liền.

Mẹ liệt sỹ Hùng bên những di vật của cậu con trai duy nhất.

Năm 2012, trong lễ truy điệu, đón nhận hài cốt liệt sỹ Hùng từ Trường Sa trở về quê hương; nói về sự hy sinh của anh, Thiếu tướng Bùi Sỹ Trinh - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân khẳng định: "Trong thời chiến và ngay cả thời bình vẫn có những người chiến sỹ ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Máu của các chiến sỹ ngấm vào đất, tan vào biển để ngày ngày góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Hoàng Đặng Hùng như tiếp thêm sức mạnh cùng quân và dân cả nước làm thất bại mọi ý đồ của các thế lực thù địch lăm le lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền vùng biên hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam".

Liệt sỹ Đinh Văn Nam – người mới gặp con 1 lần

Sau 5 ngày hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa, 21/10/2013, linh cữu chiến sỹ Đinh Văn Nam (sinh năm 1982, Lữ đoàn 125) đã được đưa về quê nhà an táng tại nghĩa trang Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng.

Liệt sỹ Đinh Văn Nam được đồng đội đưa về với đất mẹ.

Chị Đinh Thị Xoa (vợ anh Nam) cho biết, hai vợ chồng cưới nhau từ năm 2010. Vì nhiệm vụ công tác nên từ lúc cưới đến khi anh hy sinh chị mới được gặp chồng 3 lần. Anh Nam cũng chỉ được gặp cô con gái đầu lòng của mình duy nhất 1 lần.

“Hai vợ chồng dự tính sắp tới anh ấy xin chuyển công tác về Hải Phòng để được gần vợ gần con. Tôi cũng tính khi nào anh ấy ra thì cố đi xin việc làm rồi lo cho con. Buổi tối hôm trước khi hy sinh anh ấy vẫn gọi điện về nói chuyện với gia đình, vậy mà…”, người vợ trẻ 28 tuổi nói trong quặn thắt.

Trước khi hy sinh, anh Nam mới gặp mặt con gái 1 lần.

Trước đó, sáng 16/10, thiếu úy Nam cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ cứu hộ một tàu hải quân mắc cạn trên vùng biển khu vực đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa. Trong khi cứu hộ, thiếu úy Nam bị dây cáp buộc tàu kéo hất văng xuống biển. Đồng đội nhảy xuống đưa thiếu úy Nam lên tàu để cứu chữa nhưng do bị chấn thương nặng ở vùng ngực, anh hy sinh ngay sau đó.

Liệt sỹ Hoàng Văn Nghĩa – Liệt sỹ dân sự duy nhất ở Trường Sa

Trong danh sách quân nhân hy sinh tại quần đảo Trường Sa (từ 1975 đến nay), duy nhất anh Hoàng Văn Nghĩa (sinh 1986 quê ở Nam Trực, Nam Định) là công chức khí tượng, hy sinh tại Trường Sa 21/3/2010.

Anh Nghĩa học ngành Khí tượng của trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khóa 2005 – 2008. Tốt nghiệp, Nghĩa tình nguyện xin ra công tác ngoài đảo và được nhận vào làm việc trên đảo Phú Quốc. Đầu năm 2009, biết Trạm khí tượng Hải văn Trường Sa đang thiếu quan trắc viên, Nghĩa lại làm đơn tình nguyện ra Trường Sa. Ngày 1/2/2009, anh được tuyển dụng.

Anh Nghĩa đã nằm lại ở vùng biển đảo của Tổ quốc.

Đêm ngày 21/3/2010, biển động mạnh, sóng dập trắng xóa cầu cảng. Nghĩa trực ca đo đếm các thông số quan trắc và ra cầu cảng thu thập số liệu mực nước, cấp sóng như thường lệ. Lâu không thấy Nghĩa về, anh em trạm chia nhau đi tìm và mãi mới thấy thi thể Nghĩa mắc kẹt dưới lớp san hô. Một cơn sóng lớn đã trùm lên cầu cảng khi Nghĩa chăm chú đo sóng.

Bà Trịnh Thị Mão (sinh năm 1959) - mẹ của liệt sỹ Nghĩa thổn thức khi nói về con trai: “Em nó hay kể vẻ đẹp Trường Sa và hứa sẽ đưa tôi ra đấy thăm biển đảo cho biết Tổ quốc thiêng liêng. Vậy mà nó nằm lại với biển mãi”...

Mẹ liệt sỹ Nghĩa và những tấm hình của con gửi về từ Trường Sa.

Ngày Nghĩa hy sinh, anh mới 24 tuổi và chưa có người yêu. Hiện mộ phần của anh được an táng ở nghĩa trang trên đảo Trường Sa Lớn, giữa bốn bề sóng nước Tổ quốc.

“Sự hy sinh của anh Hoàng Văn Nghĩa khiến cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa không nguôi tiếc thương, day dứt. Song, chính sự dấn thân, hy sinh của Nghĩa đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho anh em ở trạm luôn đoàn kết, thương yêu nhau hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, trạm trưởng Đoàn Tấn Phước chia sẻ... (còn tiếp)

Đỗ Hương

Tổng hợp

Top