NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Món quà bất ngờ từ nhà tù Hỏa Lò tặng cựu binh Mỹ từng bị bắt giữ

2024-12-20 20:05:38
Khu di tích Hỏa Lò đón những kỷ vật "vàng"của phong trào phản chiến
“Nhật ký hòa bình” tại nhà tù Hỏa Lò: Thông điệp hữu nghị Việt - Mỹ
Tập đoàn T&T Group và đối tác Mỹ dự kiến đầu tư gần 6 tỷ USD cho dự án khí hóa lỏng
Các cựu binh thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày 6/11.

Ban Quản lý Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò đã dành cho đoàn 6 cựu binh sự đón tiếp ân cần và nồng hậu, đặc biệt là với cựu binh James Williams, người từng có gần 1 năm làm “khách” của “Hà Nội Hilton” (cách mà nhiều tù binh Mỹ gọi Nhà tù Hỏa Lò).

Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ Khu di tích, các cựu binh đã có một hành trình từ quá khứ tới hiện tại, khi lần lượt tham quan các phòng giam, các chứng tích gắn với thời chống Pháp, chống Mỹ, các triển lãm Nhật ký hòa bình, Tìm lại ký ức…

Ông James Williams (thứ hai, phải qua) kể về thời gian sống tại Nhà tù Hỏa Lò.

Gần 50 năm sau khi được trao trả về Mỹ, đây là chuyến trở lại Việt Nam và thăm lại Nhà tù Hỏa Lò đầu tiên của ông James ở tuổi 75, sau khi vượt qua rất nhiều những rào cản tâm lý, những lo sợ rằng người Việt Nam sẽ không thể tha thứ cho mình.

Máy bay James Williams điều khiển bị bắn rơi bởi Anh hùng liệt sĩ, phi công Đỗ Văn Lanh vào ngày 20/5/1972 tại vùng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc). James được người dân địa phương phát hiện, bàn giao cho quân đội Việt Nam và được đưa về Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) hai ngày sau đó.

Trước khi bước lên chuyến bay của đợt trao trả tù binh vào ngày 29/3/1973, James đã có 10 tháng ở Nhà tù Hỏa Lò.

James kể: “Thời gian đó tôi ở khu trại giam số 6, cùng với khoảng 6 người khác. Tất cả các cửa sổ đều được mở, để không khí và ánh sáng được lưu thông. Vào mùa hè, chúng tôi có quạt nan để bớt nóng. Thường thường mỗi tuần, tù nhân được phép ra ngoài (sân trong khuôn viên Nhà tù) 2-3 lần để đi dạo và tắm nắng. Mỗi tháng, các bác sĩ sẽ tới thăm khám sức khỏe cho chúng tôi 2-3 lần. Thông thường, các tù binh có những bệnh đơn giản như đau đầu, đau bụng sẽ được cung cấp thuốc cần thiết".

Khi đó, trong bối cảnh Việt Nam đang rất khó khăn, ở Nhà tù Hỏa Lò, các tù binh như James vẫn được đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất có thể.

“Chúng tôi được ăn ba bữa mỗi ngày, có bánh mỳ, sữa, súp, thịt và cả cơm. Trong năm, chúng tôi đều được ban quản lý Nhà tù tạo điều kiện để tổ chức những dịp lễ quan trọng đối với người Mỹ như ngày Quốc khánh (4/7), lễ Tạ ơn, Giáng sinh, với những bữa tiệc nhỏ, có thịt heo quay, và bánh chưng”.

Tháng 1/1973, Hiệp định Pari được ký kết. Cùng 591 phi công Mỹ giam giữ tại đây, James được trao trả về Mỹ. Ngày 29/3/1973, cùng với nhiều đồng đội khác, ông chính thức tạm biệt Hỏa Lò, bước lên chuyến bay cuối cùng đưa tù binh trở lại quê hương, nơi có vợ và ba con nhỏ đang ngóng đợi.

Điều hết sức ý nghĩa với James là ông đã tình cờ tìm thấy hình ảnh mình vào khoảnh khắc lịch sử ấy, đang đứng hàng đầu chờ lên máy bay, vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Nhà tù Hỏa Lò.

Lần tìm trong những bức hình của đồng đội...
Để rồi bất ngờ khi tìm thấy chính mình.
Vâng, là tôi, đó chính là tôi!”, James reo lên. 5 người đồng đội của ông cũng vô cùng ngạc nhiên và xúc động, khi ở tuổi 75, người cựu binh thấy lại hình ảnh của mình gần nửa thế kỷ trước, ở một nơi mà ông chưa từng có ý định quay trở về.

Một phiên bản của bức ảnh sau đó đã được các cán bộ của nhà tù Hỏa Lò in ra để dành tặng “nhân vật chính” một cách trang trọng và ấm áp như một cách chiêm nghiệm lại quá khứ để hướng tới tương lai.

“Những kỷ niệm ở Nhà tù Hỏa Lò không chỉ của riêng cá nhân tôi, mà còn của cả những người đồng đội, và chính nó sẽ giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện tại”, ông nói.

Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu trao tặng James Williams bức ảnh chụp đặc biệt.

Chia sẻ về ý nghĩa những chuyến thăm của cựu binh Mỹ, Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ông Đặng Văn Biểu khẳng định: "Chúng ta đón những người cựu binh tới thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò trên tinh thần cởi mở, thân thiện của những người bạn. Tại đây, chúng ta nhắc lại lịch sử để nói về giá trị của hòa bình, hợp tác trong hiện tại, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam và thế giới".

Đồng Trưởng đoàn Mỹ, Phó Chủ tịch tổ chức Valor, ông Matt Baan, một phi công trẻ sinh ra sau chiến tranh nhận xét: "Có những vết thương về thể xác dễ chữa lành, nhưng những vết thương trong tâm hồn thì không đơn giản như vậy. Chuyến thăm này là một hành trình góp phần xoa dịu những vết thương như thế".

Top