Kỷ vật hòa bình

2024-12-20 18:51:12
02 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh hồi hương
Nhịp cầu hàn gắn vết thương chiến tranh
Cựu binh Ferederic Whitehurst trở lại chiến trường Đức Phổ - nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh. (Ảnh: Trần Đăng)

Trong cuộc “chiến tranh Việt Nam”, hàng ngàn kỷ vật của những người lính tham chiến được cả hai phía Mỹ và Việt Nam lưu giữ. Sau 49 năm, những kỷ vật ấy rưng rưng niềm xúc động từ phía người hiện diện...

Đó có thể là tấm ảnh của hai cha con anh bộ đội ngã xuống mà người lính Mỹ lấy được trong túi áo của người nằm xuống; cuốn nhật ký chiến trường của một bác sĩ sống và chiến đấu giữa vòng vây của địch. Hay, chỉ là một bức thư của anh bộ đội gửi về cho vợ ở hậu phương bị thất lạc mà người lính Mỹ vô tình nhặt được giữa rừng Trường Sơn...

Bức hình ám ảnh

Rich Luttre - một lính Mỹ có mặt ở Chu Lai năm 1967. Trong một lần hành quân ở vùng rừng Quảng Nam, anh ta chạm trán với đơn vị quân Giải phóng. Hai bên giáp mặt nhau giữa rừng và Rich Luttre đã nổ súng trước, anh bộ đội ngã xuống.

Lục trong túi áo của anh bộ đội, Rich thấy một tấm ảnh chụp hai cha con. Anh ta đoán rằng, anh lính vừa ngã xuống ấy chính là người trong ảnh đang ôm một cháu bé gái chừng 5-6 tuổi, có lẽ là con của anh ấy.

Bức ảnh hai cha con người lính được ông Rich Luttre trao trả cho gia đình sau 33 năm cất giữ. (Ảnh: Tư liệu)

“Kỷ vật chiến trường” đã theo ông về nước Mỹ và rồi một nỗi giày vò luôn thường trực trong ông. Nhìn vào đôi mắt bé gái trong ảnh, ông ta luôn đặt câu hỏi cho mình: “Tại sao mình lại bắn anh ấy để cháu bé trong ảnh phải mồ côi cha?”.

Và rồi Rich Luttre tự đi tìm câu trả lời. Ông quyết định gửi một bức thư cùng tấm ảnh và bài báo đăng tấm hình này trên tờ St.Louis Potst Dispatch cùng lời giãi bày nguyện vọng của mình cho ông Lê Văn Bàng, Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Washington lúc bấy giờ. Rich nói với ông đại sứ rằng ông muốn nhà nước Việt Nam giúp đỡ để ông tìm ra cô gái và gia đình người lính trong ảnh.

Bài báo đăng cùng tấm ảnh của Rich Luttre được một tờ báo Việt Nam đăng lại kèm câu hỏi: “Có ai biết họ không?”.

Một người phụ nữ ở Bắc Giang khi xem tờ báo đã nhận ra người trong ảnh và lập tức báo cho hai chị em của gia đình nọ biết rằng đây chính là cha của họ.

Đại sứ Lê Văn Bàng báo tin cho ông Rich là đã tìm ra người trong ảnh. Họ hiện ở tại thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Cô bé trong ảnh ngày nào giờ đã 40 tuổi tên Nguyễn Thị Lan cùng người em trai tên Nguyễn Văn Huệ (lúc cha đi B, anh Huệ được 6 tháng tuổi).

Họ đã đón vợ chồng ông Rich và nhận lại tấm ảnh được ông cất giữ hơn 30 năm với tất cả niềm vui xen lẫn ngậm ngùi. “Họ đã tha thứ cho tôi để tôi trút bỏ nỗi ân hận suốt mấy mươi năm qua”- Rích Luttre thổ lộ.

Hơn 30 năm trước đó, Rich đến Việt Nam để “bảo vệ tự do” như cách tuyên truyền mà tất cả binh lính Mỹ đều học thuộc. Ba mươi năm sau, Rich trở lại để tìm hòa bình bằng một tấm ảnh!

Và một lá thư

Còn số phận của bức thư mà ông Trần Ngọc Giao, quê Đức Phổ (Quảng Ngãi) gửi cho vợ là Huỳnh Thị Cúc từ vùng rừng Trà My (Quảng Nam) báo tin là cha con ông đã lên đến căn cứ an toàn, bị lạc sang tận... nước Mỹ. Có lẽ anh giao liên đã hy sinh trên đường đưa thư và người lính Mỹ lấy bức thư này mang về nước mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (mang kính) cùng đại tá Trần Ngọc Giao mắc võng trong khu vườn của ông Giao tại Đức Phổ năm 2005 . (Ảnh: Trần Đăng)

Bức thư được trưng bày trang trọng ở thư viện Trường Đại học Massachusetts. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ghé thư viện này và tình cờ xem bức thư. Ông rất xúc động, xin chụp lại toàn bộ 6 trang của bức thư.

Về nước, ông gửi bức thư này kèm chú thích cho một tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh. Lập tức, ông Trần Ngọc Giao khi đọc tờ báo nọ đã nhận ra đó chính là bức thư của mình gửi vợ từ hơn 22 năm trước.

Xin được nói thêm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng đoàn nhà văn Việt Nam năm đó (1989) sang thăm nước Mỹ và giao lưu với các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam như những sứ giả của hòa bình.

Cho đến lúc đó (7/1989), quan hệ Mỹ - Việt vẫn còn là bức tranh màu xám. Việc giao lưu giữa các nhà văn từng tham chiến ở cả hai phía đã làm cho hai bên hiểu nhau và xích lại gần hơn.

Nội dung bức thư của ông Giao như muốn nói với các cựu binh và các nhà văn Mỹ rằng, ngay trong lúc bom rơi đạn nổ giữa Trường Sơn như thế, những người lính Việt Nam vẫn dành trọn tình cảm với quê nhà mà không một chút bi lụy như những gì phía Mỹ từng nghĩ về họ.

Những lá thư như thế đã được những cựu binh Mỹ giữ gìn một cách trân trọng. Bởi họ hiểu rằng, đó chính là nhịp cầu hòa bình mà hai nước Việt -Mỹ sẽ bắc qua trong tương lai.

Số phận một cuốn nhật ký

Nếu như lời can ngăn của thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu với viên sĩ quan người Mỹ Ferederic Whitehurst không thành, thì chúng ta sẽ không biết được về cuộc sống của một nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm giữa chiến trường Đức Phổ - Quảng Ngãi.

Chúng ta cũng sẽ không biết được tinh thần dũng cảm và sự chịu đựng phi thường của người dân trước sự tàn khốc của bom đạn mà Mỹ đã trút xuống đất nước Việt Nam.

Tháng 6/1970, trong trận càn ở vùng rừng Đức Phổ, một đơn vị biệt kích Mỹ bắn chết bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngay giữa rừng, cách trạm phẫu thuật không xa. Lục trong ba lô của chị, chúng đã lấy một cuốn sổ với chi chít chữ bên trong.

Về hậu cứ, viên sĩ quan Mỹ- Ferederic Whitehurst đã định đốt cuốn sổ này nhưng người phiên dịch can ngăn: “Đừng đốt, vì trong đó đã có lửa rồi!”.

Nói rồi, người phiên dịch đã dịch cho viên sĩ quan Mỹ nghe một số đoạn trong cuốn sổ chi chít chữ kia. Qua lời người phiên dịch, Ferederic Whitehurst lờ mờ cảm nhận được những gì mà người nữ Việt cộng kia đã ghi trong đó. Ông ta quyết định mang về Mỹ.

Năm 2005, đúng 35 năm sau ngày bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngã xuống tại vùng rừng Đức Phổ, Ferederic Whitehurst đã mang cuốn nhật ký mà ông ta “không đốt” năm nào, sang Việt Nam và trao trả cho gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” lập tức thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và cả ở nước Mỹ bấy giờ. Nó đã đóng góp không nhỏ cho mối bang giao giữa hai cựu thù đã từng hướng nòng súng về nhau.

Các cựu binh của cả hai phía Mỹ và Việt Nam vẫn không thôi ám ảnh về thời trai trẻ của mình khi phải đội mưa bom bão đạn. Những kỷ vật chiến trường mà họ có được là một phần đời của những năm tháng gian lao.

Chính nó cũng là sứ giả của hòa bình vậy!

Trưng bày chuyên đề “Kỷ vật - Ký ức chiến tranh”

Từ cuối tuần này, Ban Quản lý Di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức trưng bày chuyên đề “Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh” tại Không gian trưng bày thuộc Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.

Các tài liệu, hình ảnh, hiện vật phục vụ trưng bày bao gồm: hành trang của những chiến sĩ cách mạng; những lá thư thời mưa bom, lửa đạn; tấm lòng hậu phương; những kỷ vật từ trong lao tù đế quốc.

Những hiện vật, kỷ vật cá nhân liên quan của những người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu hoặc trao gửi lại người thân trước lúc ra trận; các hiện vật của chồng, con gửi về từ chiến trường; các hiện vật mẹ tặng chồng, con trước khi lên đường ra tiền tuyến... được triển lãm dịp này. (X.H)

Giáo sư Ron Carver và hành trình "Tranh đấu cho hòa bình" vì Việt Nam
Sáng mãi tinh thần đấu tranh của những người bạn Pháp vì hòa bình cho Việt Nam

Top