Ông Canete bày tỏ sự tiếc nuối trước động thái đảo ngược các chính sách về khí hậu của Mỹ. Đồng thời, ông khẳng định: Bắc Kinh và EU vẫn cam kết "thúc đẩy" cuộc chiến toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Trả lời họp báo sau cuộc gặp các quan chức Trung Quốc, ông nói: "Chúng tôi sẽ không lùi bước, ngay cả khi Mỹ vào thời điểm hiện tại đang rút khỏi những cam kết trước đây".
Trước đó, hôm 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh hoãn thi hành các chính sách liên quan tới biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm Barack Obama, theo cam kết hỗ trợ ngành than mà ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình.
Kế hoạch sử dụng năng lượng sạch của cựu Tổng thống Obama, nhằm giảm khí thải từ các nhà máy điện, là một phần quan trọng trong các cam kết chung của Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là 2 nước tạo ra lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Ông Miguel Arias Canete trả lời họp báo tại Bắc Kinh (Trung Quốc). (Ảnh: Reuters)
Cam kết chung nói trên đã góp phần hình thành một hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, ký kết tại Paris (Pháp) vào cuối năm 2015. Theo Hiệp định Paris, cho tới năm 2050, các quốc gia sẽ giảm lượng khí thải nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2°C .
Các nhà hoạt động vì khí hậu bày tỏ quan ngại rằng động thái mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến trình đàm phán để thực hiện Hiệp định Paris, dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Trong khi đó, ông Canete nhận định: quyết định của ông Trump hôm 28/3 cho thấy Mỹ không tôn trọng Hiệp định Paris. Ngoài ra, theo ông, Washington sẽ không thể đạt được "mục đích".
Mặc dù có tham gia ký kết Hiệp định Paris, vai trò của Mỹ trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu dường như hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, nước này vẫn chịu trách nhiệm lớn đối với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hồng Anh
Nguồn bài viết : Tin tức Ngoại hạng Anh