Sống chung với ô nhiễm môi trường
Năm 2011 Nhà máy giấy An Hòa bắt đầu hoạt động tại xã Cấp Tiến (huyện Sơn Dương – Tuyên Quang) cũng là lúc người dân nơi đây bắt đầu gánh chịu môi sinh, môi trường sống bị ô nhiễm, cuộc sống hàng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Quanh năm, suốt tháng, ở đây ngập chìm trong mùi hôi thối của hóa chất độc hại. Hôm trời nắng còn đỡ mùi chứ hôm trời mưa hoặc thời tiết âm u thì mùi hôi phải nói là quá khủng khiếp. Tối ngủ đeo khẩu trang, hoặc trùm chăn kín mít vẫn không tài nào ngủ được. Nhiều bữa, đang ăn cơm thì mùi hôi thối ập đến là nghẹn hết cả cổ họng không tài nào nuốt nổi. Người lớn, trẻ con hầu như ai cũng bị ho, bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa…”, bà Đỗ Thị Chung sống gần nhà máy giấy An Hòa bức xúc nói.
Nguồn nước xả thải có màu không bình thường, có mùi hôi thối được cho là của Nhà máy Giấy An Hòa
Người dân xã Cấp Tiến phản ánh, trước đây đoạn sông Lô chảy qua địa bàn xã Cấp Tiến có nhiều tôm, cua, cá …nhưng từ khi nhà máy giấy An Hòa xả thải xuống sông, cá tôm ít dần, chết dần, chết mòn. Có ngày ô nhiễm quá, người dân ra sông vớt được cả tạ cá chết. Điều đáng bàn, cách cống xả thải của nhà máy giấy An Hòa không xa, là trạm bơm thủy lợi của xã Cấp Tiến lấy nguồn nước sông Lô để phục tưới tiêu nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
“Mặc dù biết nước sông Lô ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi phải lấy nguồn nước sông Lô để phục vụ trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi. Mỗi khi lội ruộng hoặc rửa chân tay bằng nguồn nước này, chúng tôi bị ngứa ngáy chân tay, ghẻ lở còn gia súc, gia cầm thì còi cọc, chậm lớn…”, bà Vũ Thị T ... người dân thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến giãi bày.
Đến bao giờ xử lý triệt để ô nhiễm?
Mặc dù cách nhà mấy giấy An Hòa khoảng hơn 4km nhưng tại trụ sở UBND xã Cấp Tiến, chúng tôi vẫn ngửi hôi thối, mùi hóa chất của nhà máy giấy An Hòa phát ra. Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Vinh – Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến nói: “Mùi hôi của nhà máy giấy ảnh hưởng đến toàn xã Cấp Tiến đấy”.
“Tình trạng này diễn ra nhiều năm dân kêu nhiều lắm. Chúng tôi chỉ biết kiến nghị nhiều lần với cấp trên nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Cứ để tình trạng như thế này lâu dài sẽ không đảm bảo sức khỏe cho bà con. Nhiều đoàn xuống kiểm tra đo đạc và xử phạt nhiều lần đến giờ vẫn có mùi hôi và khí thải hôi…” Chủ tịch xã Cấp Tiến Hoàng Ngọc Vinh cho biết thêm.
Ông Hoàng Ngọc Vinh – Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Về vấn đề ô nhiễm môi trường quanh khu vực nhà máy giấy An Hòa, theo ông Nông Minh Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết, trong quá trình hoạt động sản xuất, công ty CP giấy An Hòa đã chưa xử lý triệt để các ô nhiễm do quá trình xả thải làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Ngày 16/4/2015, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành văn bản số 898/UBND–TNMT về việc thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường tại Nhà máy giấy An Hòa, trong đó có đoạn viết: “Yêu cầu công ty CP giấy An Hòa khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể hoàn thành hệ thống xử lý nước thải của nhà máy giấy trước ngày 31/5/2015 và giao cho Sở TN&MT tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường…”
Phó Chủ tịch huyện Nông Minh Hiền nói về biện pháp xử lý: “Để có cơ sở đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất giấy, bột giấy đến môi trường khu vực hạ lưu nơi tiếp nhận nguồn nước xả thải ra sông Lô của Công ty CP giấy An Hòa, UBND huyện Sơn Dương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở TN&MT và các cơ quan có liên quan phối hợp với UBND huyện Sơn Dương, UBND xã Cấp Tiến kiểm tra việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường của công ty CP giấy An Hòa, đặc biệt là hệ thống công trình xử lý nước thải, khí thải ra môi trường xung quanh…”.
Cũng theo ông Hiền cho biết, về ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, qua kiểm tra một số giếng đào của nhân dân thôn Phú Lương (xã Cấp Tiến – huyện Sơn Dương) cho thấy nguồn nước ngầm gần khu vực xả thải có hiện tượng ô nhiễm. UBND huyện đã làm việc với công ty CP giấy An Hòa đề nghị công ty có biện pháp khắc phục.
Để có thêm thông tin chính xác, khách quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường của công ty CP giấy An Hòa và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, chúng tôi đã đến Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang để liên hệ làm việc nhưng chưa nhận được sự hợp tác của cơ quan này.
Hiện nay, nhiều người dân xã Cấp Tiến (huyện Sơn Dương – Tuyên Quang) sinh sống quanh khu vực nhà máy Giấy An Hòa đang chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Họ đang mong đợi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Tuyên Quang, cũng như những giải pháp đồng bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý triệt để ô nhiễm môi trường để đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.
Được biết, trong quá trình sản xuất, do có hành vi gây ô nhiễm môi trường nên năm 2013, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt hành chính 230 triệu đồng, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường xử phạt 225 triệu đồng. Tháng 8/2014, UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xử phạt công ty CP giấy An Hòa 150 triệu đồng vì không thực hiện đúng nội dung về xử lý nước thải đạt quy chuẩn QCVN 12:2008/BTNMT, cột A đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thải ra môi trường.
Minh Sơn – Quang Văn
Nguồn bài viết : KM Game Bài 3d