- Tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước kỳ họp cuối cùng QH khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho hay, số lượng chủ tịch UBND tỉnh trong QH mấy khóa gần đây đã giảm đáng kể. Tránh tình trạng nghị trường có nhiều ghế trống hoặc chủ tịch tỉnh ngồi họp mà cứ phải lo việc chống bão lụt ở địa phương.
Kỳ họp QH thứ 9 sẽ đánh giá nhiệm kỳ hoạt động của Chính phủ, Chủ tịch nước và nhiệm kỳ hoạt động QH. Bởi vậy nhiều cử tri trong buổi tiếp xúc hôm nay (7/3) đã tranh thủ "tổng kết sớm" giúp Quốc hội và kiến nghị với Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng những kỳ vọng đổi mới cho nhiệm kỳ sắp tới.
Cử tri Dương Ngọc Văn (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho rằng, nhiệm kỳ Chính phủ đã để lại dấu ấn qua một số công trình quan trọng. Nhưng đây cũng là nhiệm kỳ trải qua nhiều sóng gió với liên tiếp các đợt lạm phát, suy giảm, rồi lại lạm phát.
Ảnh: Lê Nhung
Ông Văn cho rằng, những vấn đề trên chính là bức xúc mà người dân muốn QH gửi gắm tới Chính phủ. Từ những hạn chế vừa nêu, QH có thể sáng suốt tìm và chọn lựa để bầu ra một Chính phủ khóa mới gồm những người đủ đức, tài.
Ý kiến của ông Văn nhận được sự tán thành của đa số cử tri khác. Bởi nhiều cử tri cho rằng, phải đánh giá khách quan, chính xác việc đã làm, chưa làm được của các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ XII thì mới có căn cứ tìm ra các thành viên khác đủ năng lực điều hành.
Nói như ông Nguyễn Văn Ninh (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), đầu nhiệm kỳ dân rất ấn tượng với hình ảnh Bộ trưởng Y tế đi thị sát các bệnh viện, hứa với dân sẽ nhanh chóng xóa bỏ tình trạng hai, ba bệnh nhân chung một giường.
Nhưng đợt vừa rồi có người nhà phải vào bệnh viện, ông chứng kiến cảnh các giường bệnh thậm chí không phải hai mà là ba, bốn người chen chúc.
Rõ ràng, với ông Ninh, việc QH đánh giá lại nhiệm kỳ hoạt động Chính phủ thể hiện niềm tin và hy vọng của người dân vào sự đổi mới.
"Chúng tôi đề nghị ai không đủ năng lực điều hành thì nên bãi nhiệm, không tái cử", một cử tri phường Thành Công, quận Ba Đình nêu. Cũng theo ông, nên xem lại chủ trương sáp nhập bộ ngành đã đạt mục tiêu tinh giản bộ máy chưa, khi mà hàng loạt cục, tổng cục đang liên tiếp ra đời.
Ông Dương Ngọc Văn cũng đề xuất QH mạnh dạn thí điểm bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ, tạo tiền lệ tốt để quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng hơn.
Vì sao 2/3 đại biểu kiêm nhiệm?
Cũng tại cuộc tiếp xúc, người dân bày tỏ kỳ vọng cuộc bầu cử ĐBQH sắp tới sẽ có cách làm dân chủ để chọn ra người có đức, có tài đại diện cho dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định các ý kiến trên rất hữu ích cho QH khi chuẩn bị đánh giá cuối nhiệm kỳ. Ông cũng tranh thủ giải đáp thắc mắc của người dân (được nói tại các hội nghị của MTTQ các cấp) về việc tại sao QH chưa thể cải tiến đến tận cùng. Về việc vì sao chưa thể giảm ngay số đại diện hành pháp trong QH, chưa thể tăng số lượng ĐB chuyên trách lên cao hơn hoặc vì sao vẫn phải chọn đại diện của dân theo cơ cấu.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho hay, số lượng chủ tịch UBND tỉnh trong QH mấy khóa gần đây đã giảm đáng kể. Tránh tình trạng nghị trường có nhiều ghế trống hoặc chủ tịch tỉnh ngồi họp mà cứ phải lo việc chống bão lụt, việc địa phương. Bù lại, vẫn khuyến khích các chủ tịch HĐND.
"Chúng ta thực hiện lộ trình giảm bớt dần dần vì vẫn phải có đại diện các cơ quan hành pháp trong QH", ông Trọng nói.
Về việc nâng tỷ lệ ĐB chuyên trách từ 29% lên 33%, Chủ tịch QH giải thích, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay trong QH và sẽ được nâng dần lên sau nhiều khóa nữa.
Tăng tỷ lệ ĐB chuyên trách lên 1/3, nghĩa là sẽ có thêm càng nhiều người có điều kiện tập trung giúp QH nghiên cứu sâu nhiều vấn đề, để chất lượng hoạt động QH tăng lên. Một đổi mới khác là sẽ tập trung cho hoạt động của các cơ quan như hội đồng dân tộc và các ủy ban.
Về lý do vì sao vẫn còn tới gần 2/3 ĐB kiêm nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, "bởi vì QH chúng ta theo cơ chế chính trị khác các nước. QH các nước hoạt động chuyên nghiệp. Nhưng ở VN, QH không chỉ là cơ quan quyền lực cao nhất mà còn là cơ quan đại diện cao nhất của dân, là một khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm đại diện các tầng lớp, các vùng miền nên phải có các thành phần, cơ cấu khác nhau để nghe được các loại ý kiến khác nhau".
Chia sẻ với bức xúc của cử tri về các vấn đề dân sinh, Chủ tịch QH cho hay, công tác quản lý điều hành vẫn đang còn yếu kém cần khắc phục. Tuy nhiên, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, bất ổn gia tăng, "không thể nôn nóng, chủ quan. Đây là lúc chúng ta cần sự đồng lòng nhất trí, đồng cam cộng khổ để cùng vượt qua khó khăn", Chủ tịch QH nói.
Ông Trọng cho hay, những ý kiến về đổi mới QH sẽ chỉ thực hiện được khi sửa toàn diện Hiến pháp. Như vậy, sau khi bầu cử QH và bầu Chính phủ khóa mới, sẽ nghiên cứu kỹ việc sửa Hiến pháp 1992 làm cơ sở để sửa hệ thống các luật có liên quan về bầu cử QH và bầu cử HĐND.
Kỳ họp cuối cùng QH khóa XII dự kiến sẽ
khai mạc ngày 21/3 sắp tới.
Lê Nhung
Nguồn bài viết : Club Royale