SÁCH HAY THỐNG KÊ

2025-01-15 20:48:00

Ghi nhận những công lao, cống hiến đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất; nhưng hơn hết, đồng chí mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân.

Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh điều này trong Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Quả thật, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những hành động, cảm xúc của hàng vạn người dân tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), dọc theo các con đường từ Nhà Tang lễ Quốc gia đến Nghĩa trang Mai Dịch cũng như triệu con tim trên khắp mọi miền Tổ quốc đã thể hiện điều đó.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày thứ nhất khép lại lúc 24 giờ tại Nhà tang lễ Quốc gia và lúc 23 giờ tại thôn Lại Đà và Hội trường Thống Nhất, muộn hơn dự kiến. Và bà con cô bác lại tiếp tục có mặt từ sáng sớm của ngày thứ hai tại ba địa điểm nói trên.

Sau Lễ truy điệu, tại Hà Nội hàng chục nghìn người dân thành kính xếp hàng dưới cái nắng chói chang của mùa hè dọc theo hành trình của đoàn xe tang, từ Nhà tang lễ Quốc gia đến Nghĩa trang Mai Dịch, để tiễn biệt người cộng sản chân chính.

Những ống kính máy ảnh, máy quay phim và ngòi bút của các phóng viên đã kịp ghi lại những hình ảnh vô cùng xúc động trong hai ngày Quốc tang ở hai đầu Tổ quốc. Đó là tập thể 37 người phụ nữ dân tộc Tày trong trang phục truyền thống đi xuyên đêm, vượt ba trăm cây số từ Lào Cai để sáng sớm có mặt tại thôn Lại Đà (Đông Anh, Hà Nội), quê hương của vị Tổng Bí thư mà họ rất kính trọng.

Chị Lương Ngọc Hà, một trong số phụ nữ Tày ở tỉnh Lào Cai, cho biết các chị đã không cầm được những giọt nước mắt vì nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước và vì cảm động trước tình cảm sâu đậm mà người dân thôn Lại Đà dành cho những người khách phương xa.

Đó là cô giáo Đặng Thị Thu Hương (Trường Tiểu học Văn Yên, Hà Đông, Hà Nội), người đã thức trắng đêm 25/7 bên ngoài Nhà Tang lễ Quốc gia, với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư thật sớm vào ngày hôm sau.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (Bình Dương) mang theo bài thơ mình sáng tác về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh sáng 26/7. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Đó là bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, trú ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), người đã xuất phát từ 3 giờ sáng để đến Thành phố Hồ Chí Minh và mang theo khung ảnh gồm di ảnh của Tổng Bí thư và bài thơ tự sáng tác: “Bác ơi, bác đã đi rồi. Người dân cả nước ngậm ngùi tiếc thương. Cả cuộc đời bác dâng trọn cho quê hương. Cho đất nước đẹp giàu, sánh cùng bốn bể năm châu."

Đó là gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm (trú ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Chị đã viếng Tổng Bí thư tại Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 25/7 và trở về nhà. Song do các cháu bé (5 tuổi và 7 tuổi) bày tỏ nguyện vọng được “viếng ngoại Trọng" nên vào sáng 26/7 chị đã mang hai con trở lại Hội trường Thống Nhất…

Nỗi đau buồn, những giọt nước mắt trong buổi chia ly là điều dễ hiểu, thể hiện tình cảm chân thực, lớn lao mà người dân Việt Nam đối với vị lãnh đạo của Đảng, của đất nước, người đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng và tinh thần không khoan nhượng chống tham nhũng, tiêu cực.

Hình ảnh cao đẹp, trong sáng lúc sinh thời của Tổng Bí thư khơi dậy mạnh mẽ trong tâm thức người dân thuộc mọi thế hệ, thành phần tinh thần tự hào dân tộc, niềm tin đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng lãnh đạo.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết chính quyền và người dân địa phương nỗ lực hết sức để phục vụ việc tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà theo đúng nghi thức quốc tang, đảm bảo tính chất trang trọng, chu đáo. Điều này thể hiện sự thành kính, lòng tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân quê hương Đông Anh đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là một hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay để thanh, thiếu niên tiếp bước ông cha mình.

Em Thèn Trung Thành, dân tộc Nùng, vượt 340km từ Xín Mần (tỉnh Hà Giang) xuống Hà Nội viếng Tổng Bí thư với suy nghĩ: "Em ngưỡng mộ Tổng Bí thư đã lâu và nghĩ đây là thời điểm để người Việt Nam xích lại gần nhau hơn nên em quyết định đi Hà Nội viếng Bác.”

Còn bạn trẻ Quỳnh Anh (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Tư tưởng, đạo đức, lối sống của bác Trọng giúp con nỗ lực từng ngày. Nhờ bác, con đã tìm ra mục tiêu cho riêng mình. Đối với con thành nhân trước khi thành công là mục tiêu lớn mà con phải đạt được, trở thành người cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư."

Những người dân nước Việt không có điều kiện dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn hướng về người lãnh tụ vừa mới giã biệt chúng ta, bày tỏ niềm tin tưởng đối với Đảng và quyết tâm đóng góp xây dựng Tổ quốc.

Người dân tập trung hai bên đường đưa tiễn linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Thái Hòa (cựu chiến binh với hơn 55 năm tuổi Đảng) theo dõi Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua kênh Truyền hình Thông tấn với nỗi xúc động dâng trào. Ông tâm sự: Suốt thời gian qua, Tổng Bí thư cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đoàn kết một lòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân quyết tâm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư là người chèo lái vĩ đại nhất. Tổng Bí thư luôn gương mẫu, giản dị, gần dân, nghe dân và trong mọi chủ trương, đường lối luôn lấy dân làm gốc, làm nền tảng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiên quyết chống tham nhũng, suy thoái đạo đức.

Ông Nguyễn Thái Hòa tin tưởng vững chắc vào việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ biến đau thương thành hành động tích cực, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Abyei, khu vực tranh chấp nằm giữa Sudan và Nam Sudan (châu Phi), các chiến sỹ Bộ đội Cụ Hồ đội mũ nồi xanh cũng đang hướng tâm tưởng về Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trung tá Nguyễn Quốc Khánh, Tổ trưởng Tổ công tác tại phái bộ UNISFA, chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam: Kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi xin khắc ghi những lời căn dặn: “Quân đội cần tham gia tích cực, có trách nhiệm hơn nữa vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,” quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “5 quyết tâm, 5 chủ động” mà Tổng Bí thư đã giao cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Hàng triệu người dân, trong đó có nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ tương lai đang tiếp nhận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bày tỏ tình cảm trong dịp này là bởi vì những thành quả mà Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư mang lại cho đất nước Việt Nam. Đó là nền hòa bình, sự ổn định, đời sống kinh tế-xã hội đi lên và vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Trước sự ra đi của Tổng Bí thư, toàn thể nhân dân đều đồng lòng tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu phát triển như Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Những tâm tư, tình cảm mà người dân Việt Nam dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn đúng như lời của Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Lễ tang, trong Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư: "Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh"./.

Hình ảnh người dân lưu luyến tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Dọc các tuyến đường từ Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông đến Nghĩa trang Mai Dịch, người dân đứng rất đông chờ xe đưa linh cữu Tổng Bí thư đi qua để tiễn bác.

(TTXVN/Vietnam+)
Top