Từ tháng 9/2017, đào tạo giáo viên cốt cán cho chương trình giáo dục phổ thông mới

2024-12-21 13:48:10

Tại buổi làm việc, nhiều cử tri đặt ra câu hỏi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo ông Nhạ, chương trình mới và đổi mới sách giáo khoa phổ thông từ năm 2018 được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội. Nếu sang năm học 2018-2019 mà triển khai đồng bộ ở các cấp là rất khó khăn, nên Bộ dự định năm học tới chỉ tập trung đổi mới ở lớp 1 và làm thử nghiệm ở lớp 6, lớp 10. Năm học 2019-2020 sẽ tiếp tục làm đại trà lớp 2, lớp 6, lớp 10; đến năm 2023 hoàn thành đổi mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Bình ĐỊnh

Về việc học sinh THPT được tự chọn 3 môn và một chuyên đề có thể mỗi năm nhu cầu tự chọn thay đổi, điều này khiến các trường không bố trí được giáo viên. Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ đang tiếp tục xem xét vấn đề này.

Bên cạnh thay đổi về chương trình giảng dạy, người đứng đầu ngành giáo dục còn cho biết, Ban Quản lý dự án của Bộ đang rà soát, xây dựng các chuẩn giáo viên theo khung mới và chuẩn quản lý nhà giáo mới.

Cụ thể, Bộ đã lên kế hoạch từ tháng 9/2017 sẽ tiến hành đào tạo giáo viên cốt cán, sau đó sẽ mở rộng ra toàn đội ngũ giáo viên. Giáo viên được đào tạo theo chương trình bồi dưỡng đạt mức chuẩn tối thiểu, ứng yêu cầu chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Về việc này, Bộ giao cho 7 trường đại học sư phạm làm nòng cốt, hơn 100 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ làm vệ tinh cho việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên ở các địa phương.

Để đảm bảo cơ sở vật chất ở bậc tiểu học dạy 2 buổi/ngày, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cần thiết kế chương trình theo hướng linh hoạt, căn cứ vào từng điều kiện cụ thể của từng trường để bố trí việc học hợp lý, từng bước tiến tới các lớp tiểu học học hai buổi/ngày. “Chúng tôi đang tính toán theo hướng khả thi, mức độ linh hoạt của từng địa phương để điều chỉnh” - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Thí điểm không còn công chức, viên chức

Về việc tăng biên chế, Bộ trường đề nghị các địa phương chủ động trong việc đào tạo giáo viên kiêm nhiệm, Bộ sẽ kiến nghị các bộ ngành và Chính phủ xem xét có chế độ phù hợp, kể cả chính sách và chế độ cho những giáo viên lớn tuổi có nhu cầu nghỉ sớm.

Đối với vấn đề tăng thời gian làm việc của giáo viên, Bộ trưởng cho rằng nếu có hiệu quả phải tăng chế độ. “Hiện nay giáo viên đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào, có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình”, Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Về việc hàng năm giáo viên phải đăng ký sáng kiến kinh nghiệm, Bộ trưởng Nhạ khẳng định Bộ GD-ĐT đã chủ trương, từ năm học tới sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua.

Minh Hà

Nguồn bài viết : Table games

Top