SÁCH HAY THỐNG KÊ

Sôi nổi phong trào hỗ trợ lưu học sinh Campuchia

2024-12-20 18:53:17
Tết sớm của cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia
Ấm áp bữa cơm tất niên của lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam

Ngày 15/10/2023, Sovannthyda Hul (tên thường gọi là Da, 22 tuổi, quê ở Svay Riêng, Campuchia) có mặt tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội (số 7, phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để hỗ trợ mẹ đỡ đầu Yos Bopha đón khách dự Đại hội đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028.

Da đang học năm thứ tư chuyên ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Em là lưu học sinh Campuchia thứ 31 mà bà Yos Bopha và Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp nhận đỡ đầu theo chương trình Ươm mầm hữu nghị do Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động.

Các lưu học sinh Campuchia biểu diễn văn nghệ tại Đại hội đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028, tháng 10/2023. (Ảnh: Thành Luân)

Da kể: "Em đã biết đến mẹ Bopha trước đó. Những lần mẹ Bopha đưa các bạn đi tham quan di tích, danh lam thắng cảnh Hà Nội, uống cà phê, ăn buffet, em đều được tham gia cùng... Khi mẹ hỏi em có muốn làm con đỡ đầu của mẹ không, em mừng rỡ đồng ý ngay lập tức. Mẹ Bopha trở thành người mẹ thứ hai của em, Việt Nam cũng là quê hương thứ hai của em".

Theo thông tin từ Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp, đến nay, hội đã nhận đỡ đầu 31 lưu học sinh Campuchia đang theo học tại các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Y Dược Thái Bình, Học viện Quân y. Đa số hội viên của Hội là những người mang hai dòng máu Việt Nam - Campuchia, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán đất nước chùa Tháp, gắn bó với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Campuchia tại Việt Nam, nên dễ hòa đồng, gắn bó với người dân Campuchia, nhất là lưu học sinh sang Việt Nam học tập.

Bà Bopha cho biết: "Năm 10 tuổi, tôi xa gia đình đến đến trường T719, trường K3 học tập. Đó là trường dành riêng cho các con có bố là người Campuchia, mẹ là người Việt Nam. Tôi đã khóc vì nhớ nhà nên thấu hiểu nỗi lòng của những người con xa gia đình.

Nghe tiếng gọi "Mẹ" từ các con, tôi thấy xúc động, thiêng liêng. Có các con, chúng tôi chăm chỉ làm việc để có điều kiện chăm lo cho các con. Có ba mẹ đỡ đầu, các con có thêm tình yêu thương, nguồn động viên để cố gắng học tập tốt hơn. Hội luôn dành những phần quà từ 500 nghìn - 1 triệu VNĐ thưởng cho các con có thành tích học tập tốt và tặng quà vào các dịp lễ, Tết của hai đất nước. Mỗi khi các con ốm đau, bố mẹ Việt lại chăm lo, động viên, hỗ trợ viện phí từ 1 - 2 triệu VNĐ. Việc vui, buồn của từng gia đình, các lưu học sinh đều có mặt chung vui, chia sẻ với bố mẹ. Hội còn thường xuyên tổ chức các buổi tham quan trải nghiệm ở nhiều tỉnh thành, tạo điều kiện cho các lưu học sinh Campuchia được gặp gỡ giao lưu, trau dồi kiến thức văn hóa, lịch sử Việt Nam, từ đó thêm yêu quý, trân trọng và tự hào về môi trường học tập tại Việt Nam".

Không chỉ dừng lại ở mô hình cá nhân nhận đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia học tập tại Việt Nam, đến nay, chương trình đã phát triển đến hầu hết các tỉnh, thành phố có lưu học sinh Campuchia học tập. Cùng với phong trào đỡ đầu trực tiếp, phong trào ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ lưu học sinh cũng diễn ra sôi nổi ở các cấp hội. Hiện nhiều cơ quan ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội từ thiện và các nhà hảo tâm, các cấp hội đã chủ động phối hợp với Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức hàng trăm hoạt động hỗ trợ hàng nghìn lượt sinh viên, góp phần thiết thực giúp các em an tâm học tập.

Theo ông Lê Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, năm học 2023-2024, Trung ương Hội đã vận động được 12 tập thể, 11 cá nhân tự nguyện nhận đỡ đầu 193 sinh viên Campuchia, trong đó đã thực hiện gửi gắm 80 em tới cha mẹ, tổ chức đỡ đầu. 113 lưu học sinh còn lại thuộc các trường ở Hà Nội sẽ thực hiện thủ tục giao, nhận đỡ đầu vào đầu năm 2024.

Năm 2024, Trung ương Hội tiếp tục triển khai kế hoạch Ươm mầm hữu nghị theo hướng đa dạng hóa các hình thức đỡ đầu, bằng cách vận động các tổ chức, đoàn thể xã hội như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp có tâm huyết, điều kiện tham gia góp sức vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Việt Nam - Campuchia: Tình người trong hoạn nạn
Lưu học sinh Lào và Campuchia trải nghiệm gói bánh tét, trang trí mâm ngũ quả
Top