Số liệu thống kê

Ấm áp Tết cổ truyền của đồng bào xa xứ

2024-12-21 11:54:04
Đoàn công tác của Campuchia, Lào thăm, chúc Tết cổ truyền Việt Nam
Các đoàn công tác của Lào, Campuchia đã đến chúc Tết cổ truyền Quý Mão 2023 tại các tỉnh giáp biên giới Việt Nam.
Lễ hội văn hóa đón Tết cổ truyền tại Canada
Hiệp hội Canada - Việt Nam (CVS) ngày 8/1 đã tổ chức lễ hội văn hóa đón Tết Nguyên đán 2023 với chủ đề Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada - cơ hội Vàng để thúc đẩy hợp tác song phương.

Đối với những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, Tết cổ truyền là dịp để hướng về quê hương. Với những hoạt động lưu giữ nét đẹp văn hoá, chia sẻ niềm vui đón chào năm mới cùng với đồng bào tại nước sở tại, ý nghĩa của Tết vẫn luôn hiện hữu trong lòng những người con xa xứ, dù ở nơi đâu.

Theo chia sẻ của anh Vũ Trần Đức - kiều bào đang sống tại Cộng hòa Liên bang Đức - nơi định cư của hàng trăm nghìn người Việt Nam, thời điểm này không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền đã tràn ngập trong cộng đồng.

Trong những ngày nghỉ, anh Đức tranh thủ đến chợ của người Việt ở Berlin để sắm Tết. Anh cho biết, hàng hóa Tết Việt đã được bày bán ở khắp các cửa hàng rất đa dạng và giá cả vừa túi tiền.

Anh Đức kể: "Tôi đã mua một đĩa xôi gấc, cây quất, một ít mứt Tết và tập phong bao lì xì. Sát Tết sẽ mua thực phẩm làm cơm tất niên. "

Ở chợ của người Việt, ai cũng tất bật chuẩn bị, sắm sửa, tạo khung cảnh đông vui tấp nập.

“Nếu ở trong nước, vào những ngày cận Tết, người đi làm xa nhà nôn nao muốn về quê thì những kiều bào ở nước ngoài như chúng tôi cũng có chung một khao khát như thế, thậm chí mãnh liệt hơn."

Cùng chung tâm trạng với anh Đức là hàng trăm nghìn lao động Việt Nam tại Đức cũng như tại nhiều quốc gia mà người dân không đón Tết Âm lịch.

Kiều bào Vũ Trần Đức (Kỹ sư cơ khí tại Cộng hoà Liên bang Đức) (Ảnh: NVCC).

Anh Đức chia sẻ, ở bên trời Tây, những người lao động như anh vẫn đi làm vào ngày Tất niên như ngày thường. “Chúng tôi phải khắc phục bằng cách tranh thủ hoàn thành sớm công việc rồi xin về trước để chuẩn bị tất niên cho tươm tất. Gặp được chủ thầu tâm lý thì họ hiểu, họ cho nghỉ cả ngày. Mừng lắm.

Do hằng ngày công việc của tổ kỹ sư cơ khí rất bận rộn, bữa cơm thường ngày cũng vì thế mà trở nên “vội vã”. Nhưng bữa Tất niên lại vô cùng chỉn chu, tươm tất với một con gà luộc chuẩn “gà ta”, đĩa măng miến xào, đĩa nem rán cùng chai rượu nếp...

“Cả năm mới có ngày Tết cổ truyền nên dù ở xứ người thì chúng tôi vẫn mong giữ được phong tục của ông cha ta. Anh em cũng cố gắng chuẩn bị từ mâm cơm, cành đào,... Giống Tết quê bao nhiêu thì quý bấy nhiêu.”

Mâm cơm tất niên tại nhà do anh Vũ Trần Đức chuẩn bị để đón Tết Kỷ Hợi 2019 (Ảnh: NVCC).

Trong mâm cơm Tất niên, những người kỹ sư quây quần, cùng nhìn lại một năm đã qua trên đất khách. Niềm vui không chỉ đến từ hương vị món ăn quen thuộc, mà còn từ những giờ phút được cùng nhau ca hát, trò chuyện về kỷ niệm quê nhà. Trên cành đào phai anh Đức mới mua, một vài nhuỵ hoa đã bắt đầu hé mở.

(Ảnh: Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Berlin) nhộn nhịp ngày Tết. Nguồn: quehuongonline).

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, tính đến năm 2019, có khoảng 190.000 kiểu bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Liên bang Đức. Đây là một trong những quốc gia tại châu Âu có lượng người Việt Nam định cư nhiều nhất.

Có cùng mong mỏi tái hiện Tết Việt nơi đất khách, bà Đặng Mai Phương, kiều bào định cư tại Cộng hoà Séc hơn 20 năm, thường chọn cách cùng các con thực hiện một số truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Với bà, việc chuẩn bị một cái Tết đúng chất quê hương có ý nghĩa kết nối đặc biệt quan trọng cho gia đình, nhất là đối với thế hệ sau.

Bà Phương cho biết, khoảng cách về thời gian và địa lý giữa Việt Nam và Séc không làm giảm đi không khí đón Tết theo lịch âm của gia đình. Năm nào bà cũng căn chuẩn giờ để có thể cùng người thân ở Việt Nam đón thời khắc Giao thừa và gọi chúc Tết hai bên nội ngoại vào sáng đầu năm mới.

Một trong số những truyền thống của gia đình bà Phương là tự tay làm bánh chưng. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, chọn mua những chiếc lá dong và lạt chuẩn, đến khâu gói bánh, buộc lạt và miết các cạnh để chiếc bánh được vuông vắn; tất cả đều được các thành viên gia đình cùng nhau thực hiện.

“Chính bởi đã xa quê nhiều năm, tôi luôn cố gắng cùng gia đình tái hiện đầy đủ những phong tục truyền thống trong ngày Tết sao cho giống những ngày còn ở Việt Nam nhất có thể." - bà Phương cho biết.

Dù rằng các con chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm Tết Việt đúng nghĩa, bà Phương tin rằng với những nỗ lực tái hiện không gian Tết cổ truyền của mình, thế hệ sau sẽ biết trân trọng những giá trị văn hóa của đất nước, biết hướng về cội nguồn dân tộc.

"Tôi mong cái hương vị đậm đà tình quê hương ấy sẽ đi vào hồi ức của các con từ thuở ấu thơ. Vì quê hương luôn là một phần gắn kết của linh hồn.”

Gia đình bà Đặng Mai Phương chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021 (Ảnh: NVCC).

Tết Nguyên Đán đến gần, kết nối những con tim chung dòng máu Việt nơi đất khách quê người là niềm thao thức, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam. Với mong muốn gìn giữ văn hóa quê hương và tạo cơ hội để kiều bào Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau đón Tết, những cán bộ Ngoại giao Việt Nam luôn nỗ lực mang đến những điều độc đáo, thấm đẫm hương vị truyền thống tại Tết cộng đồng.

Là sự kiện dành riêng cho người Việt, nên doanh nghiệp Việt, du học sinh và tất cả kiều bào đều háo hức và mong chờ, thậm chí có người vượt hàng trăm cây số, hoặc tất cả đại gia đình cùng tới tham gia với những tà áo dài rực rỡ sắc màu.

Tham dự Tết cộng đồng là gặp lại quê hương nơi đất khách. Qua bàn tay của các cán bộ Ngoại giao, không khí Tết Việt tràn về khắp không gian với cành đào, cành mai, hoa sen, hoa cúc, cây chuối, cây tre… Người lớn có cơ hội tìm về hương vị Việt như kẹo mè xửng, kẹo vừng, bánh đậu xanh, bánh cốm… Trẻ con vui mừng nhận lì xì và quà Tết. Không chỉ vậy, kiều bào còn thưởng thức văn nghệ do các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Sự xúc động chất chứa nơi ánh mắt và nỗi nhớ nhà cùng được sẻ chia.

Chia sẻ về thời gian công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong dịp Tết, ông Lê Thanh Bình, nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy nhiệm kỳ 2013-2016, nhớ nhất những buổi gặp mặt chào xuân năm mới.

Tại Oslo - Thủ đô của Na Uy, tháng chạp âm Lịch rơi vào thời điểm lạnh nhất trong năm với mức nhiệt thường ở ngưỡng -7 °C. Tuy nhiên, chính niềm vui được chuẩn bị những bữa tiệc đầy ắp món ăn Tết cổ truyền hay hát múa theo giai điệu Việt Nam vào những buổi gặp mặt này khiến ông và kiều bào quên đi cái giá lạnh và vơi đi nỗi lòng riêng khi thực hiện nhiệm vụ ở xa quê hương.

Trong không gian trụ sở Đại sứ quán, không khí Tết cổ truyền được lan tỏa tại từng góc nhỏ, trên từng ánh mắt nụ cười của mọi người. Mang trong mình trách nhiệm, sứ mệnh đại diện cho quốc gia tại đất khách, các cán bộ ngoại giao khiến Tết Nguyên Đán không chỉ là một kỳ nghỉ lễ, mà còn trở thành dịp hướng về gia đình, hướng về quê hương, Tổ quốc.

“Tết là một dịp có ý nghĩa vô cùng quan trọng để chúng mình thực hiện nhiệm vụ công tác ngoại giao, quảng bá hình ảnh đất nước. Hơn cả, đây là để gắn kết cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước ngoài, mang đến cho bà con một cái Tết xa quê mà vẫn vẹn tròn” - ông Lê Thanh Bình chia sẻ.

Nguyên Tham tán Công sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thanh Bình chia sẻ về Tết cộng đồng (Ảnh: NVCC)

Còn đối với bà Luận Thùy Dương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar nhiệm kỳ 2016-2019, việc trực tiếp tham gia tổ chức Tết Cộng đồng là dịp để gắn kết cộng đồng người Việt, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời gìn giữ và lan tỏa văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam. Tết cộng đồng đã để lại cho vị Đại sứ này nhiều trải nghiệm đáng nhớ với cộng đồng kiều bào tại nước bạn.

Năm 2016, khi lần đầu chuẩn bị Tết, bà Dương cho biết sự thiếu thốn về nguyên liệu, thành phẩm làm nên những câu chuyện vui, còn được kể đến bây giờ: “Lúc gói bánh chưng, chúng mình không kiếm được đủ lá dong, phải lấy lá chuối gói, không có cả khuôn nên phải gói bằng tay. Gói xong, cái to, cái nhỏ, nhưng mọi người đều vui vẻ, trân quý lắm.”

Sự kiện đón Tết do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức cho kiều bào tại Myanmar dịp Xuân Mậu Tuất 2018 và Xuân Kỷ Hợi 2019.

Bà Dương cùng cán bộ Đại sứ quán mong muốn truyền lại những nét đẹp trong văn hoá cổ truyền đến những người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên tại nơi đất khách. Đối với những các bạn trẻ này, hình ảnh quê hương chỉ hiện hữu trong những câu chuyện kể của ông bà, cha mẹ; những thước phim trên truyền hình,…

Bà Luận Thùy Dương khi đang đương nhiệm Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, diện tà áo dài truyền thống bên hồ Kandawgyi (Yango, Myanmar), ảnh chụp năm 2019 (Ảnh: NVCC)

Bà Dương cho biết, những buổi gặp mặt ngày Tết, sẽ thường dành riêng một khoảng thời gian để lì xì và trò chuyện với từng cháu nhỏ. Phong bao lì xì cũng phải được dành nhiều thời gian để tìm mua và chuẩn bị vì ở Myanmar không có tục mừng tuổi vào dịp đầu năm.

“Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng cuối cùng lì xì vẫn bị thiếu vì một lý do nào đó, giả dụ như có cháu nhỏ muốn nhiều phong bao lì xì vì thích các hình thù màu sắc trên đó chẳng hạn. Chúng mình luôn phải gấp rút chuẩn bị lì xì mới ngay để không cháu nào thiếu phần” - vị Đại sứ kể lại. Trong những phong bao này đựng Kyat (đơn vị tiền tệ của Myanmar) nhưng ý nghĩa thì vẹn nguyên tinh thần của ngày lễ dân tộc Việt.

Nội dung: Thu Hà, Thu Uyên, Minh Nguyệt

Đồ họa: Cẩm Ly, Nguyệt Minh, Lâm Vui, Mai Trang

Bà con người Việt tại Singapore phấn khởi đón Tết cổ truyền
Đông đảo bà con người Việt tại Singapore đã có dịp tập trung cùng nhau kỷ niệm Tết cổ truyền trong không khí vô cùng ấm áp và phấn khởi, sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Cơ hội trải nghiệm Tết truyền thống tại phố cổ Hà Nội
Nhân dịp Tết đến Xuân về, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức loạt hoạt động văn hóa mừng Tết Nguyên đán 2023 bằng loạt hoạt động phỏng dựng phong tục truyền thống từ ngày 8/1 đến 28/2.
Top